Người chế tạo ra thuốc Berberin

Dù giờ đây đã có hàng chục loại thuốc hiện đại cùng loại ra đời, nhưng Berberin vẫn được coi là một trong những loại thuốc chữa bệnh lỵ hiệu quả nhất và luôn không vắng mặt trong tủ thuốc của các gia đình Việt Nam. Nhưng có lẽ không nhiều người biết tới con người và quá trình tạo ra loại thuốc phổ biến này...

Ông là Tiến sĩ Phan Quốc Kinh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Hóa Dược, trường ĐH Dược Hà Nội đã chia sẻ về quá trình sáng chế thuốc Berberin điều trị bệnh lỵ. Được biết vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, người dân miền Bắc Việt Nam phải đương đầu với một số dịch bệnh, trong đó có bệnh lỵ. Trong hoàn cảnh chiến tranh, bị Mỹ bao vây và cấm vận, không thể nhập thuốc ngoại, Bộ Y tế triệu tập cuộc họp khẩn cấp để tìm phương án đối phó.

Giảng viên Phan Quốc Kinh trường ĐH Dược khoa Hà Nội đã mạnh dạn xung phong nghiên cứu, bào chế thuốc chữa bệnh này. Ngay sau quyết định này, ông đã cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên đi khắp các làng xã ở miền núi, đồng bằng để sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc nam chữa bệnh của các ông lang, bà mế,… Trong 10 ngày, ông đã thu thập được hàng trăm bài thuốc dân gian trong điều trị bệnh lỵ.

TS Phan Quốc Kinh được biết đến là người đã góp công chế tạo ra loại thuốc Berberin giúp điều trị bệnh lỵ cho người dân. (Ảnh: B.Sa)

Từ đó, ông và nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 20 cây thuốc có khả năng điều trị bệnh lỵ và bào chế ra được hai loại thuốc là Codanxit và Berberin Cholorid. Sau khi đem kiểm tra dược lý khẳng định hai loại thuốc này đều không có độc tính và tác dụng phụ, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng tại các tỉnh đang có dịch lỵ bùng phát.

Kết quả ngoài sự mong đợi, hai loại thuốc do TS Phan Quốc Kinh bào chế ra đã giúp dập tắt dịch lỵ trong vòng 6 tháng theo đúng lời ông đã hứa với Bộ Y tế. Kí ức mà TS Phan Quốc Kinh nhớ nhất trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này là khi xuống thăm một BV của tỉnh Hải Dương, có một gia đình người nông dân nọ đã khóc và nói với ông rằng: “Cảm ơn thầy! Nhờ thuốc của thầy mà cả gia đình em thoát chết. Các gia đình bên cạnh nhà em đã chết hết rồi…”.

Thế mới thấy ngày đó đại dịch lỵ nguy cấp đến mức nào. Và tôi hiểu chính việc nhìn thấy và thấu hiểu nỗi đau này của người dân đã thôi thúc một anh dược sỹ trẻ như ông tìm ra một loại “thần dược” để giữ lại được tính mạng cho người dân nghèo.

Sau này, khi được tham gia báo cáo về các hợp chất thiên nhiên ở Việt Nam trong hội thảo khoa học tại trường ĐH Hoàng Đế London (trường ĐH cổ nhất nước Anh), TS Phan Quốc Kinh đều không quên nói về việc dập tắt dịch lỵ bằng thuốc Berberin được bào chế từ cây cỏ Việt Nam.

Câu chuyện của ông đã làm cả hội nghị đi từ chỗ ngạc nhiên cho đến khó tin bởi chỉ với 1USD lúc bấy giờ có thể mua được 1.000 viên berberin. Có thể nói chỉ sau thời gian làm việc miệt mài từ hàng trăm bài thuốc dân gian ông cùng nhóm nghiên cứu đã chọn ra 20 cây thuốc và bào chế thành công thuốc Berberin. GS Tôn Thất Tùng - GĐ BV Hữu nghị Việt Nam - CHDC Đức (nay là BV Việt Đức) là người đầu tiên tình nguyện dùng thử và khẳng định tác dụng ưu việt của thuốc. Thuốc Berberin ra đời đã giải quyết được bài toàn nan giải về bệnh lỵ khi ấy và đến tận bây giờ.

Bên cạnh thuốc Berberin, TS Phan Quốc Kinh còn nghiên cứu, sáng chế nhiều loại thuốc từ các loại cây cỏ thiên nhiên như: thuốc an thần từ củ bình vôi, thuốc Rheumatin chữa các bệnh khớp được điều chế từ rắn biển dưới dạng cao (lần đầu tiên trên thế giới, cao rắn biển được dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh), một số loại thuốc chữa mau lành vết thương.

Cũng nhờ sự giúp đỡ của các nhà khoa học này, ông đã nghiên cứu chiết xuất và công bố hàng chục loại thuốc thực phẩm chức năng (TPCN) từ các loại cây cỏ thiên nhiên cùa Việt Nam như: các loại thuốc an thần từ củ bình vôi, lá sen (là người đầu tiên trên thế giới công bố năm 1972); thuốc rheumatin từ rắn biển (công bố đầu tiên trên thế giới); các loại thuốc chữa mau lành vết thương từ rau má (đã được GS Tôn Thất Tùng điều trị cho bệnh nhân);…

Trong các công trình nghiên cứu về sau này, đặc biệt phải kể đến công trình nghiên cứu thuốc giúp tăng sinh lực cho nam giới từ cây Bạch tật lê. Trước đó, Việt Nam phải nhập khẩu loại thuốc này từ Trung Quốc. Nhưng khi có người “mách” với ông rằng ở vùng Phan Thiết của Việt Nam có rất nhiều loại cây này. Ông đã đến Phan Thiết tìm hiểu và nâng công trình nghiên cứu lên cấp nhà nước.

Sau đó, loại thuốc này đã được sản xuất phổ biến trong nước và còn xuất khẩu sang Nhật Bản. Cùng TS Phan Quốc Kinh đến thăm HTX thuốc Dân tộc, chúng tôi mới hiểu hết giá trị của cây cỏ và nền dược học cổ truyền của Việt Nam. Cũng ở đây, TS Phan Quốc Kinh đã chia sẻ với chúng tôi về hành trình và quan điểm với nền dược học dân tộc của ông đó là: “Kế thừa kinh nghiệm cổ truyền của dân tộc trên cơ sở của khoa học hiện đại để làm thuốc chữa bệnh cho người nghèo”. Đây chính là lý tưởng và con đường mà ông đã giành trọn vẹn cả một cuộc đời để cống hiến và đam mê.

TS Phan Quốc Kinh năm nay đã 81 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, đọc sách báo hàng ngày. Cháu chắt đủ cả, công việc cũng thoải mái, ông trở về làm bạn với thơ ca. “Những lúc rảnh rỗi, bật ra được bài thơ, tôi vội ghi ngay vào trong sổ, đến nay cũng được dăm bài đọc cho vui mỗi khi khách đến” - nhà khoa học vui vẻ nói.

Giờ đây TS Phan Quốc Kinh chỉ còn duy nhất một nỗi trăn trở và mong muốn đó là các nhà khoa học ngành dược sẽ tiếp tục sáng chế được nhiều loại thuốc nhằm cứu chữa người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo để ngành y - dược luôn cùng đồng hành với công tác bảo đảm, nâng tầm sức khỏe của nhân dân.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-che-tao-ra-thuoc-berberin-128596.html