Người chữa lành những vết thương gia đình

Ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, nhắc đến hòa giải viên Đỗ Thị Với (62 tuổi) có lẽ không ai không biết. Hơn 20 năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, cùng với các hòa giải viên của tổ hòa giải số 1, hòa giải viên Đỗ Thị Với đã hòa giải thành công hàng trăm vụ việc, góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự tại địa phương.

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa vùng ven đô của Thủ đô Hà Nội nói chung, ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì nói riêng đang diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh những tác động tích cực thì cũng đã kéo theo nhiều vấn đề phức tạp như các vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, hay là sự xuất hiện của những tụ điểm ma túy…

Những ngày đầu tham gia công tác hòa giải, bà Với đã đối mặt với không ít những khó khăn như kinh nghiệm hòa giải chưa có, bà con nhân dân chưa thấu hiểu được công việc của những hòa giải viên khi đó. “Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ đối với các gia đình và các đối tượng ở địa phương quả thật là không dễ”, đấy là những suy nghĩ, trăn trở của bà Với trong thời gian đầu khó khăn đó.

Tuy nhiên, với tình yêu quê hương, tinh thần ham học hỏi, hòa giải viên Đỗ Thị Với đã tích cực tham gia học tập và tìm hiểu những kiến thức về pháp luật và hòa giải để có cơ sở pháp lý khi đưa ra những lời khuyên cho các bên tranh chấp. Cùng với đó, sự chia sẻ kinh nghiệm từ các hòa giải viên đi trước, sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương cũng giúp ích rất nhiều cho bà trong suốt quãng thời gian làm công tác hòa giải ở cơ sở.

Hòa giải viên Đỗ Thị Với đọc báo PL&XH để học hỏi thêm các kinh nghiệm về hòa giải. Ảnh: Đ.Linh

Hòa giải viên Đỗ Thị Với đọc báo PL&XH để học hỏi thêm các kinh nghiệm về hòa giải. Ảnh: Đ.Linh

Bà Với chia sẻ, để hòa giải thành công, hòa giải viên phải là người biết lắng nghe những tâm tư, bức xúc của người trong cuộc. Sau đó mới dùng những phân tích hợp tình, hợp lý để khuyên nhủ giúp người trong cuộc nhận ra cái đúng, cái sai của mình. Bằng cách này, bà Đỗ Thị Với đã giúp không ít những thanh niên đang lầm đường lạc lối trở về hướng thiện, tu chí làm ăn.

Hòa giải viên Đỗ Thị Với còn nhớ, có lần một gia đình trong thôn không may có con dính vào tệ nạn xã hội. Khuyên răn con không được, người bố chán nản thường xuyên mượn rượu để giải sầu, còn người mẹ vì suy nghĩ nhiều cũng trở nên suy sụp. Kinh tế gia đình vì thế mà ngày càng sa sút.

Nắm bắt được tình hình đó, đầu tiên bà Với khéo léo tìm cách tiếp cận khuyên nhủ người bố bớt rượu chè. Rồi lại gần gũi, tỉ tê tâm sự, chia sẻ, động viên người mẹ ổn định về tư tưởng.

Sau cùng, bà chuyện trò, lắng nghe những tâm sự của người con, chỉ ra cho anh thấy cái đúng, cái sai, cái được, cái mất. Với tấm lòng, sự kiên trì của mình, bà đã thành công trong việc thuyết phục người con làm đơn xin đi cai nghiện tự nguyện. Dần dà, người bố trong câu chuyện kể trên cũng bớt được tật rượu chè, chăm chỉ làm ăn. Kinh tế gia đình theo đó cũng khấm khá hơn. “Vui nhất là người con trai sau khi cai nghiện thành công đã tu chí làm ăn, có công ăn việc làm lương thiện, ổn định”, bà Với phấn khởi nói.

Không chỉ tham gia công tác hòa giải cơ sở, tại địa phương, bà Đỗ Thị Với còn tham gia nhiều hoạt động công tác khác như: Phó thôn, Cụm trưởng cụm dân cư nhiều năm, ủy viên Mặt trận Tổ quốc Thanh Trì, Chi hội phó Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội phó Chi hội Chữ thập đỏ. Đây cũng là một lợi thế giúp bà sâu sát, nắm bắt, thấu hiểu tình hình trên địa bàn để tiến hành hòa giải kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp khi mới vừa manh nha.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có người sẵn sàng lắng nghe, hợp tác với các hòa giải viên để giải quyết mâu thuẫn. Không ít lần, bà Với và các hòa giải viên khác vấp phải sự phản ứng từ các bên tranh chấp. Có người còn có lời lẽ khiếm nhã, thậm chí chửi bới, xúc phạm những người làm công tác hòa giải, thậm chí là có những hành động bạo lực. Đối mặt với những tình huống như thế, bà Với thường nhờ sự hỗ trợ từ phía lực lượng CA hoặc các ban ngành, đoàn thể khác như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân… để cùng hòa giải, khuyên giải đôi bên.

Theo bà Với, nhờ làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở nên cũng góp phần giảm tải những áp lực lên chính quyền cấp trên. Nhiều năm nay, những điểm nóng ở địa phương như tình trạng nghiện hút ở địa phương đã giảm rất nhiều. Nhiều vụ việc về ly hôn, mâu thuẫn gia đình cũng được giải quyết êm thấm.

Đối với hòa giải viên Đỗ Thị Với, việc báo PL&XH được phát miễn phí tới các tổ hòa giải là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Báo không chỉ là nguồn thông tin chính thống mà còn là nguồn tư liệu bổ ích, nhất là đối với các hòa giải viên ở cơ sở. “Mỗi lúc rảnh rỗi tôi lại đọc báo PL&XH để học hỏi thêm kiến thức pháp luật cũng như những thông tin, kinh nghiệm hòa giải”, bà Với cho biết.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-chua-lanh-nhung-vet-thuong-gia-dinh-182676.html