Người chiến sĩ cách mạng bản lĩnh, kiên trung

Suốt cuộc đời mình, không chỉ trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; hiên ngang, anh dũng trước kẻ thù, đồng chí Lê Thanh Nghị còn là tấm gương tiêu biểu của người cộng sản cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, yêu thương bạn bè, bao dung, độ lượng với anh em, cán bộ cấp dưới và gần gũi đồng bào, đồng chí.

Đồng chí Lê Thanh Nghị thăm Cuba, cùng Chủ tịch Fidel Castro thăm trại bò năm 1967. Ảnh: TL

Đồng chí Lê Thanh Nghị thăm Cuba, cùng Chủ tịch Fidel Castro thăm trại bò năm 1967. Ảnh: TL

Đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng (Nguyễn Văn Xứng), sinh ngày 6/3/1911 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí trải qua 60 năm phong phú, nhiều thử thách, với 2 lần bị tù đày (11 năm ở Côn Đảo, Sơn La). Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao từ bí thư chi bộ, tỉnh ủy viên đến Bí thư Liên khu ủy, Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V và là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII; được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng.

Sinh ra tại một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và sớm được sự dìu dắt, giúp đỡ của những cán bộ đàn anh, đồng chí Lê Thanh Nghị đã giác ngộ cách mạng, gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930. Tháng 5/1930, đồng chí bị địch bắt, giam tại nhà tù Hải Phòng và bị Tòa đề hình tuyên án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.

Năm 1936, Mặt trận dân chủ Pháp lên cầm quyền, ân xá tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí được trở về quê nhưng vẫn bị quản thúc. Không lâu sau, đồng chí bắt được liên lạc với tổ chức Đảng, hoạt động bí mật ở Hải Dương và Hải Phòng, xây dựng nhiều cơ sở Đảng. Cuối năm 1937, đồng chí được cử về hoạt động ở Hải Dương. Giữa năm 1939, đồng chí tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, tham gia Ban cán sự liên tỉnh B (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), được giao trực tiếp phụ trách tổ chức Đảng ở Hải Dương và vùng mỏ. Đầu năm 1940, đồng chí bị bắt lần thứ hai, địch kết án 5 năm tù, đày tại Sơn La. Đầu năm 1945, ra tù, đồng chí được chỉ định vào thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 4/1945, tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Trung ương Đảng quyết định thành lập ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm ủy viên thường trực ủy ban, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (chiến khu Đông Triều - một trong 7 chiến khu cách mạng trên cả nước khi đó), gồm một số tỉnh miền duyên hải và Đông Bắc; đồng thời, vẫn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang đến ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được cử phụ trách vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có TP. Hải Phòng. Trong những năm cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí từng đảm nhiệm các vị trí công tác lãnh đạo của Đảng và chính quyền ở địa phương và Trung ương như: Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính khu III (TP. Hải Phòng, các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An); Phó Bí thư Liên khu ủy III; Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên khu III, Chính ủy quân khu III; Bí thư Thành ủy Hà Nội...

Tại Đại hội III và IV của Đảng, đồng chí đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1960, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đồng chí có đóng góp to lớn trong công tác ngoại giao. Năm 1980, đồng chí làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ tháng 7/1981 đến tháng 12/1986, đồng chí giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước.

Đồng chí mất tại Hà Nội, ngày 16/8/1989.

Do có công lao to lớn trong quá trình cách mạng và hai cuộc kháng chiến, đồng chí được tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.

LINH TRẦN

(Tổng hợp)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202103/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dong-chi-le-thanh-nghi-631911-632021-nguoi-chien-si-cach-mang-ban-linh-kien-trung-921061/