Người cho ếch 'bay' khắp nước

Con ếch giống to tướng, nằm trên lòng bàn tay anh, giương đôi mắt tròn xoe nhìn người lạ. Nhưng chúng chỉ 'ngoan' trên tay ông chủ. Người lạ lại gần, nó vọt mất dạng.

Tham quan trại ếch sinh sản của vợ chồng anh Trần Đình Hùng - Đào Thị Lập (ấp Tân Thuận, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), tôi tròn mắt ngạc nhiên khi thấy loài ếch cũng biết phân biệt người quen người lạ.

Bén duyên vợ trước, bén duyên ếch sau

Anh Phan Thành Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thuận chọn mô hình ếch giống này để dẫn tôi đến tham quan, vì anh bảo “cặp vợ chồng này là người đầu tiên nuôi ếch sinh sản ở Tây Ninh, vả lại họ chẳng có trình độ chuyên môn gì, nhưng làm rất giỏi, giờ họ nắm kỹ thuật nuôi, chăm sóc như chuyên gia”.

 Mặc dù giá ếch giảm, nhưng vợ chồng anh Hùng vẫn duy trì đàn ếch bố mẹ 10 ngàn con. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù giá ếch giảm, nhưng vợ chồng anh Hùng vẫn duy trì đàn ếch bố mẹ 10 ngàn con. Ảnh: Phúc Lập.

Gặp anh Hùng, tôi thắc mắc vì sao đang làm thợ điện lại nhảy sang cái nghề chẳng liên quan gì? Anh cười: “Cái gì cũng có cái duyên của nó. Ai nghĩ tôi ở Quảng Ngãi, chẳng bao giờ đi đâu cách nhà vài cây số, vậy mà cuối cùng lại lấy vợ tít tận Sóc Trăng. Cũng nhờ cô ấy mà chúng tôi bén duyên với con ếch”, anh Hùng cười, mở đầu.

Sinh năm 1966, ở An Tịnh, Quảng Ngãi, anh Hùng vốn ít khi đi đâu xa. Nhưng năm 2008, một người bạn làm ăn ở miền Nam về quê, rủ anh vào chơi một chuyến. Phần tò mò, phần cũng muốn đi thử, biết đâu có cơ hội tìm việc làm tốt hơn, vậy là anh theo.

Nơi bạn anh dẫn đến là một trang trại nuôi ếch, do một người Đài Loan làm chủ. Anh Hùng chỉ nhớ trang trại ếch này ở Long An, còn huyện nào, xã nào thì anh nghĩ mãi không ra. Tại đây, anh có dịp làm quen với chị Lập (vợ anh hiện nay), là em vợ của người chủ trại ếch.

“Không hiểu duyên số trời định hay sao chứ gặp cô ấy lần đầu tiên là tôi đã “cảm nắng”, hình như cô ấy cũng vậy. Nên ban đầu định đi vài ngày thôi rồi về, vì sợ cha mẹ lo, nhưng khi gặp cô ấy, tôi ở lỳ cả tháng trời chẳng muốn về. Sau đó chúng tôi quen nhau”, anh Hùng cười, kể về mối lương duyên với chị Lập.

Đàn ếch của anh Hùng rất khỏe mạnh, ít khi bệnh, vì được vợ chồng anh chăm "như chăm con mọn". Ảnh: Phúc Lập.

Cũng trong thời gian chơi ở trại ếch, anh Hùng thường xuyên tiếp xúc với ông chủ và những người làm công, nói chuyện với họ. “Lúc đó, mỗi khi nhìn đàn ếch nhảy lao xao khi cho ăn, thấy ghiền lắm. Ông chủ người Đài Loan cũng thân thiện, tiếng Việt không sõi, nhưng thích nói. Tôi hỏi gì ổng nói nấy, nói không đủ ý thì anh bạn tôi giải thích thêm. Không bao lâu sau, kỹ thuật nuôi ếch đã “thấm” vào người lúc nào không hay. Nhưng khi đó tôi chỉ tò mò nên hỏi thôi chứ không có ý định nuôi”, anh Hùng kể.

“Vậy bao lâu sau thì anh mới quyết định chuyển từ thợ điện sang nuôi ếch?”, tôi hỏi. “Sau khi tôi cưới vợ không lâu thì ông chủ xuất bán ếch thương phẩm. Giá ếch thời điểm năm 2009 rất cao, 1 con ếch giống có giá tới 4 - 5 trăm ngàn đồng. Còn ếch thương phẩm có giá từ 120 - 150 ngàn đồng/kg. Thấy họ thu tiền mà ham. Về nhà, vợ tôi gợi ý, sao mình không thử nuôi ếch. Lúc đó tôi mới chợt nghĩ, nuôi mấy con này cũng không khó lắm.

Đây là một trong những con ếch "cụ kỵ", có trọng lượng hơn nửa ký trong đàn ếch bố mẹ. Ảnh: Phúc Lập.

Vậy là chẳng bao lâu sau, vợ chồng anh khăn gói quả mướp, lên Tây Ninh tìm chỗ thuê đất, lập trang trại ếch giống đầu tiên ở vùng đất miền Đông này.

“Sao anh không nuôi ở Long An luôn, vừa quen nơi ở lại vừa học hỏi thêm nghề mà phải lên tận Tây Ninh? Anh sợ cạnh tranh không nổi hay lo người ta nói mình “học lỏm” kỹ thuật của họ?”, tôi hỏi. Anh cười đáp: “Không có cái nào đúng cả. Tôi lên Tây Ninh vì thấy trên này nguồn nước rất sạch, còn ở Long An nước phèn nặng, khó nuôi lắm”. “Nhưng người ta cũng nuôi được đó thôi?”. “Tất nhiên là được, nhưng kỹ thuật nuôi khó hơn, cần vốn nhiều hơn để xử lý nước. Vợ chồng tôi vốn không có bao nhiêu, lại chưa có chút kinh nghiệm nào, nên phải chọn cách an toàn nhất, vốn đầu tư ít nhất. Mà dại gì phải làm dưới đó, trong khi lên đây điều kiện nuôi tốt hơn, chi phí thấp, lại ít rủi ro”, anh Hùng phân tích.

Bắt ếch… đẻ theo nhu cầu

Sau khi về Tây Ninh nuôi ếch được 3 năm, trại ếch của vợ chồng anh Hùng, chị Lập đã lên đến 32 ao với tổng diện tích hơn 7.000m2. Trong đó, 28 ao ếch bố mẹ, chuyên lấy trứng, nòng nọc và ếch con, 4 ao còn lại nuôi ếch thương phẩm. Toàn bộ ao chuồng được lót bạt đáy, hệ thống hoàn lưu cấp, thoát nước đúng kỹ thuật.

Vừa dẫn tôi tham quan một vòng các chuồng ếch bố mẹ, anh Hùng vừa nói: “Vợ chồng tôi là người đầu tiên nuôi ếch sinh sản ở đây. Hồi mới nuôi, báo đài đến đưa tin nhiều. Phòng Nông nghiệp huyện, xã cũng đến tham quan. Thời điểm cách đây 7 - 8 năm, ếch giống của tôi đi khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung, đi máy bay ra tận Phú Thọ, Quảng Ninh. Bây giờ, nhiều người nuôi rồi, nhưng tôi vẫn là người đứng đầu về số lượng ếch mẹ, ếch con ở Tây Ninh. Tôi vẫn là địa chỉ cung cấp ếch giống uy tín của nhiều khách hàng ở khắp nơi. Với 10 ngàn con ếch sinh sản, bình quân mỗi con đẻ từ 2 - 3 lạng trứng, 1 lạng trứng tương đương khoảng 1.000 con nòng nọc. Liên tục hơn 10 năm nay”.

Anh Hùng cho biết, ếch ngoài tự nhiên chỉ đẻ mỗi năm 1 lần, nhưng anh có thể ép chúng đẻ mỗi tháng 2 - 3 lần, tùy nhu cầu thị trường. Nhờ “tuyệt chiêu” này mà trại ếch của gia đình chị có thể cung cấp ếch giống cho khách hàng bất cứ lúc nào và số lượng bao nhiêu.

Thấy người lạ, đàn ếch nhảy loạn xạ, nhưng khi anh Hùng đi hẳn vào ao, chúng vẫn nằm im, anh phải dùng chân gạt chúng ra lấy chỗ trống. Ngay cả khi tóm ếch đặt lên tay, chúng vẫn nằm im. Ảnh: Phúc Lập.

“Lần đầu nuôi anh có thất bại không?”, tôi hỏi. “Không, thành công liền”, anh khẳng định chắc nịch. “Vậy có lẽ là con ếch cũng dễ nuôi?”. “không hẳn đâu. Dễ thì dễ mà khó thì cũng rất khó”. Thấy tôi tròn mắt chưa hiểu, anh giải thích: “Dễ là khi mình nắm chắc kỹ thuật. Nhưng phải luôn theo sát nó. Tôi ví chăm ếch như chăm con mọn, rời ra, chỉ cần 1 con bệnh thì vài tiếng sau cả ao chết sạch. Cho nên phải theo dõi sát, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh, điều trị kịp thời”.

Từ 2 năm nay, giá ếch giống và cả ếch thương phẩm đều giảm mạnh. Thời “hoàng kim” của người nuôi ếch, giá 1 ký trứng ếch từ trứng ếch bán ra có giá từ 300 - 500 ngàn đồng, mỗi tháng chị xuất bán khoảng 200kg nòng nọc, 20.000 ếch con và hàng chục ký trứng. “Bây giờ nhiều người nuôi quá nên giá giảm mạnh, nếu chăm sóc tốt, ít hao hụt thì cũng có lời nhưng kém hơn nhiều so với mấy năm trước. Mặc giá cả bấp bênh, chúng tôi vẫn duy trì đàn ếch bố mẹ, vì chúng là con khởi nghiệp của vợ chồng tôi”, chị Lập nói.

Khu vực ao ươm trứng ếch. Ảnh: Phúc Lập.

“Đỏ đùi là một trong những bệnh khá phổ biến trên ếch. Nguyên nhân gây bệnh là do môi trường nước nuôi bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển và gây bệnh cho ếch. Ếch bị bệnh sẽ xuất hiện những nốt chấm đỏ trên thân, gốc đùi có tụ huyết, chân bị sưng, ếch bỏ ăn, chậm di chuyển, lờ đờ, xuất huyết trong bụng, dịch lỏng màu vàng. Bệnh đỏ đùi nếu không điều trị kịp thời, ếch sẽ chết hàng loạt”, anh Hùng nói.

Chị Đào Thị Lập, vợ anh Hùng cũng là một tay nuôi ếch giỏi, cho biết: “Khách hàng mua ếch giống họ thích mua trứng hơn mua nòng nọc hoặc ếch con, vì trứng cho số lượng nhiều hơn. Nếu biết cách chăm sóc, cùng bỏ ra số tiền bằng nhau, nhưng lượng ếch con nở từ trứng sẽ nhiều hơn gấp 2 - 3 lần so với mua nòng nọc”.

Và khu vực nuôi nòng nọc sau khi nở. Ảnh: Phúc Lập

“Mô hình nuôi ếch của vợ chồng anh Hùng từng là điểm học tập của nhiều nông dân trong xã, huyện. Điều đáng để mọi người học hỏi là vợ chồng anh Hùng đi lên từ 2 bàn tay trắng, và không hề có chút vốn kiến thức, kinh nghiệm nào về ếch, nhưng khi bắt tay vào làm thì rất bài bản và thành công ngay. Từ mô hình đầu tiên này, nhiều hộ khác đã đến học hỏi và nuôi thành công, mặc dù quy mô không bằng”, anh Phan Thành Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thuận.

Phúc Lập

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguoi-cho-ech-bay-khap-nuoc-d275675.html