Người chiến sĩ cách mạng bản lĩnh và sáng tạo, nhà chính trị, quân sự trí dũng song toàn

Đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, quân đội và nhân dân ta. Cả cuộc đời cống hiến vì nước, vì dân, đồng chí là điển hình của một thế hệ cán bộ cốt cán của Đảng được đào tạo bài bản, có bản lĩnh và trí tuệ, sẵn sàng xả thân vì lý tưởng cách mạng. Đồng chí Phùng Chí Kiên chính là tấm gương về người chiến sĩ cách mạng bản lĩnh và sáng tạo, nhà chính trị, quân sự trí dũng song toàn. Đồng chí cũng là vị tướng quân đội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh truy phong hàm cấp tướng.

Từ thanh niên yêu nước trở thành người chiến sĩ cách mạng bản lĩnh, sáng tạo

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18-5-1901 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An-một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Là con thứ tư trong gia đình, với tư chất thông minh, ham học hỏi nên dù gia cảnh không mấy khá giả, anh vẫn được cha mẹ cho học chữ Nho, rồi vào học trường Tiểu học Pháp-Việt tại tổng Hoàng Trường. Hết bậc sơ học, do kinh tế gia đình khó khăn, anh nghỉ học ở nhà làm ruộng.

Giống như nhiều thanh niên đương thời sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước lâm vào cảnh một cổ hai tròng, thực dân Pháp ra sức đàn áp và bóc lột nhân dân ta trong lúc triều đình nhà Nguyễn bước vào giai đoạn suy vong, Nguyễn Vĩ sớm mang trong mình khát vọng cứu nước, cứu dân. Anh cùng với một số bạn bè lập nhóm đọc sách báo tiến bộ, tham gia một số phong trào yêu nước và tích cực tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước trong nhân dân. Năm 1925, Nguyễn Vĩ ra làm thuê ở ga Yên Lý-huyện Diễn Châu, rồi giúp việc cho một gia đình thương nhân người Hoa. Nhờ đó, anh biết đến hoạt động của Hội Duy Tân của Phan Bội Châu và từng bước tiếp cận ánh sáng tân thư, tân văn, sách của các nhà nho duy tân ở Trung Quốc. Thời gian này, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc đã cử cán bộ về gây dựng cơ sở ở Nghệ-Tĩnh. Với tư chất thông minh, giàu nhiệt tình cách mạng, Nguyễn Vĩ được các ông Nguyễn Năng Tựu và Lê Hữu Lập dìu dắt, giúp đỡ và kết nạp vào hội. Tháng 10-1926, anh được giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc)[1] dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức[2] và chính thức bước vào chặng đường 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, vẻ vang của mình. Anh thuộc lớp những người đầu tiên được vinh dự tham gia các lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu.

Tại Quảng Châu, Nguyễn Vĩ được đồng chí Vương (Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc) đặt mật danh là Phùng Chí Kiên[3]. Dưới sự chỉ dạy của đồng chí Vương, Phùng Chí Kiên hăng hái học tập, nghiên cứu lý luận, nắm chắc tình hình thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới; nguyện trung thành với lý tưởng cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Tốt nghiệp khóa học, Phùng Chí Kiên được đưa vào đào tạo tại Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn. Phùng Chí Kiên cùng với các thanh niên Việt Nam học tập tại đây được Trường Quân sự Hoàng Phố, khóa V nhận xét là “rất nghiêm chỉnh, cần cù lao động, dốc hết sức để học tập, bởi vì họ biết rằng để giành chính quyền về tay công nông, phải cầm lấy vũ khí chiến đấu và chỉ có tri thức quân sự mới giúp họ bảo vệ cách mạng khỏi thù trong giặc ngoài”[4].

Khi Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng Trung Quốc bị lực lượng của Tưởng Giới Thạch đàn áp, với sự nhạy cảm chính trị của mình, Phùng Chí Kiên đã cùng nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc, trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu chống lại lực lượng phản cách mạng (ngày 11-12-1927) trong vai trò chỉ huy một đơn vị cộng sản. Cuộc khởi nghĩa thất bại, nghĩa quân và các đoàn thể quần chúng buộc phải rút khỏi Quảng Châu về vùng nông thôn, lập khu Xô viết tại hai huyện Hải Phong, Lục Phong (tỉnh Quảng Đông).

Tháng 12-1929, đồng chí Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân. Từ vị trí Đại đội phó trong Trường Quân chính của Hồng quân, 3 tháng sau, Phùng Chí Kiên được thăng cấp Đại đội trưởng và 6 tháng sau là Bí thư chi bộ Đảng. Với những cống hiến trong huấn luyện và chiến đấu, đồng chí được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang. Những năm tháng phục vụ trong Hồng quân Trung Quốc, đồng chí đã dũng cảm chiến đấu 50 trận lớn nhỏ đánh lại quân Quốc dân Đảng và hai lần bị thương nặng. Tháng 12-1930, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí về Hồng Kông gặp lại người thầy của mình là đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc) và được truyền đạt những chủ trương đường lối mới của Đảng sau Hội nghị hợp nhất đầu năm và Hội nghị Trung ương lần thứ nhất. Những ngày ở Hồng Kông, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương[5]. Đồng thời, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định gửi Phùng Chí Kiên sang Moscow, học tại Trường Đại học Phương Đông nhằm đào tạo nguồn cán bộ cấp cao cho Đảng.

Trong thời gian học tập tại Trường Đại học Phương Đông từ tháng 6-1932 đến tháng 3-1934, đồng chí Phùng Chí Kiên không ngừng trau dồi lý luận, tư duy và bản lĩnh của mình. Ngoài việc nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động học tập và ngoại khóa tại trường, đồng chí còn học một khóa học đặc biệt về mật mã quân sự và sử dụng vô tuyến điện. Với sự mày mò, quyết tâm cao độ, đồng chí đã tự học thêm môn toán, vật lý bằng tiếng Nga và nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật mật mã và sử dụng thành thạo vô tuyến điện. Theo tư liệu của Bộ Phương Đông, “Phùng Chí Kiên ở Tiểu ban Kỹ thuật..., là người có trình độ quân sự và kỹ thuật vô tuyến điện giỏi, sau khi tốt nghiệp Trường Phương Đông, về Thượng Hải hoạt động trong Ban lãnh đạo Hải ngoại, Phùng Chí Kiên luôn được bố trí công tác này”[6]. Chính nhà trường và cố vấn quân sự Liên Xô nhận xét: “Qua học tập và rèn luyện, đồng chí Phùng Chí Kiên tỏ rõ là người có năng lực chỉ huy về quân sự”[7]. Đồng chí Phùng Chí Kiên được đánh giá là một “thanh niên có đầu óc quân sự và kỹ thuật..., có khả năng lớn về công tác và năng động”[8].

Nhà Chính trị, Quân sự trí dũng song toàn

Kết thúc khóa học tại Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Phùng Chí Kiên được Quốc tế Cộng sản cử về tăng cường cho Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đóng góp lớn nhất của đồng chí Phùng Chí Kiên khi về công tác ở Ban Chỉ huy ở ngoài từ giữa năm 1934 là cùng với đồng chí Hà Huy Tập dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ I của Đảng (3-1935), khi đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Nghị quyết chính trị và nhiều nghị quyết quan trọng khác như công nhân vận động, nông dân vận động, thanh niên vận động, phụ nữ vận động; Nghị quyết về Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương; Điều lệ của Đảng và Điều lệ của các tổ chức đoàn thể... được thông qua tại Đại hội dưới sự chủ trì của các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác-tuy còn có những điểm không sát với phong trào cách mạng thế giới và trong nước lúc bấy giờ nhưng đã chứng tỏ sự chủ động, nhạy bén về chính trị của những người chủ trì.

Tháng 8-1936, đồng chí Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Do yêu cầu mới của cách mạng, khoảng một năm sau, đồng chí quay lại Hương Cảng, Trung Quốc chỉ đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động. Tháng 10-1938, thực dân Anh đã ra lệnh bắt giữ và hai tháng sau đó, trục xuất đồng chí khỏi Hương Cảng. Phùng Chí Kiên đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động. Tại đây, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác nhanh chóng củng cố lại Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đây là thời gian đồng chí bắt đầu được làm việc gần Nguyễn Ái Quốc; nhiều lần đưa Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi thăm các cơ sở quần chúng cách mạng dọc tuyến đường sắt Côn Minh-Hà Khẩu và khảo sát đường về Tổ quốc khi điều kiện cho phép.

Tài năng quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên được bộc lộ rõ nhất trong thời kỳ hoạt động ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Ngày 28-01-1941, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với một số cán bộ cách mạng được huấn luyện tại Trung Quốc theo Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, Cao Bằng xây dựng thí điểm Việt Minh tại 3 châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên chăm lo việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ Cao Bằng, chỉ sau 3 tháng, phong trào Việt Minh đã phát triển rộng khắp với hơn 2.000 hội viên. Trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào Việt Minh và phong trào cách mạng, đồng chí hăng hái vận động thành lập các đội tự vệ, du kích chống địch khủng bố để bảo vệ địa phương và bảo vệ nhân dân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã nghiên cứu và soạn thảo các nguyên tắc về xây dựng tổ chức vũ trang, tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ cho các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và miền xuôi. Cùng với việc trực tiếp giảng dạy, đồng chí còn viết tài liệu “Về cuộc chiến tranh du kích chống Nhật của nhân dân Trung Quốc” để phục vụ các lớp huấn luyện quân sự.

Từ ngày 10 đến 19-5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 diễn ra tại Khuổi Nậm, Pác Bó dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); xác định việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng và tổ chức lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của Đảng. Đồng chí Phùng Chí Kiên tiếp tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, là khu căn cứ hình thành từ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và hiện đang có đội Đội du kích Bắc Sơn hoạt động. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Ðội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Ðội Cứu quốc quân (Đội Cứu quốc quân 1, một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Nhiệm vụ của Đội Cứu quốc quân là tích cực đấu tranh chống địch khủng bố, bảo vệ Trung ương, bảo vệ cơ sở cách mạng và nhân dân.

Chấp hành Nghị quyết Hội nghị, Trung ương Đảng tăng cường lực lượng cho Đội Cứu quốc quân, lúc này có 37 người, 15 súng trường và súng kíp, còn lại là dao găm; được biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Phùng Chí Kiên làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri làm Chính trị viên; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Phùng Chí Kiên bắt tay ngay vào việc củng cố lực lượng, lãnh đạo Đội cứu quốc quân 1 tiến hành các hoạt động quân sự, chính trị, xúc tiến lập cơ quan bí mật cho các đồng chí Trung ương ở Võ Nhai và mở một đường dây liên lạc từ căn cứ địa về miền xuôi.

Kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa còn đang dang dở thì thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, tập trung bủa vây hòng tiêu diệt lực lượng cán bộ nòng cốt của ta ở khu căn cứ. Trước tình hình đó, đồng chí đã vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm cơ bản về kháng chiến toàn dân, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nguyên tắc tác chiến du kích để bảo vệ an toàn cho cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập.

Tháng 7-1941, địch huy động một lực lượng lớn tiến công vào Mỏ Pia, truy bắt các đồng chí Thường vụ Trung ương và Ban Chỉ huy Đội cứu quốc quân 1. Chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét vùng Khuổi Nọi, trung tâm căn cứ của Đội Cứu quốc quân. Trước tình thế nghiêm trọng, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng Ban Chỉ huy quyết định để một tiểu đội ở lại Bắc Sơn hoạt động chống địch khủng bố, lực lượng còn lại rút khỏi căn cứ Bắc Sơn theo hai hướng. Đầu tháng 8-1941, Cứu quốc quân chia làm hai cánh rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Cánh quân rút về phía Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Thái và Đặng Văn Cáp chỉ huy từ Khuổi Nọi sang huyện Bình Gia lên Văn Mịch, Thất Khê, sau đó sang biên giới Việt-Trung an toàn. Cánh quân rút về phía Cao Bằng gồm các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Hà Khai Lạc... qua vùng Na Rì (Bắc Kạn) thì bị địch phục kích. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh vào ngày 22-8-1941.

Sự hy sinh của đồng chí là mất mát to lớn đối với Đảng, với phong trào cách mạng đang lên và với nhân dân ta. Trong thời kỳ hoạt động bí mật, chưa có chính quyền, chưa có quân đội, song đồng chí Phùng Chí Kiên đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Trung ương Đảng, Bác Hồ và cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài năng quân sự, tư duy chính trị với quan điểm bảo vệ căn cứ cách mạng, duy trì và củng cố lực lượng cho sự nghiệp cách mạng lâu dài. Trên cương vị chỉ huy Cứu quốc quân, đồng chí đã vận dụng linh hoạt bài học “trận địa lòng dân” để giữ gìn và củng cố lực lượng cách mạng. Thực tiễn đã chứng minh, đồng chí Phùng Chí Kiên chính là một nhà chính trị, quân sự song toàn của cách mạng Việt Nam. Để ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89-SL truy phong cấp tướng cho đồng chí. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta. Tên tuổi của đồng chí Phùng Chí Kiên sẽ còn sống mãi với non sông, Tổ quốc ta hôm nay và mai sau.

--------------------------

[1] Về vấn đề này có nhiều quan niệm khác nhau:

- Theo Lịch sử các đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam (Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.149), thì Phùng Chí Kiên là một trong những thanh niên yêu nước được cử sang Xiêm học tập, sau đó được Nguyễn Ái Quốc chọn sang Trung Quốc đào tạo thành cán bộ.

- Theo tác giả Hồng Sâm, trong Danh nhân Nghệ Tĩnh, t.2, Nxb Nghệ-Tĩnh, 1982 thì Đặng Thúc Hứa đã tìm cách chắp nối lại dây liên lạc với trong nước và chẳng bao lâu số thanh niên yêu nước phần đông là con em Nghệ Tĩnh đã lần lượt được gửi sang Xiêm, trong số đó có Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Đặng Canh Tân, Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Sơn, Đặng Thị Thuận, Phùng Chí Kiên, Lê Văn Ngôn... Những thanh niên này được Đặng Thúc Hứa giới thiệu về U-Đon vừa làm ăn sinh sống, vừa học tập ngoại ngữ, đọc sách báo chính trị, học thêm văn hóa. Những thanh niên sau đó sang Trung Quốc và đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (tr.100).

[2] Tại Quảng Châu, Nguyễn Vĩ dự lớp huấn luyện thứ 3 do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách. Lớp này có 50 người, khai mạc khoảng cuối năm 1926, bế mạc tháng 2-1927.

[3] Lại có ý kiến cho rằng tên gọi Phùng Chí Kiên là do Lê Hữu Lập đặt trước khi Phùng Chí Kiên lên đường sang Quảng Châu, trong đó “Phùng” là tương phùng, hội ngộ, gặp gỡ; “Chí” là chí khí; “Kiên” là kiên định, vững vàng. Phùng Chí Kiên là sự tương phùng, gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung.

[4] Dẫn theo Phùng Chí Kiên Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hn, 2015, tr.55.

[5] TS Chu Đức Tính-Phạm Thị Lai: Đồng chí Phùng Chí Kiên, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn Phùng Chí Kiên, người cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn, Sđd, tr 212

[6] Dẫn theo GS.TS Đỗ Quang Hưng: Phùng Chí Kiên-một cán bộ chính trị, quân sự tài ba in trong Phùng Chí Kiên, người cộng sản mẫu mực, nhà chính trị,quân sự song toàn, Nxb. QĐND, HN, 2009, tr.59.

[7] Dẫn theo Đại tá,PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Phùng Chí Kiên-một chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường của cách mạng Việt Nam in trong Phùng Chí Kiên, người cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn, Nxb. QĐND, HN, 2009, tr.183.

[8] Bản nhận xét về Kan (tức Phùng Chí Kiên) của Bộ phương Đông, ngày 12-11-1933, phông 532-1384. Dẫn theo Đại tá,TS Trần Ngọc Long: Phùng Chí Kiên những tháng ngày ở Pắc Bó in trong Phùng Chí Kiên, người cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn, Nxb. QĐND, HN, 2009, tr.204.

PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG và ThS LÊ VĂN KIỆN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nguoi-chien-si-cach-mang-ban-linh-va-sang-tao-nha-chinh-tri-quan-su-tri-dung-song-toan-659857