Người Chứt an cư dưới chân núi Ka Đay

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Chứt đã thay đổi tập quán từ săn bắt hái lượm sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa nước, chăn nuôi lợn, gà.

 Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các đoàn thể, doanh nghiệp sau nhiều năm dày công "cầm tay chỉ việc" đã giúp đồng bào Chứt thay đổi tập quán sản xuất, từng bước đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa nước. Ảnh: VD.

Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các đoàn thể, doanh nghiệp sau nhiều năm dày công "cầm tay chỉ việc" đã giúp đồng bào Chứt thay đổi tập quán sản xuất, từng bước đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa nước. Ảnh: VD.

“Cầm tay chỉ việc” tăng gia sản xuất

Tộc người Chứt, bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê là đồng bào dân tộc ít người duy nhất đang sinh sống trên địa bàn Hà Tĩnh. Trước khi được đưa ra nơi ở mới, tộc người Chứt chuyên sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao của huyện Hương Khê trong điều kiện lạc hậu. Họ không biết mặc quần áo, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây rừng, sinh hoạt chung với nhau trong hang sâu, thức ăn chủ yếu là tôm cá dưới suối, thú hoang trên rừng và bột cây báng.

Sau hàng chục năm được chính quyền đưa về định cư dưới chân núi Ka Đay, khác với những ánh mắt ái ngại người Chứt đã chủ động hỏi chuyện. Đằng sau mỗi câu chuyện khó nghe được diễn tả bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Chứt là tiếng cười giòn tan vang lên trong niềm vui sướng của trẻ nhỏ.

Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên cho biết, Rào Tre có 43 hộ dân có đến 40 hộ sinh sống dựa vào 3ha đất trồng lúa và khoảng 40ha đất rừng, số còn lại các hộ neo đơn, già cả không còn sức lao động.

Khoảng chục năm về trước, mặc dù Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương, các đoàn thể trong toàn tỉnh dốc sức tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp để đưa tộc người Chứt sớm hòa nhập với cuộc sống văn minh nhưng sau mỗi lần “cầm tay chỉ việc”, khi cán bộ về xuôi cuộc sống “hoang dã”, săn bắt hái lượm của đồng bào đâu lại vào đấy.

Một số hộ mạnh dạn nhận đất trồng keo phát triển kinh tế. Ảnh: TN.

“Tôi còn nhớ, những năm 2010, cán bộ giúp bà con gặt lúa đem về nhà rồi nhưng vì lười, bà con để lúa nảy mầm chứ không đập lúa ra khỏi bông để phơi phóng, xay xát. Khi được hỏi, bà con bảo “chờ máy đến tuốt”, trong khi số lúa để trong nhà chưa đến chục bó”, một cán bộ đoàn từng tham gia tình nguyện tại bản Rào Tre nhớ lại.

Đó là câu chuyện của một thập kỷ về trước, còn bây giờ, ý thức đồng bào Chứt tuy chưa thể bằng người Kinh nhưng đã có những đổi thay vượt bậc. Theo trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên, đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào khâu làm đất, thu hoạch lúa.

Thường xuyên thăm đồng, theo dõi lúa phát triển, làm cỏ, chăm sóc lúa theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Ngoài ra, một số hộ mạnh dạn nhận đất rừng để trồng keo, tràm phát triển kinh tế. Xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, trồng chuối,… vừa phục vụ đời sống cho gia đình, vừa tăng thu nhập.

“Những năm gần đây năng suất lúa nước của đồng bào Chứt bình quân đạt 2,5 tạ/sào, có những thửa đạt hơn 3 tạ/sào, cao gấp 2 - 3 lần so với chục năm về trước. Đồng bào cũng rất có ý thức trong sản xuất, siêng năng, cần cù hơn”, Trưởng bản Kiên nói.

Để thay đổi được tập tục thâm căn cố đế của đồng bào Chứt từ săn bắt hái lượm sang tăng gia sản xuất như bây giờ, phải khẳng định vai trò hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” của Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp là cực kỳ lớn.

Bà Võ Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh nhớ lại, từ những năm 2017 - 2018, công ty đã cho cán bộ chở từng bao giống, bao phân lên Rào Tre cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Ngoài hỗ trợ 100% giống, phân bón, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn bà con cách ngâm ủ giống, gieo cấy, chăm sóc lúa theo từng giai đoạn. Đến thời kỳ thu hoạch, huy động đoàn thanh niên công ty đến giúp bà con gặt lúa, chạy đua với thời vụ.

Các mô hình chăn nuôi lợn quy mô từ 10 - 20 con bắt đầu được dân bản phát triển. Ảnh: VD.

“Chúng tôi nghĩ thay vì cho con cá phải trao cần câu để đồng bào tự làm ra của cải, vật chất phục vụ cuộc sống của họ. Ban đầu đồng bào còn đem giống đi đổi rượu, đổi thức ăn nhưng kiên trì năm này qua năm khác, cuối cùng đồng bào cũng hiểu ra vấn đề, tự giác sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ”, bà Võ Thị Hồng Minh chia sẻ.

Câu chuyện nữ trưởng bản 27 tuổi

Song song với cuộc cách mạng giúp dân tăng gia sản xuất, thay đổi đời sống vật chất, việc vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu cũng được tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê đặc biệt quan tâm. Trong đó, vai trò của Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên được xác định là nòng cốt.

Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên, người tiên phong giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Ảnh: TN.

Giữa năm 2015, được sự vận động của UBND xã Hương Liên, Tổ công tác cắm bản Rào Tre (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), người Chứt đã phá lệ chọn Hồ Thị Kiên làm trưởng bản. Chị trở thành nữ trưởng bản trẻ tuổi đầu tiên của người Chứt khi vừa tròn 27.

Chị Kiên kể, thời gian đầu nhận nhiệm vụ, chị gặp không ít khó khăn, áp lực. Bởi trước khi được bộ đội đưa ra khỏi rừng sâu, người Chứt vẫn giữ hủ tục truyền thống như hôn nhân cận huyết thống, tin vào con ma rừng, tin lời giàng bắt tội…

Chính vì nhận thức của người Chứt chưa thay đổi, nên khi Hồ Thị Kiên tuyên truyền về hôn nhân cận huyết hay không được sinh con ngoài bờ suối, bị bệnh nên đến trạm xá người Chứt không ưng bụng cho rằng Kiên phản bội lại lệ luật mà người Chứt đặt ra.

Theo chị Kiên, muốn xóa bỏ hủ tục phải cho họ thấy được hiểm họa đang đe dọa dân làng. Những năm trước, trai, gái chỉ quanh quẩn ở bản nên anh em lấy nhau nhiều. Nhưng 5 năm nay không còn tình trạng hôn nhân cận huyết. Nhiều cặp vợ chồng là người trong bản và người Kinh nên duyên nhờ sự tác hợp của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng.

Trẻ em đồng bào Chứt ở bản Rào Tre nay đã theo học con chữ, người trưởng thành cũng đi làm ăn xa. Ảnh: TN.

“Người Chứt giờ đã hiểu, cứ quanh quẩn trong cái xó nhà sàn cái nghèo sẽ đeo bám mãi. Thế nên trai, gái trong bản Rào Tre học xong đều cơ bản đi làm ăn xa cả rồi. Ở đây, trẻ đến tuổi là vào lớp, ai cũng biết cái chữ”, nữ trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên tâm sự.

Vì là trưởng bản Rào Tre nên chị Kiên phải làm gương, chứ còn ít tuổi, nói người già ở bản không ai nghe. Muốn dân nuôi lợn, trồng rau, gieo mạ được chị cũng phải làm để họ thấy từ đó mới làm theo. Hiện tại, khu vườn của trưởng bản Hồ Thị Kiên ngoài trồng rau, cây ăn quả còn chăn nuôi thêm lợn, gà để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình và làm gương cho dân bản học tập, noi theo.

Thanh Nga - Công Điền

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguoi-chut-an-cu-duoi-chan-nui-ka-day-d293566.html