Người chú dùng xích khóa cháu ruột mình có bị xử lý hình sự?

'Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định người chú đã nhiều lần hành hạ, xích cổ cháu hoặc nhiều lần hành hạ bằng cách đánh đập, bỏ đói cháu, có lời nói nhục mạ… thì sẽ bị xử lý hình sự với hành vi hành hạ người khác', luật sư cho hay.

“Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định người chú đã nhiều lần hành hạ, xích cổ cháu hoặc nhiều lần hành hạ bằng cách đánh đập, bỏ đói cháu, có lời nói nhục mạ… thì sẽ bị xử lý hình sự với hành vi hành hạ người khác”, luật sư cho hay.

Ngày 28/2, trên mạng xã hội đăng tải một số đoạn clip ghi lại cảnh một bé trai 13 tuổi bị dây xích quấn quanh cổ và bị khóa lại.

Sau vài giờ đăng tải, clip này nhận được hàng triệu lượt xem, chia sẻ kèm theo nhiều bình luận tỏ ra phẫn nộ trước hành vi bạo hành trẻ em. Nhiều người cho rằng, hành động trên cần phải lên án và nghiêm trị.

Cậu bé được xác định là L.B.N. (12 tuổi), trú tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hiện, N. đang học lớp 5 và sống chung với bà nội.

Hình ảnh cháu N. bị xích được người dân quay lại - Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh cháu N. bị xích được người dân quay lại - Ảnh cắt từ clip

Trong diễn biến có liên quan, ngày 1/3, Công an xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn đã lập biên bản lời khai đối với anh Lê Bá Chót - người đã dùng dây xích trói cháu N. lại rồi đi làm ăn xa.

Theo lời khai của anh Chót, cháu N. là người rất nghịch ngợm, hay trộm cắp, bố thì đi làm ăn xa, cháu ở nhà với bà nội. Trong khi đó, bà nội đã già yếu, không thể đi theo, tìm cháu được, nên trước khi đi làm, mẹ anh Chót yêu cầu xích lại để quản lý, đến giờ học thì bà sẽ mở khóa ra cho cháu đi học.

Cũng theo trình bày của anh Chót: Năm học lớp 4, N. đã nhiều lần lấy trộm tiền của chú, bắt trộm gà, chó của gia đình. Vào dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, N. mở tủ lấy trộm một đôi nhẫn cưới, 2 lắc bạc và 2 dây chuyền bạc của con gái anh, cùng 2 nhẫn cưới của bố và dì cháu gửi.

“Vì thiếu hiểu biết, mà cháu lại nghịch ngợm, hay bỏ đi, mẹ thì già yếu, không quản lý được nên tôi cũng nghe lời mẹ, xích cháu lại cho bà nội quản lý”, anh Chót cho biết.

“Tôi chỉ nghĩ xích lại để cháu ở nhà chứ không có ý thức là hành hạ cháu. Mong được pháp luật tha thứ vì hành vi thiếu hiểu biết pháp luật của bản thân. Tôi hứa sẽ không tái phạm và giáo dục cháu bằng phương pháp khác”, anh Chót trình bày.

Liên quan đến vụ việc này, dư luận nêu thắc mắc, vậy hành vi dùng xích khóa cổ cháu ruột mình bị xử lý ra sao.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của cháu N. đúng là có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản, hành vi này là trái pháp luật. Nhưng đối với cháu bé là mặt chủ thể người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì lại không cấu thành tội phạm vì mặt chủ thể không đảm bảo (vì cháu bé dưới 14 tuổi nên hành vi của cháu không bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác).

Vì không thể xử lý mặt hình sự nên trong trường hợp này nếu cháu N. thực sự “hư” thì có thế đưa vào trường giáo dưỡng để giáo dục cháu thành người có ích.

Theo luật sư Ứng, hành vi của người chú dùng xích khóa cổ cháu bé có thể bị xử lý hành chính hoặc cũng có thể bị xử lý hình sự.

“Nếu người chú lần đầu có hành vi dùng dây xích khóa cổ cháu bé thì có thể áp dụng xử phạt hành chính theo Nghị định 167. Nhưng nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định người chú đã nhiều lần hành hạ, xích cổ cháu hoặc nhiều lần hành hạ bằng cách đánh đập, bỏ đói cháu, có lời nói nhục mạ… thì sẽ bị xử lý hình sự với hành vi hành hạ người khác”, luật sư Ứng cho biết.

Theo Điều 50 Nghị định 167, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình có thể bị xử phạt lên đến 2 triệu đồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 140 BLHS, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Cự Giải (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/nguoi-chu-dung-xich-khoa-chau-ruot-minh-co-bi-xu-ly-hinh-su-a221120.html