Người cho ra bộ sử đầu tiên về hệ thống đê điều Việt Nam và công tác trị thủy

Trong 40 năm làm quan, từ năm 1802 tới năm 1842, với các chức tri huyện đến chức Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng thư, Tham tán đại thần, nhưng dấu ấn sâu đậm nhất mà Lê Đại Cang để lại cho đất nước là quãng thời gian nhận nhiệm vụ làm công tác trị thủy, cương vị này đã cho ông nhiều vinh quang lẫn cay đắng.

Lê Đại Cang làm quan triều Nguyễn trải qua ba triều vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị.

Nhiều cống hiến

Vừa nhận nhiệm vụ quản lý Đê chính Bắc Thành, Lê Đại Cang đã đề ra kế sách xây dựng, củng cố hệ thống đê. Ông đã trực tiếp chỉ đạo khởi công đắp hệ thống đê công mới ở Bắc Thành với 18 công trình có quy mô lớn và 1.000 công trình quy mô nhỏ.

Từ đường nhà họ Lê do Lê Đại Cang khôi phục ở làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định)

Sách Đại Nam thực lục ghi nhận: “Đê chính thần là do Lê Đại Cang đi các trấn xem xét đê cũ, đê mới, thấy có chỗ nên đắp đê mới, có chỗ nhân đê cũ mà bồi đắp thêm, phàm 18 sở, đều là đại công trình cả, duy một sở mới Kim Quan thuộc Bắc Ninh dài hơn 890 trượng, đất ấy ruộng chiêm thấp ướt, thi công rất khó, xin đến thượng tuần tháng 12 năm nay khởi công. Ngoài ra 10 sở đê mới thuộc Sơn Nam, Bắc Ninh, Nam Định dài hơn 3.060 trượng; 7 sở đê cũ thuộc Sơn Tây, Sơn Nam cộng dài hơn 3.590 trượng, đều xin đến hạ tuần tháng Giêng sang năm khởi công. Vua y cho, chi phí cả thảy hết hơn 175.500 quan…”.

Kể công Lê Đại Cang, sách Đại Nam thực lục, viết: “Đê chính thần Lê Đại Cương dâng sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành: Đê điều các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức thuộc hạt thành, đoạn nào đắp tự năm nào, đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao nhiêu, sổ sách không rõ, từ trước đến nay người lãnh chức Đê chính phàm có sửa đắp, chỉ cứ theo sở tại khai báo mà giao làm, đến khi làm xong, cũng chỉ tới chỗ đê mới mà khám biện thôi.

Từ khi Lê Đại Cang chuyên coi việc đê mới đi khắp xem xét. Những chỗ đê gần sát bờ sông, thân đê sụt nứt, chiếu lệ đại công trình mà đắp đê mới, tất cả 18 sở, ngoài ra các đê mới cũ đắp từ đời trước và từ năm Gia Long thứ 2 trở lại, nhiều lần sửa đắp, phàm chỗ thế nước chảy xói nên quý làm đê công, thì theo lệ tiểu công trình mà sửa đắp, chỗ nào thế nước tầm thường nên làm đê tư thì cho dân coi giữ, chỗ nào nên bỏ thì san đi. Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để phòng xem đến”.

Từ những đóng góp trong công tác thủy lợi, vào tháng 2/1828, Lê Đại Cang được vua Minh Mạng thưởng 100 quan tiền vì “một mình khó nhọc” thực hiện công trình đê sông Hồng có quy mô lớn. Tháng 2/1829 ông lại được thưởng 50 quan tiền để “khích lệ làm việc”.

Lê Đại Cang là Đệ thất thế tổ của dọng họ Lê ở Luật Chánh

Với cương vị Hữu tham tri Hình bộ, kiêm chức quản lý Đê chính ở Bắc Thành, chỉ trong vòng khoảng 3 năm, Lê Đại Cang đã chỉ huy xây dựng một hệ thống công trình đê điều và trị thủy tại Bắc Thành cực kỳ quy mô. Đó công trình đê điều lớn tại 18 sở, và khoảng 1.000 công trình nhỏ tại 1.000 sở. Bên cạnh đó, Lê Đại Cang còn chỉ huy việc đào lại cửa sông, “nắn” dòng chảy, nạo vét lòng sông... nhằm chống lũ lụt, vửa điều tiết nước lũ bảo vệ cho Bắc Thành. Lần đầu tiên trong lịch sử, Lê Đại Cang đã thực hiện bộ sách “Tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành”. Đây không chỉ là bộ sử đầu tiên về hệ thống đê điều Bắc Thành, mà còn là công trình khoa học, giúp các thế hệ sau thuận lợi trong việc quản lý hệ thống đê điều và công tác trị thủy ở Bắc Thành.

Lắm truân chuyên

Riêng đối với sự nghiệp đê điều, trị thủy ở Bắc Thành, chỉ trong khoảng hơn 3 năm đảm nhiệm cương vị Đê chính Bắc Thành, Lê Đại Cang đã từng liên tục bị thăng giáng chức. Thống kê theo sách Đại Nam thực lục, chỉ trong thời gian ngắn đó, Lê Đại Cang đã có 2 lần bị xử phạt, thậm chí bị giáng chức.

Tháng 5/1829 Lê Đại Cang bị giáng 3 cấp do nước dâng cao, đê Kim Quan có nguy cơ bị vỡ và công trình đê Đa Hòa đang thi công nhưng để thợ bỏ bê công việc. Đến tháng 7/1830 ông lại bị giáng cấp do đoạn đê ở Lưu Khê (thuộc Sơn Nam) bị vỡ.

Trong hơn 40 năm quan trường, Lê Đại Cang có đến 20 lần được thăng quan tước, nhưng cũng có ít nhất 5 lần bị bãi chức, một lần bị án “trảm giam hậu” (án giam chờ chém). Trong đó, riêng nhiệm vụ khơi đào sông Vĩnh Điện, sau khi được khen thưởng, ông lại bị xử tội. Theo Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1823, ông được điều làm Cai bạ Quảng Nam. Năm 1824, ông phụ trách huy động hơn 3.000 người khơi đào sông Vĩnh Điện dài 1.630 trượng thành công, được vua ban thưởng. Tháng 9/1824, Lê Đại Cang được điều vào làm Cai bạ Vĩnh Thanh. Bất ngờ vào tháng 5/1825, sông đào Vĩnh Điện ở Quảng Nam bị sụt lở, ông bị vua quở trách và cách chức nhưng cho cách lưu. Đây là lần cách lưu đầu tiên trong lịch sử.

Sách Đại Nam thực lục ghi: “Cai bạ Vĩnh Thanh là Lê Đại Cang vì trước kia trông coi đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, bờ sông vỡ lở bị xử tội đồ. Vua đặc cách gia ơn đổi làm án cách lưu. Bộ tâu rằng án cách lưu trước đây chưa có làm qua, xin nên truy thu hết bằng sắc từ lúc xuất thân đến nay, rồi làm bằng cách cấp của đình thần phát cho giữ lấy, đợi sau được vua khai phục sẽ xét phẩm trật mà cấp trả lại. Vua theo. Sau đó lấy làm lệ”. Đến năm 1826, vua Minh Mạng lại sai Thống chế Trương Văn Minh sửa sang đường sông, dời xuống hơn 40 trượng, mở rộng miệng sông để đón tiếp nước trên sông lớn, lấy dây giăng thẳng đem dân đào lại vài tháng mới xong. Năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), sông Vĩnh Điện được khắc trên Dụ đỉnh.

Lăng của Lê Đại Cang nằm gần từ đường nhà họ Lê

Xưa kia, các cụ già ở Bắc Thành thường vẫn truyền tụng câu chuyện: Khi ra công đường cơ quan Đê chính ở cửa Nam thành Hà Nội, các cụ nhìn thấy tại đây câu đối Lê Đại Cang cho ghi lại: “Đề tồn Cang toại/Đề hoại Cang vong” (nghĩa là: Đê còn thì Cang còn, đê mất thì Cang mất). Câu đối này cho thấy quyết tâm hết mình cống hiến cho sự nghiệp “vệ đê an dân” của quan Đê chính Lê Đại Cang.

Tuy trải qua nhiều truân chuyên trong sự nghiệp “hộ đê, trị thủy”, nhưng sách xưa đã ghi nhận những đóng góp của Lê Đại Cang trong công cuộc làm thủy lợi không chỉ giúp cho người dân an tâm sản xuất, an cư lạc nghiệp, mà còn giúp triều đình nhà Nguyễn có những thành công quan trọng trong việc an dân, trị quốc.

Dương Lam

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguoi-cho-ra-bo-su-dau-tien-ve-he-thong-de-dieu-viet-nam-va-cong-tac-tri-thuy-post225231.html