Người chơi hụi cần tỉnh táo

Rủi ro cao của việc chơi hụi (họ) phổ biến trong người dân cả nước được giảm thiểu khi Chính phủ ban hành nghị định nhằm quản tốt hơn kênh huy động vốn tự phát này.

Trong thực tế, cuộc sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, việc chơi họ, hụi hay biêu, phường là một trong những hình thức khá phổ biến để huy động vốn. Hoạt động tín dụng xuất phát từ lâu đời nhằm tương trợ trong nhân dân đã được nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã dành hẳn một điều để quy định về hoạt động này. Trước đó, Chính phủ cũng đã có nghị định nhằm điều tiết, quản lý... Tuy nhiên, do là mang tính tự phát, dân gian nên việc chơi hụi còn nhiều khoảng trống pháp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên thực tế đã xảy ra vô số các vụ giật hụi. Có những vụ mà tổng giá trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, gây chấn động dư luận và đặc biệt làm điêu đứng rất nhiều gia đình. Không biết bao người đã lâm vào cảnh trắng tay, khuynh gia bại sản vì bị giật hay vỡ hụi, họ.

Không phải những người chơi hụi không biết nguy cơ, rủi ro khi tham gia vào hoạt động huy động tín dụng xây đắp chỉ trên nền tảng gói gọn trong một chữ "tín" mà không có sự bảo hộ, bảo vệ và kiểm soát đủ mạnh của các chế tài pháp luật. Chỉ dựa vào chữ "tín" mà người ta sẵn sàng trao, nhận bạc triệu và nhiều hơn nữa. Biết là rủi ro song hụi vẫn là một kênh dẫn vốn hấp dẫn với rất nhiều người, nhất là những người thu nhập thấp - đối tượng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi tín dụng đen hay hụi luôn rộng cửa chào đón họ với "thủ tục" tối giản. Chơi hụi vì thế tồn tại như một thực tế khách quan trong cuộc sống bất chấp ý chí muốn cấm cản của nhà quản lý.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như thể hiện vai trò quản lý nhà nước trước hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, Chính phủ từ năm 2006 đã ban hành một nghị định trong đó có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. Tuy nhiên, văn bản pháp lý này vẫn chưa đủ hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người chơi trong trường hợp xảy ra giật hụi, vỡ hụi.

Nghị định vừa được Chính phủ ban hành tháng 2 này có những quy định cụ thể hơn từ nguyên tắc tổ chức hụi cho tới các điều kiện chơi hay văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên... Trong đó, đáng chú ý nhất là các văn bản nêu rõ ràng buộc pháp lý và sự tham gia giám sát của chính quyền. Thế nhưng, do là hoạt động tín dụng tự phát, tự nguyện và tự thỏa thuận của người dân nên chơi hụi vẫn chỉ dựa trên cơ sở tín chấp, đầy rủi ro.

Chơi hụi có thể được quản lý, giám sát, phòng ngừa rủi ro tốt hơn, song rủi ít hay nhiều vẫn được quyết định bởi chính những người chơi.

PHAN ĐĂNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-choi-hui-can-tinh-tao-20190221223138201.htm