Người chờ bão

Nếu nói ra đó đúng là chuyện lạ đời! Người ta vẫn muốn tổ ấm đừng bao giờ xảy ra sứt mẻ. Người khác hằng ao ước bão gió hãy dừng ngoài cánh cửa, để ấm êm ngự mãi trong nhà, cây muốn im mà gió chẳng đừng. Nghịch cảnh ở đời là thế. Nhưng sự tréo ngoe của Thuận không nằm ở đó…

I

Tổ ấm của Thuận bình yên quá, nên thấy nhàm chán. Anh ấm đầu chăng? Không. Anh rửng mỡ chăng? Chưa ai dám khẳng định. Chính Thuận vẫn còn nghi hoặc mình. Nhiều lúc anh muốn gọi tên cái sự dở hơi trong mình ra, bóc tách vấn đề, rằng mình đang mông muội điều gì? Đang chờ đợi cái gì ở người vợ? Chị ta quá hoàn hảo. Phải. Đến ông bố thân sinh ra Thuận nổi tiếng giàu chữ nghĩa khó tính cũng khẳng định cô Tình quá là tình, một cô con dâu hiếm có. Gia đình hay lục đục sẽ ao ước được như gia đình của Thuận - Tình.

Người ta khen Thuận có cuộc sống trọn vẹn. Công việc ở một viện nghiên cứu dù không cho anh sự giàu có tột đỉnh, nhưng cũng giúp anh no đủ. Còn Tình, làm kế toán trưởng cho một doanh nghiệp ăn nên làm ra thu nhập rất ổn, luôn kính trên nhường dưới, đặc biệt với gia đình nhà chồng thì hết mực vun vén, với con luôn săn sóc chăm lo, với chồng luôn hết mực cung phụng thủy chung. Người ngoài còn nhìn thấy chuyện Tình thông minh lanh lợi làm ra tiền nhiều hơn Thuận. Nhưng Tình luôn tế nhị không bao giờ thể hiện điều đó. Vậy Thuận còn đòi gì nữa? Còn thiếu thốn gì nữa mà lăn tăn suy nghĩ rồi làm mình làm mẩy với Tình? Anh cố tình chọc tức Tình. Cố tỏ ra quậy phá, bất cần, chờ choạc, hòng khiến Tình mở miệng cãi lại, có cớ cãi nhau. Thuận muốn chờ một trận bão từ vợ. Có phải anh chưa từng đau khổ nên chưa biết cách tận hưởng hạnh phúc?

Thật oái oăm. Thuận càng muốn Tình cãi nhau, tìm cớ bằng cách đổ rất nhiều dầu vào lửa, nhưng ngọn lửa trong Tình nó chẳng thể bùng lên. Có lúc, những ngôn từ khó nghe vừa định dồn từ bụng lên, từ óc xuống để chui ra khỏi khuôn miệng, thì từ đâu, cơn gió mát thổi tới, khuôn miệng xinh tươi đằm thắm của Tình lại nở cười. Những lời làm hòa nhún nhường lễ phép lại được xoải cánh bay ra. “Này anh ơi, anh muốn anh vui thì anh phải làm em vui lên”. “Vui cái con khỉ! Tôi đang mệt đây! Sao cô không lau miệng cho con. Về nhà thì bật điện cho sáng lên, lúc nào cũng om om tối”. Hai đứa con ngơ ngác nhìn bố. Con mèo kêu ngao ngao mấy tiếng rồi bỏ chạy.

Đã buông ra những lời như thế thì vô lý lắm rồi đây. Chị nàng sẽ nổi đóa đây. Nhưng sự khôn khéo của Tình đã phủ lên đó một bầy ngôn từ nhã nhặn: “Này anh ơi, anh đùa em thì cũng phải diễn cho đạt vào chứ. Con lớn rồi, nó vẫn làm được mọi việc. Anh đã bảo thế còn gì. Còn điện, giá mới tăng đấy, anh vẫn thường dặn phải tiết kiệm còn gì. Em cũng đã bật đủ sáng rồi”.

Bỗng Thuận trở nên đờ đẫn. Hoa trong phòng ngào ngạt hương.

II

Thuận có người bạn tên Khuyến chả bao giờ xuôi chèo mát mái. Từ công việc, mối quan hệ bạn bè đến cả gia đình nhỏ, lúc nào cũng lục đục. Công việc thì luôn bị vênh với cấp trên, đồng nghiệp. Vênh thì khó chung chí hướng, công việc khó suôn sẻ. Tất nhiên khó được cất nhắc, đưa vào quy hoạch, nên mãi chỉ đì đẹt là cái anh chuyên viên xoàng xĩnh. Còn bạn bè, Khuyến hay bị lợi dụng. Những người bạn đời nảo đời nào không liên lạc, đoàng một cái táng cho cú điện thoại hỏi han, tưởng quan tâm, nào ngờ bọn họ vay tiền. Không cho vay thì ngại, cho vay thì mất bạn. Đã thế về nhà sẽ không thoải mái lúc vợ nũng nịu. Mặt mũi sẽ cau có. Thành ra vợ chồng lại ông chẳng bà chuộc. Hai năm trước vợ chồng Khuyến li dị mỗi người mỗi ngả. Vì chẳng bao giờ may mắn nên Khuyến luôn nghi ngờ đối tác, kể cả vợ. Thuận biết, vợ Khuyến láu cá chẳng ra thể thống gì nên sự nghi hoặc của Khuyến là có cơ sở. Chẳng oan. Điều đáng nói sự nghi hoặc của Khuyến lan sang cả chuyện của bạn. Thí dụ như lúc Thuận mở lòng tâm sự thì Khuyến thốt lên:

- Thôi thế thì đúng rồi. Chắc vợ ông phải có gì khuất tất phía sau, nên dẫu ông có đầy ải, chèn ép thế nào cô ta cũng vâng phục. Không dám cự cãi. Đàn bà bây giờ họ lắm chiêu lắm. Họ vẫn tỏ ra ngoan hiền, chung thủy, phục tùng gia đình chồng, nhưng đằng sau đó là cả núi non tính toán, cả bầy mưu mô, cả xô nhân tình. Thói đời đàn bà nó không sai mà nặng lời nó chẳng để yên đâu.

Nghe bạn phân tích cặn kẽ thế, Thuận được thể giãi bày:

- Tôi là tôi rất hiểu cánh đàn bà con gái. Cái kiểu hạnh phúc giả tạo ấy chẳng khác gì những viên đạn bọc đường ông nhỉ? Người ngoài nhìn vào thì tưởng chỉn chu, nhu mì. Nhưng sự nanh nọc của đàn bà gấp nhiều lần đàn ông.

- Đấy như cái chuyện của tôi - Khuyến nuốt nước bọt đánh ực, rồi phân tích: Trước đây ai cũng tin rằng vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc. Ấy thế rồi, đùng một cái tôi phát hiện ra cô ấy nhố nhăng bên ngoài. Thằng đàn ông nào chịu nuốt được nỗi nhục ấy. Các cụ bảo hạnh phúc thì dễ sinh kiêu căng, đau khổ mới sinh khôn ngoan.

Những lời ấy vừa được tung ra thì Thuận liền uống luôn. Mặt bỗng đỏ au. Quắt lại. Phải. Hạnh phúc dễ sinh kiêu căng. Quá đúng trong trường hợp của mình. Anh nhủ lòng. Mình đã dâng cho cô ta được hạnh phúc. Cho cô ta được quyền làm mẹ của hai đứa con một trai một gái. Cho cô ta cả sự hãnh diện về một tổ ấm. Vậy mà…

III

Chưa có việc gì của gia đình chồng mà Tình không giải quyết một cách êm thấm. Mới đây là chuyện có nên đưa bố mẹ chồng vào viện dưỡng lão hay không, cô cũng tham khảo được rất nhiều ý kiến bổ ích. Cô xin ý kiến bố mẹ chồng, rồi phân tích sâu xa, rằng mọi chuyện là do bố mẹ quyết, chúng con xin vâng. Miễn là bố mẹ thấy thoải mái. Thế rồi bố mẹ chồng quyết định ở viện dưỡng lão những ngày thường, thứ bảy chủ nhật về với các con. Cả hai thấy rất sảng khoái, hợp lý mà vẫn đàng hoàng. Họ hàng khen ngợi: “Chỉ có cô con dâu tốt nết mới thu xếp ổn thỏa đến thế!”.

Chẳng bao lâu sau là chuyện em trai Thuận gặp khó khăn về công việc. Chẳng là công ty Nghĩa bị thắt chặt, phải tinh giản biên chế. Hơn hai trăm người phải rơi rớt năm. Tai vạ rơi trúng đầu Nghĩa. Ở viện nghiên cứu, Thuận có tiếng, nhưng cũng chẳng có suất nhận thêm. Nghĩa đã hỏi vài chỗ, nhưng ở đâu cũng dùng dằng lắc đầu nhiều vấn đề. Nào là ở đây cũng ùn ứ. Ở kia tinh giản nhiều hơn. Chỗ nọ không còn ghế và cũng đang loay hoay loại bớt những người thiếu năng lực. Việc lại phải do Tình xắn tay vào. Sẵn có một suất đang trống do phó phòng kinh doanh được đề bạt sang vị trí công tác mới, một nhân sự ở phòng kinh doanh thế chân. Phòng kinh doanh là đơn vị quan trọng của công ty, là lực lượng năng động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nên không thể thiếu người. Tình là người làm được việc, có uy tín ở công ty, lại được lòng ban giám đốc công ty. Khi cô đề xuất thì được đưa lên bàn cân. Được hỏi han rồi qua một lần họp thống nhất và… “chấm” ngay. Chị đưa cậu em chồng đến để đôi bên làm quen. Công việc thuận buồm xuôi gió. Thuận nể vợ ở điều này và lòng thầm biết ơn. Bởi Nghĩa còn phải nuôi vợ con. Mất việc có nghĩa là miếng cơm manh áo của mấy mạng người bị ảnh hưởng. Anh em như thể tay chân. Thuận không thể bình tâm nếu em trai có mệnh hệ gì.

Nhưng điều đó lại càng chăng lên trong đầu Thuận mối nghi hoặc. Rằng người vợ giúp em chồng chỉ để làm giảm nhẹ cái tội cái nợ mà cô ta đang muốn giấu đi. Cô ta thật ranh ma.

Mối nghi hoặc và bực bõ dồn ứ, tích tụ, như khối u trong đầu Thuận, mưng mủ trong tim thuận, chèn vào các dây thần kinh cảm giác, dây thần kinh tình nghĩa. Nó khiến Thuận mụ mị, chẳng phân biệt đâu là phải, đâu trái. Anh chỉ thấy sự ngoan hiền khôn khéo và cung phụng của vợ nó nhàm chán đến phát bực. Nhiều đêm dù muốn nhưng anh không đụng vào người vợ, khiến vợ rưng rưng tủi lòng. Thuận lại nghĩ ra cách mới để hành hạ, tra tấn tinh thần vợ. Đó là cấm đoán phòng the. Trước đây anh hào hứng bao nhiêu thì giờ anh vô cảm, khô cứng bấy nhiêu. Nhưng đó chỉ là ở nhà. Bên ngoài, anh thoải mái buông tuồng. Anh tìm đến của lạ. Về nhà, anh vẫn giữ khuôn mặt cau có khó khăn. Thuận nghĩ, đó là cách gây gổ ác liệt và toàn diện nhất.

Chuyện đến tai ông bố của Thuận. Ông gọi anh lên mắng. Anh có còn là đàn ông nữa hay không? Anh đang phung phí hạnh phúc. Anh tưởng mình có tí chữ thì to lắm đấy! Mọi việc trong nhà đều phải qua tay con Tình. Tìm đâu người vợ thứ hai như thế?

Miệng lưỡi Thuận cứng đơ. Sau khi lấy lại được bình tĩnh, anh nói:

- Nhà con nói với bố à?

- Anh nghĩ là nó nói ư? Mà ai nói chẳng quan trọng. Quan trọng là anh đã hành hạ nó.

-Bố ạ - Thuận đấu lý - bố không biết phía sau cô ấy là chuyện gì đâu. Cô ấy diễn kịch giỏi lắm đấy. Cô ấy cũng bồ bịch bên ngoài, rồi khỏa lấp mọi chuyện bằng việc đối xử tốt với mọi người trong nhà hòng che mắt tất cả.

- Thế mày có chứng cứ không? - Ông cụ gắt lên - Là đàn ông phải phân biệt được đâu đúng đâu sai chứ!

IV

Từ hôm ấy nỗi ấm ức trong Thuận càng lớn. Trong anh hằn in những nỗi bực dọc chẳng cách gì khỏa lấp. Cô dám tâu chuyện với bố để ông dằn mặt tôi ư? Đồ xấu nết. Cuộc chiến tranh do Thuận khơi mào và cũng là do anh áp đặt đang xâm chiếm tâm hồn Tình, bao vây tình từ mọi phía. Về nhà không nói, ra đi không hỏi một câu, cũng buông hai đứa con, nhiều lúc chẳng ngó ngàng tới. Thuận thành cái bóng trong gia đình. Một kẻ thừa thãi.

Đến lúc này thì chính người vợ cần mẫn của Thuận không thể chịu được nữa. Song cô nàng nghĩ, nếu nổi đóa lên thì sẽ chẳng đi đến đâu. Như thế càng trúng ý đồ của chồng. Được. Mình sẽ đấu tranh bằng cách… không thèm cãi nhau. Mình vẫn cứ cúc cung tận tụy nền nã. Mình cứ tốt đẹp đấy. Làm gì được nhau nào. Cô nhủ lòng và thấy thanh thản. Anh cứ làm việc của anh đi. Cứ giữ thái độ cau có khổ sở đi. Anh chỉ làm khổ mình thôi. Rồi anh sẽ thấy, anh đã đánh mất cái gì. Ở đời đã lắm chuyện tréo ngoe khổ ải và vô vàn thử thách. Đám bạn của cô đã từng có gia đình, hy vọng và vài đứa tan vỡ. Đến khi mất rất nhiều người ta mới thấy thiếu. Như cái An, nó cuốn đi với những chuyến đi chơi nhiều ham hố, đú đởn và bỏ rơi gia đình. Đến khi nó nhận ra cuộc đời con người bị cuốn đi như chạy trên cao tốc, rồi chỉ có thể nhìn thấy hạnh phúc ở gương chiếu hậu, nó trách bản thân mình. Nhưng muộn mất rồi còn đâu.

Đỉnh điểm của câu chuyện là Thuận đập vỡ một nồi cơm điện, một chiếc ấm đun nước siêu tốc và chiếc bình pha lê do Tình mua hôm sinh nhật anh. Tình không thể ngờ chồng lại cư xử quá đáng đến thế. Anh tệ đến mức như vậy rồi sao. Em đã làm gì để đến nỗi anh gieo mầm bão giông trong tổ ấm này? Nghĩ thế thôi, rồi Tình từ tốn rót hai cốc nước, một cho chồng và một cho mình. Cô mời chồng uống. Anh chồng vẫn giữ thái độ dữ dằn, đôi mắt hình viên đạn.

- Anh học cao, hiểu rộng, sao anh bị tác động từ bên ngoài để rồi tỏ ra nghi ngờ em? Anh chán em vì gia đình ta quá bình yên hay sao? Nếu anh muốn khổ đau thì hãy tạo điều đó cho mình, đừng gây ra cho em, con và những người thân. Với em, em chịu đựng được tất cả. Người có một lý do để sống có thể chịu đựng bất cứ điều gì. Anh hiểu không?

Những lời của Tình như luồng xung điện, tác động vào thớ thần kinh, thớ nghĩ của Thuận. Anh thấy mình vô lý, dở hơi. Nghèo thèm tiền, giàu cũng thèm tiền. Bản thân ta thèm cái gì ở cuộc sống này?

Thuận không dám nhìn mặt vợ. Anh ôm đầu. Anh đi ra ban-công rồi nhìn xa phía xa vô định. Chỉ thấy choáng ngợp những cao ốc chọc lên trời. Anh không thể hiểu, tại sao mình tha hóa, nghi ngờ mà vợ vẫn một mực kiên trung.

V

Đời thật lạ. Có những lúc người ta dại dột muốn chờ một cơn bão. Nhưng sức chịu đựng của con người còn vượt xa cả con người. Sự chịu đựng nhiều như số dân sinh sống trên trái đất này. Thuận mang máng nhớ ở đâu đó có chép câu này. Anh bâng khuâng đi trên phố. Anh mông lung thấy mình nhạt nhẽo. Dòng người cuồn cuộn chảy trôi. Thuận không biết sao đôi chân lại đưa mình đến nhà Khuyến. Khuyến đang uống rượu với nỗi cô đơn. Một mình.

- Sao thế ông? Thuận hỏi.

- À, tôi vừa gặp bão! - Trên mắt Khuyến có ngấn nước mắt. - Ông đừng hành hạ vợ ông nữa. Người như vợ ông tiệt chủng trên quả đất này rồi.

- Ơ hay, cụ thể là chuyện gì?

- Không được yêu thì cô đơn. Được yêu cũng cô đơn. Ông đừng dại. Đừng dại.

Ngoài kia, đời nổi một trận gió. Thuận vẫn ngơ ngác trong ngôi nhà nhiều cô đơn của Khuyến.

Truyện ngắn của Quý Hương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/truyen-ngan-nguoi-cho-bao-467892.html