Người chuyển giới: Cần 4 điều kiện để pháp luật công nhận

Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn chuyển đổi giới tính.

Tại hội thảo tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam vừa diễn ra, nhiều câu chuyện đau lòng được người chuyển giới chia sẻ. Họ mong muốn tìm lại giới tính thật và được xã hội thừa nhận.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, hiện có gần 400.000-500.000 người mong muốn chuyển giới. Tuy nhiên, hiện trong nước không có những dịch vụ chuyên biệt về chuyển đổi giới tính.

Hiện tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính đến nay dao động từ 23 triệu đến hơn 1,5 tỷ đồng. Với nhóm từ nữ sang nam, chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng. Với nhóm từ nam sang nữ, chi phí trung bình là hơn 128 triệu đồng. Chi phí phẫu thuật cao cũng khiến nhiều người tìm kiếm các dịch vụ “chui” giá thấp từ các cơ sở tư nhân ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn chuyển đổi giới tính. Theo đó, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: Đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần….

Ngoài ra, nếu không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được công nhận thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.

Ảnh minh họa.

Một trong những câu chuyện điển hình về sự khó khăn đối với người chuyển giới là bạn Nguyễn Huyền Tr. (22 tuổi, ở Hà Nội). Từ nhỏ Tr. đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Tr. thích chơi trò con gái. Năm lên cấp 2, Tr. có sự khác biệt về cơ thể.

Tr. cho hay, khi Tr. nói với gia đình về sự khác biệt của mình với gia đình. Gia đình không những không thông cảm mà còn cấm đoán Tr. không được bất kì hành động nào giống con gái kể cả chơi với các bạn gái cùng trang lứa. Tr. cho biết thêm, khi học xong cấp 3 Tr. đã sống thật với giới tính của mình bỏ qua nhiều điều đàm tiếu xung quanh. Bắt đầu nuôi tóc, sơn móng tay, móng chân, mặc bộ đồ con gái....

Khi mỗi lần gia đình nhìn thấy hình dáng của Tr. như vậy, gia đình lại bắt đầu chửi bới. Không thể chịu đựng được nữa, Tr. quyết định bỏ đi và ra ngoài sinh sống.

Tr. đi xin việc nhưng không nơi nào nhận bởi thân hình khác biệt của mình: Nửa nam, nửa nữ. Về tình yêu đôi lứa, Tr. trải lòng: Đến giờ, em vẫn chưa dám yêu ai.

Tr. mong sao luật pháp cho phép trẻ xác định lại giới tính trước tuổi dậy thì để có biện pháp y học can thiệp kịp thời. Hơn nữa, Tr. cũng mong muốn pháp luật có quy định sửa đổi lại giấy tờ để sống đúng nghĩa với giới tính của bản thân. Tr. hi vọng mọi người bớt kỳ thị và thông cảm hơn với những người chuyển giới.

Hương Liên - Quỳnh Trang

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201711/nguoi-chuyen-gioi-can-4-dieu-kien-de-phap-luat-cong-nhan-2864698/