Người chiến sĩ an ninh ngày đất nước mới độc lập

Cách mạng Tháng Tám (CMTT) thành công, chính quyền về tay nhân dân, ông được nhận vào Ty Liêm phóng tỉnh Hòa Bình (tiền thân của Công an tỉnh Hà Sơn Bình) và trở thành một trong những chiến sĩ an ninh đầu tiên của tỉnh thời kỳ đất nước mới giành độc lập.

Được giao nhiệm vụ làm giao liên, trinh sát, kiêm công tác văn phòng, khi ấy ông mới 15 tuổi. Đã 74 năm trôi qua, những chiến công trong gian khó của lực lượng an ninh trong những ngày đầu chính quyền cách mạng non trẻ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông - Đại tá Trần Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc thường trực, Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Hà Sơn Bình.

Chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi

Tôi đến thăm ông tại ngôi nhà sâu hút cuối một con ngõ nhỏ ở phường Chăm Mát (thành phố Hòa Bình). Dù tuổi đã cao nhưng trí nhớ ông vẫn còn mẫn tiệp. Xuề xòa, thân thiện trong câu chuyện, ông bảo: Kể từ khi nhận vào làm việc tại Ty Liêm phóng tỉnh sau khi CMTT thành công, cho đến nay tính ra ông là chiến sĩ an ninh cuối cùng của tỉnh từ thời kỳ đất nước mới được thành lập (2-9-1945) đến nay vẫn còn sống.

Trò chuyện với chúng tôi, ông kể: “Chẳng biết đó có phải là số mệnh hay là một cơ duyên mà ngay từ khi còn nhỏ, lúc đang là học sinh cuối cấp lớp đệ nhất (lớp 5 bây giờ), khi tôi đang có kế hoạch đi ôn thi lên lớp đệ nhị thì có người đến nhận mở lớp dạy thêm để ôn thi.

Nhưng lạ lắm, người ấy chỉ dạy chúng tôi một điều “độc lập hay là chết”, dạy về sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Tất cả mọi người cùng đoàn kết đứng lên đánh đuổi bọn xâm lược Pháp, Nhật để giành độc lập, tự do”. Chính bài học đó đã giác ngộ cho ông con đường cách mạng, tham gia cách mạng để được sống đời tự do.

Tham gia cách mạng lúc 14 tuổi, đầu tiên ông làm liên lạc viên cho chú họ là Trần Quang Minh (tức Trần Nghìn) - khi đó là cán bộ Ban Cán sự Đảng tỉnh. Với vai trò là liên lạc viên, trong suốt thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền năm 1944, ông thường xuyên mang thư từ, tài liệu của đồng chí Trần Nghìn chuyển cho các cơ sở cách mạng ở Lạc Sơn một cách bí mật, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

CMTT thành công, ngày 29-8-1945 Ty Liêm phóng tỉnh được thành lập, theo sự phân công của Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh, đồng chí Trần Nghìn được cử làm Trưởng Ty Liêm phóng. Nhận thấy Trần Văn Lộc là người thông minh, mưu trí, gan dạ, dũng cảm, ông Trần Nghìn đã nhận cậu vào làm giao liên, trinh sát, kiêm nhiệm vụ văn phòng. Thời kỳ đầu, cả Ty có khoảng 20 người, ông là người trẻ nhất, khi ấy mới 15 tuổi...

Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình thăm và trò chuyện với đại tá Trần Văn Lộc dịp 19-8-2019.

Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình thăm và trò chuyện với đại tá Trần Văn Lộc dịp 19-8-2019.

Những chặng đường chiến công

Tuy là thành viên trẻ tuổi nhất của Ty Liêm phóng nhưng Trần Văn Lộc vẫn luôn xốc vác, chịu khó rèn luyện, học hỏi những người có kinh nghiệm trong hoạt động, đấu tranh cách mạng. Chính thái độ học tập nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao nên được giao nhiệm vụ gì, ông cũng hoàn thành tốt.

Nói về thời kỳ đó, ông nhớ lại: Sau khi CMTT thành công, tình hình trật tự trị an trên địa bàn tỉnh hầu như không có gì phức tạp. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất chính là các nhóm phản động đã nhen nhóm hoạt động chống phá cách mạng, âm mưu cướp chính quyền còn non trẻ của ta.

Tuy vậy, với tinh thần cảnh giác cao, các chiến sĩ an ninh của Ty Liêm phóng đã phối hợp với nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh lật tẩy bộ mặt phản động và trấn áp thành công nhóm phản động Đại Việt Quốc dân đảng vào tháng 9-1945, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên trong nhóm phản động, thu 80 súng trường, 2 súng trung liên.

Tiếp đó, đến tháng 9-1945, những chiến sĩ an ninh của Ty đã phối hợp với bộ đội truy quét và bắt giữ tổ chức phản động Việt Nam Quốc dân đảng mới hình thành tại vùng Mường Vang (Lạc Sơn).

Sang năm 1946, trước vô vàn khó khăn nhưng những chiến sĩ an ninh ở Ty Liêm phóng vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc tổng tuyển cử, bầu Quốc hội đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đồng thời khôn khéo đấu tranh, ngăn chặn mọi hoạt động phá hoại, khiêu khích của các tổ chức phản động cũng như trấn áp mạnh mẽ bọn lưu manh, côn đồ gây rối trật tự công cộng.

Tiếp nối những chiến công đó, tháng 4-1946, lực lượng an ninh còn non trẻ của tỉnh đã làm nên chiến công vang dội khi đập tan âm mưu cướp chính quyền của bọn phản động Đại Việt Duy Dân.

Nói về chiến công này, ông Lộc kể lại một cách đầy hứng khởi: được quân Tưởng hậu thuẫn, bọn tay sai người Việt đã ráo riết hoạt động thực hiện âm mưu cướp chính quyền. Trong đó, nổi lên là nhóm Đại Việt Duy Dân do Lý Đông A (tức Trần Khắc Tường) làm đảng trưởng.

Sau khi bị truy quét ở nhiều địa phương, Lý Đông A và đồng bọn rút chạy về vùng rừng núi Hòa Bình, tại đây chúng dùng mọi thủ đoạn lừa bịp để kích động, lôi kéo và phát triển lực lượng bằng thuyết “Đất nước thánh thần Đại Việt Duy Dân” nghĩa là đất nước là của chung, của mọi người, ai cũng có quyền mưu bá đồ vương. Với thuyết này, chúng tuyên truyền về việc khôi phục chế độ nhà Lang ở miền núi. Đồng thời, tuyên truyền cả về chuyện mê tín dị đoan, thần thánh hóa tên đảng trưởng...

Bằng các thủ đoạn đó, Lý Đông A và đồng bọn đã xây dựng được căn cứ ở nhiều nơi. Và ở đâu chúng cũng lôi kéo được một số lang đạo có uy tín, các phần tử phản cách mạng và cả những người dân nhẹ dạ tham gia vào tổ chức phản động của chúng...

Sau khi phát hiện được hoạt động của tổ chức phản động Đại Việt Duy Dân, đặc biệt là kế hoạch dùng lực lượng có vũ trang đánh chiếm, cướp chính quyền ở Hòa Bình. Ty Liêm phóng đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh xin chủ trương của trên tiêu diệt tổ chức phản động Đại Việt Duy Dân trước khi chúng hành động.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh, Ty Liêm phóng đã phối hợp với các lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh tổ chức tấn công tiêu diệt tổ chức phản động Đại Việt Duy Dân ở khắp các châu trong tỉnh. Thắng lợi này đã loại trừ được mối hiểm họa tiềm tàng từ bên trong của bọn phản động với sự hậu thuẫn của quân Tưởng.

Tiếp sau những chiến công này, ông Trần Văn Lộc đã cùng các đồng chí, đồng đội của mình tham gia nhiều đợt tấn công truy quét tội phạm, làm trong sạch địa bàn, chuẩn bị kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Được gieo vào tâm trí tinh thần yêu nước, niềm tin vào cách mạng để theo cách mạng từ khi 14-15 tuổi, cho đến nay, khi đã đi gần hết cuộc đời, ông Trần Văn Lộc vẫn luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Ông bảo: Suốt những năm làm cách mạng, theo cách mạng trong nghề cũng như trong đời, tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Với ông, một người chiến sĩ công an đã đi gần trọn con đường, chỉ biết còn Đảng còn mình.

Trong những năm tháng hoạt động trong lĩnh vực an ninh, ông cũng đã học được nhiều bài học. Nhưng bài học đầu tiên về nắm chắc tình hình, không chủ quan, luôn luôn đề cao cảnh giác trước kẻ thù có lẽ sẽ mãi là bài học sâu sắc nhất. Cũng chính bài học đó đã đi theo ông suốt những chặng đường lịch sử từ khi đất nước mới giành độc lập cho đến những năm tháng hoạt động tình báo ở chiến trường miền Nam từ năm 1964-1971; chiến trường biên giới Tây Nam, chiến trường Campuchia trong thời kỳ làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng Polpot.

Cả sau này, khi giữ cương vị là Phó Giám đốc thường trực, Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Hà Sơn Bình cho đến khi nghỉ hưu năm 1993, bài học đó luôn theo ông và được ông truyền lại cho con cháu, khi họ tiếp bước ông trở thành những chiến sĩ an ninh.

Ngô Thủy

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nguoi-chien-si-an-ninh-ngay-dat-nuoc-moi-doc-lap-559033/