Người chết có thể sinh con?

Từ câu chuyện một người phụ nữ ở Hà Nội sinh con từ tinh trùng của người cha đã chết cách đó 3 năm gặp nhiều vấn đề pháp lý chưa được giải quyết, nhóm sinh viên đã bắt tay nghiên cứu công trình Xây dựng khung pháp lý cho người chết có thể sinh con.

Nhóm tác giả nhận giải tại cuộc thi - Ảnh: HOA NỮ

Đề tài trên của nhóm đã xuất sắc giành được giải nhất lĩnh vực hành chính - pháp lý tại Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018.

Nhóm tác giả gồm: Đoàn Thanh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Đức Toàn, Đồng Thị Như Vân (cùng là sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) và Võ Quang Nghĩa (sinh viên Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM).

Chưa có cách giải quyết xác đáng

Ngay từ năm nhất, nhóm Hải tham gia một cuộc thi tranh biện về vấn đề xã hội, trong lúc thi ban tổ chức có đưa ra vụ việc người chết sinh con ở Hà Nội và câu hỏi dành cho Hải là có nên cho phép người chết sinh con hay không. Khi đó Hải vào vai trả lời là không. Nhưng ngay từ sau cuộc thi, Hải cứ lăn tăn trong lòng và thắc mắc tại sao lại không cho phép, tại sao pháp luật lại không minh định trong khi đây là một quyền chính đáng của con người. Từ đó, Hải nảy ra ý tưởng sẽ nghiên cứu đề tài này và bắt đầu tìm đồng đội và giáo viên hướng dẫn để thực hiện.

Theo nhóm, việc sinh con sau khi chết có thể từ những trường hợp như việc mà một người trong cặp vợ chồng đột tử (chưa kịp gửi tinh trùng bảo quản đông lạnh) như tai nạn giao thông, tai biến chẳng hạn và liệu pháp là trích tinh từ cơ thể người chết. Một khả năng khác là cặp vợ chồng đó đã gửi tinh trùng đông lạnh do họ chưa có con nhưng người chồng mắc bệnh nào đó phải hạn chế tiếp xúc với vợ của mình và họ rất mong muốn có con nên đã chuẩn bị sẵn.

Hải cho biết hiện tượng người chết sinh con dấy lên sự quan tâm của dư luận, nhiều vấn đề pháp lý xoay quanh sự kiện này đã xuất hiện, thế nhưng vẫn chưa tìm được cách giải quyết xác đáng. Phát triển cơ sở lý luận cho quyền sinh con của người chết cũng như giải quyết khía cạnh thực tiễn của vấn đề chính là mục đích của đề tài mà nhóm Hải nghiên cứu. Bằng cách vận dụng nhiều phương pháp như điều tra xã hội học, phương pháp nghiên cứu liên ngành, phân tích luật viết, phân tích các học thuyết pháp lý, luật so sánh, đề tài đã nhận thức được ý nghĩa thực sự của vấn đề, sự đồng thuận của dư luận, lý thuyết pháp lý nền tảng cho vấn đề, quy định của các nước trên thế giới, những hạn chế của pháp luật Việt Nam. Từ những kết quả đạt được đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất trong việc chỉnh sửa pháp luật để ghi nhận và bảo vệ tốt hơn quyền được sinh con, quyền được tôn trọng cuộc sống gia đình, cân bằng những mối quan hệ lợi ích trong vấn đề người chết sinh con.

“Cơ sở lý luận cho vấn đề này là thông qua các khía cạnh của pháp luật về nhân quyền như quyền được tự định đoạt, quyền được lập gia đình, quyền được tôn trọng cuộc sống gia đình, quyền được mang họ tên cha/mẹ (ghi nhận nguồn gốc), quyền được hưởng thừa kế... Nhóm mình đồng thời tiến hành khảo sát xã hội để xem thử nhìn nhận của cộng đồng đối với vấn đề này như thế nào để xây dựng quyền này từ các bình diện xã hội, đạo đức, pháp lý… Sau đó, nhóm bắt đầu phân tích bằng cách xem xét các công ước quốc tế, luật, bản án từ một số quốc gia khác như Mỹ, Israel... Và các bình luận từ những nhà nghiên cứu, luật sư để đưa ra các đối chiếu, phân tích, đánh giá và kiến nghị xây dựng pháp luật”, Hải chia sẻ.

Người chết vẫn có thể sinh con

Bằng việc kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng người đã chết vẫn có quyền sinh con. Hải phân tích điều này là hoàn toàn phù hợp với các lý luận về nhân quyền, cũng như quan điểm triết học, quan điểm xã hội...

“Hiện tại, pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận người đã chết vẫn có quyền sinh con. Thế nhưng, các bộ luật, luật về Dân sự, Hôn nhân gia đình và các luật hỗ trợ vẫn chưa minh thị quyền năng ấy và còn rất nhiều lỗ hổng pháp lý còn tồn tại, ví dụ như việc công nhận đứa trẻ sinh ra là con chung của người chết, quyền được thừa hưởng di sản và những hạn chế cần có để đảm bảo cho kỹ thuật được thực hiện một cách đúng đắn, bảo vệ tốt nhất quyền của đứa trẻ được sinh ra,… Vấn đề pháp lý xuất hiện trong vụ việc 'người chết sinh con' lần đầu tiên ở Việt Nam cũng chưa được giải quyết như liệu tinh trùng có thể được 'lấy ra' khỏi cơ thể của một người sau khi người này đã chết hay không, người (những người) còn sống có quyền gì trong trường hợp đó…”, Hải cặn kẽ.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các khảo sát từ y khoa cho tới xã hội học đồng thời cũng chứng minh việc đứa trẻ sinh ra sau khi một người đã chết là không ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của đứa bé và không trái với đạo đức xã hội. Do đó, việc hoàn thiện một chế định cho quyền sinh con với người chết là cần thiết.

Thông qua nghiên cứu, nhóm đưa ra những kiến nghị, thứ nhất là thừa nhận quyền sinh con là một quyền con người cơ bản, và như một hệ quả thừa nhận PMR (kỹ thuật cho phép người chết sinh con) một cách rõ ràng; thứ hai là xây dựng, điều chỉnh các quy định bảo vệ quyền con người và quyền nhân thân của đứa trẻ và người mẹ (quyền tự định đoạt, quyền có nguồn gốc rõ ràng, quyền được hưởng thừa kế,…); thứ ba là tạo giải pháp mở cho PMR và những liệu pháp khác có tiềm năng ứng dụng trong tương lai.

Với tính mới mẻ và sáng tạo, công trình nghiên cứu của nhóm đã được chuyển giao cho Công ty Luật TNHH MTV SureLaw ngay tại đêm trao giải Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2018.

Đề tài rất mới và sáng tạo

“Đề tài Xây dựng khung pháp lý cho người chết có thể sinh con hoàn toàn mới và từ trước đến giờ chưa có người làm, bởi vì thực tế cũng mới xuất hiện khoảng năm 2013 trở lại đây. Luật của nước mình chỉ quy định là con chung của hai vợ chồng là con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân. Và rõ ràng trong trường hợp người phụ nữ ở Hà Nội sinh con ra sau khi chồng chết rất lâu thì luật hiện tại chưa can thiệp được. Trong bối cảnh này thì đề tài của nhóm sinh viên rất cần thiết và có tính sáng tạo. Đi vào hướng kiến nghị với người làm luật, để cho phép người chết có thể sinh con. Suy cho cùng thì đây là quyền con người, trên thế giới thì có nhiều quốc gia đã công nhận rồi, còn Việt Nam thì đang trong tình trạng im lặng, nhưng im lặng không giải quyết được vấn đề. Trong trường hợp làm giấy khai sinh cho đứa con thì sẽ liên quan đến chuyện thừa kế, mà nếu có sự tranh cãi giữa một thành viên nào đó trong gia đình thì luật pháp cũng sẽ không can thiệp được vì chưa có quy định rõ ràng. Nên đề tài đi theo hướng kiến nghị luật có động thái rõ ràng trong việc thừa nhận hay không thừa nhận. Và tôi đánh giá rất cao đề tài của nhóm vì đề tài kết hợp ở 2 lĩnh vực là y học và luật nên sự dày công của nhóm sinh viên là rất nhiều. Hơn nữa, với những người nghiên cứu có kinh nghiệm thì việc nghiên cứu để xử lý số liệu, các nguồn tài liệu nước ngoài nhiều như nhóm đã làm thì rất nhiều khó khăn chứ không nói gì đến sinh viên”, tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Hoa Nữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nguoi-chet-co-the-sinh-con-1028391.html