Người Chính ủy mưu lược của Khu Tả ngạn sông Hồng

Đồng chí Đỗ Mười-người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng và Quân đội ta. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của mình, ở cương vị nào đồng chí cũng luôn đem hết sức lực và trí tuệ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Đặc biệt, đồng chí có nhiều đóng góp to lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Khu Tả ngạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; xây dựng LLVT khu vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cuối năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta chuyển sang một giai đoạn mới. Tại cuộc họp bất thường, Ban Thường vụ Liên khu ủy 3 đã có Nghị quyết về việc thành lập Ban Cán sự Tả ngạn. Theo đó, đồng chí Đỗ Mười được Trung ương cử làm Bí thư Ban Cán sự. Ngày 24-5-1952, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Khu Tả ngạn sông Hồng, trực thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh. Ban Bí thư bổ nhiệm đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, kiêm Chính ủy khu. Đồng chí đã cùng các đồng chí Khu ủy và Bộ tư lệnh khu khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, làm cho các mặt công tác quân sự, chính trị, hậu cần của Khu Tả ngạn được củng cố, kiện toàn, đi vào nền nếp, chất lượng. Đặc biệt, đồng chí trực tiếp chỉ đạo việc củng cố vùng giải phóng, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Khu Tả ngạn, tăng cường chỉ đạo đấu tranh vùng sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Mùa hè năm 1953, Trung ương ra chỉ thị, thông báo Pháp đã thay đổi Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh, Navarre đang có kế hoạch mới xoay chuyển tình thế. Hội ý với Bộ tư lệnh Khu Tả ngạn, đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Khu ủy, nhận định: Nhiệm vụ trước mắt của khu ta là chuẩn bị chống càn, nhằm vào những nơi sơ hở, chỗ yếu để đánh những đòn tiêu diệt, hoặc phá hoại nặng, tích cực đánh giao thông, phá kho tàng, sân bay, đẩy mạnh ngụy vận, chống bắt lính, chuẩn bị mọi mặt vào trận mới.

Để hỗ trợ quân và dân huyện Tiên Lãng chống càn, Khu ủy và Bộ tư lệnh khu quyết định điều động Trung đoàn 50 về đứng chân ở huyện Vĩnh Bảo, sẵn sàng vượt sông sang Tiên Lãng phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh địch. Đồng chí Đỗ Mười, Bí thư kiêm Chính ủy khu trực tiếp về Tiên Lãng kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị chống càn.

Đúng như nhận định của đồng chí Bí thư Khu ủy, ngày 28-8-1953, địch sử dụng hai binh đoàn cơ động, hai tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn xe bọc thép và nhiều lực lượng yểm trợ khác, mở cuộc càn quét Claude vào huyện Tiên Lãng. Do sớm phát hiện được âm mưu, thủ đoạn của địch và chủ động trước một bước, Khu ủy Tả ngạn đã chỉ đạo quân và dân Tiên Lãng đánh bại cuộc càn quét quy mô lớn, dài ngày của địch, tiêu diệt và làm bị thương 667 tên, bắn cháy hai máy bay, góp phần đập tan một bước kế hoạch Navarre.

Trước sự kìm kẹp, khủng bố dã man của địch, phong trào cách mạng có lúc thoái trào, gặp khó khăn, nhưng với tư tưởng tiến công, đồng chí Đỗ Mười đã cùng Ban Thường vụ Khu ủy thực hiện chủ trương kiên trì “bám đất, bám dân”, đánh nhỏ ăn chắc, đánh giao thông ở từng chiến trường. Do bám đất, nắm được dân nên cuộc kháng chiến của quân và dân Khu Tả ngạn ngày càng phát triển.

Nhằm cụ thể hóa phương thức đánh liên tục, đánh nhỏ ăn chắc, đánh phá giao thông ở từng chiến trường, từng địa phương, các đồng chí trong Khu ủy đã xuống địa phương làm việc trực tiếp với Trung đoàn 42 và tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An, giao nhiệm vụ tổng công kích đường 5 và đánh sân bay Cát Bi. Với nhãn quan sắc bén, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, phương châm tác chiến của Khu ủy, đứng đầu là đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Khu ủy lúc đó là: “Bộ đội không cần đông, nhưng cần tinh, phải thạo hành quân, tiến nhanh, rút xa, biết bơi, biết ngụy trang, cắt rào, gỡ mìn, đánh bộc phá, biết cách rút quân an toàn”. Trên tinh thần ấy, ngày 7-3-1954, Bộ tư lệnh Khu Tả ngạn đã chỉ đạo Tỉnh đội Kiến An lựa chọn 32 cán bộ, chiến sĩ đánh tập kích sân bay Cát Bi, đốt cháy 59 máy bay địch. Cùng thời gian đó, Trung đoàn 42, Trung đoàn 50 phối hợp với bộ đội địa phương các tỉnh, thành phố trong khu liên tục tổng công kích đường số 5 và tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, làm ngừng trệ việc vận chuyển binh lính và phương tiện chiến tranh của địch từ Hải Phòng đi Hà Nội để lên ứng cứu quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Cát Bi có ý nghĩa lịch sử, trực tiếp đánh vào tuyến hậu cần chiến lược của địch, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Những chiến công, thành tích của quân, dân Khu Tả ngạn trong kháng chiến chống Pháp luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, mưu trí, sáng tạo của các đồng chí trong Khu ủy, đặc biệt của đồng chí Đỗ Mười, một cán bộ trung kiên của Đảng, luôn mưu lược, quyết đoán, không ngại khó khăn, gian khổ, hết lòng vì nước, vì dân.

Đồng chí Đỗ Mười đã đi xa, nhưng những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí trong kháng chiến chống Pháp vẫn còn nguyên giá trị, góp phần xây dựng, hoàn thiện, bổ sung lý luận quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 3 luôn quán triệt và thực hiện tốt những tư tưởng chỉ đạo, những lời căn dặn của đồng chí Đỗ Mười. Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự sát đặc điểm địa bàn, tình hình nhiệm vụ chiến đấu, cách đánh của ta, giỏi tác chiến bằng vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế và khi được tăng cường vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Chú trọng huấn luyện bộ đội khả năng cơ động nhanh, đánh giỏi khi chiến đấu độc lập, phân đội nhỏ trên từng địa hình trong khu vực tác chiến, cũng như khi tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng. Kết hợp vận dụng những kiến thức quân sự hiện đại với kinh nghiệm truyền thống, cách đánh sở trường của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam; phòng chống và đánh thắng địch trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Trong xây dựng lực lượng, thực hiện phương châm “tinh, gọn, cân đối, đồng bộ”, Đảng ủy, BTL quân khu đã tập trung đột phá chấn chỉnh tổ chức biên chế theo quy định của trên, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ, cân đối giữa các lực lượng; ưu tiên bảo đảm đủ quân số và chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, vũ khí trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ. Làm tốt công tác quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên vững mạnh, sẵn sàng động viên nhanh, gọn, đủ, đúng biên chế khi có lệnh; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ. Chỉ đạo bộ CHQS các tỉnh, thành phố tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; tích cực huy động các nguồn lực và ngân sách đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực phòng thủ...

Tiếp tục quán triệt và thực hiện phương châm chỉ đạo “bám đất, bám dân” của đồng chí Đỗ Mười, BTL quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn, bám nắm cơ sở, thực hiện “bốn cùng” với đồng bào, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh; chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai… qua đó, tăng cường quan hệ đoàn kết quân-dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo, dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 3 tăng cường đoàn kết, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, học tập tấm gương của một nhân cách cộng sản mẫu mực, người chính ủy mưu trí, sáng tạo, nhiệt huyết cách mạng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT quân khu, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nguoi-chinh-uy-muu-luoc-cua-khu-ta-ngan-song-hong-551283