Người chống tham nhũng lại đi vòi tiền: Chuyện quá bi hài!

'Ôi phó Phòng phòng, chống tham nhũng lại đi tham nhũng!'. 'Lộ nguyên hình rồi!'. 'Trắng trợn thế là cùng!'…

Có rất nhiều nhận xét chua chát như thế về vụ nữ phó phòng phòng, chống tham nhũng của Bộ Xây dựng và vài thành viên trong đoàn thanh tra do bà này làm trưởng đoàn vừa bị tạm giữ vì đã nhận hối lộ tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Có rất nhiều nhận xét chua chát như thế về vụ nữ phó phòng phòng, chống tham nhũng của Bộ Xây dựng và vài thành viên trong đoàn thanh tra do bà này làm trưởng đoàn vừa bị tạm giữ vì đã nhận hối lộ tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Bước đầu Cơ quan CSĐT công an tỉnh này cho biết: Đầu tháng 6, khi đoàn thanh tra trên đi thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch ở huyện thì công an tỉnh nhận được nhiều đơn tố cáo của một số doanh nghiệp, UBND xã… rằng có thành viên của đoàn đã vòi vĩnh.

Ngày 12-6, tại UBND huyện, tổ công tác của công an tỉnh bắt quả tang nữ trưởng đoàn nhận 68 triệu đồng của kế toán một UBND xã để không giảm trừ khối lượng giá trị một số hạng mục công trình do UBND xã này là chủ đầu tư; nhận 91,5 triệu đồng của một công chức tài chính kế toán UBND thị trấn.

Cùng ngày này, tại Ban quản lý dự án huyện, tổ công tác cũng bắt quả tang một chuyên viên thanh tra của một phòng thanh tra xây dựng thuộc đoàn nhận 90 triệu đồng của một phó giám đốc công ty mà theo lời khai của anh này cũng là để không bị giảm trừ tương tự như nêu trên.

Hiện đoàn đã thừa nhận có nhận 250 triệu đồng khi đang thanh tra tại huyện. Cùng với đó, đơn vị chức năng đã thu được hơn 335 triệu đồng trong tủ do nữ trưởng đoàn quản lý...

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng

Khi được báo chí hỏi ý kiến về vụ việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho là “rất đáng tiếc”… Chẳng rõ trong bụng có nổi giận không và đến mức nào, chỉ thấy sắc mặt và giọng nói của ông Bộ trưởng thì bình thường, đều đều (hệt như khi ông trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây mà nội dung có phần dàn trải, bị lố giờ).

Còn dư luận thì rõ là hết sức bất bình như đầu bài đề cập. Không chỉ vậy, rất đáng báo động khi đa số cho là “chuyện không lạ”, “không bất ngờ”, “không có gì phải ngạc nhiên”. Kèm theo đó là những lý giải, suy đoán rất quen tai kiểu như “xảy ra hà rầm, chỉ là do không bị phát hiện mà thôi”, “chắc ăn dày quá”, “tham thì thâm”…

Lẽ nào phải cáo buộc nữ trưởng đoàn và các thành viên khác có hành vi đòi chung chi đã đắc tội vô cùng nghiêm trọng khi không chỉ có dấu hiệu phạm tội hình sự là nhận hối lộ mà còn làm cho niềm tin của cộng đồng về phẩm chất cán bộ càng bị lung lay!

Đã có người hỏi nếu có kẻ nhận hối lộ thì ắt có người đưa hối lộ, vậy phải tính sao. Về pháp lý, tội đưa hối lộ áp dụng đối với những người trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn các lợi ích vật chất ở mức quy định… để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tuy nhiên, khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 có lưu ý: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.

Từ chỗ có nhiều đơn tố giác nên có việc bắt quả tang…, rất có thể việc cống nộp bạc chục triệu của các cá nhân dành cho đoàn thanh tra thuộc điều khoản trên. Và nếu đúng thế thì họ không bị tội đưa hối lộ. Kết cục này cũng hợp lý, hợp tình thôi, nhất là khi nếu không có những hành động đúng đắn từ họ thì các tiêu cực, các nhũng nhiễu khủng khiếp có thể sẽ không được sớm phanh phui để mong giảm thiểu.

Trở lại chuyện nữ phó phòng phòng, chống tham nhũng đi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nhưng lại tham nhũng, nhiều người cho đây là chuyện hết sức bi hài. Vậy bộ trưởng Bộ Xây dựng ngoài việc “sẽ chỉ đạo kiên quyết xử lý và không bao che, dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm” - cách nói cũng rất đỗi quen tai trong mọi vụ sai phạm - sẽ làm gì cụ thể hơn để không còn xảy ra chuyện xấu xí tương tự?

Câu hỏi này cũng đồng thời dành cho những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khác để điều bất thường không biến thành bình thường, để không còn có những chuyện hài nhưng “nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào” (mượn lời trong Truyện Kiều).

THU TÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/nguoi-chong-tham-nhung-lai-di-voi-tien-chuyen-qua-bi-hai-840428.html