Người châu Âu dựng biên giới chống Covid-19 nhưng kẻ thù đã ở sẵn bên trong

Trước mối lo khủng bố, hoảng loạn kinh tế, bất ổn chiến lược, biến đổi khí hậu và di cư, mọi điều đều không thể chắc chắn và khó đoán tương lai. Nhưng đợt dịch Covid-19 này, châu Âu ứng phó thế nào với một kẻ thù xuyên biên giới và chưa từng thấy?

Không còn cảnh những địa danh du lịch đầy khách ở Paris

Không còn cảnh những địa danh du lịch đầy khách ở Paris

Vô số bảo tàng của các thành phố châu Âu trở nên hoang vắng. Các quảng trường và sân vận động lớn vắng tanh. Các nhà thờ cẩn trọng trong hoạt động làm lễ. Các nhà hàng sang trọng và các quán bar sôi động cũng đóng cửa. Virus corona mới không chỉ lây lan dịch bệnh mà còn lan tỏa khắp xã hội cảm giác bất an, sợ hãi và cô lập.

Có một sự thật là gần như mọi nơi mà dịch Covid-19 đi qua ở châu Âu, với lịch sử của Thời kỳ Khai sáng, nơi thường ngày bạn bè vẫn có thói quen thân mật hôn lên má chào nhau trên đường hay trong quán cà phê, nay điều đó đã không còn. Người châu Âu được khuyên phải trốn tránh, dựng lên biên giới giữa các quốc gia, bên trong thành phố và khu vực lân cận, xung quanh nhà của họ - để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm virus từ hàng xóm, thậm chí là con cháu của họ.

Nghịch lý của loại virus xuyên biên giới

Đối mặt với một loại virus không phân biệt đường biên giới lần này, mỗi quốc gia châu Âu hiện đại lại có câu trả lời khác nhau. Mỗi bước rời rạc và khác biệt đó đã làm gia tăng cảm giác về sự tách biệt và rằng rắc rối là do người khác tạo ra.

“Nghịch lý của một loại virus xuyên biên giới là giải pháp đòi hỏi phải có biên giới, không chỉ giữa các quốc gia mà cả bên trong mỗi nước. Nhưng dựng lên biên giới mà không có sự đồng lòng thì vô ích”, bà Nathalie Tocci, một cố vấn của Liên minh châu Âu nói.

Khi đại dịch lan rộng từ Italia sang Tây Ban Nha, Pháp, Đức và hơn thế nữa, ngày càng có nhiều nước áp dụng biện pháp cứng rắn, thậm chí có phần khắc nghiệt mà họ mô phỏng từ Trung Quốc.

Sau khi chứng kiến dịch bệnh ở Trung Quốc với thái độ thờ ơ lạ thường, châu Âu đã bị Italia làm cho khiếp sợ. Đột nhiên, nhiều quốc gia ở lục địa già đang cố gắng phong tỏa để bảo vệ chính họ và công dân của họ. Ý tưởng về tình đoàn kết châu Âu và của một châu Âu không biên giới được tự do đi lại và làm việc trở nên xa vời.

Cảnh sát CH Czech kiểm tra tại cửa khẩu biên giới với Đức hôm 14-3

Nếu chống đại dịch cần thứ logic chiến đấu thì yêu cầu đặt ra là phải có hành động mạnh mẽ vì kẻ thù có thể là người đứng cạnh bạn. “Giờ không còn câu hỏi về biên giới giữa các quốc gia nữa mà là giữa các cá nhân. Mọi người xung quanh bạn có thể là mối nguy hiểm vì mang virus. Người đó có thể không biết anh ta là mối nguy hiểm cho bạn, và người duy nhất không gây nguy hiểm chính là người bạn không bao giờ gặp”, ông Ivan Krastev, người đứng đầu Trung tâm Chiến lược Tự do ở Sofia, Bulgaria và là thành viên thường trực tại Viện Nhân học ở Vienna nói.

Giờ nụ hôn chào đón hay cái ôm để chia sẻ vui buồn cũng nguy hiểm. Không ai còn nói đến việc mở cửa biên giới nữa. Người di cư cũng không còn là nỗi sợ hãi nữa, mà là tất cả mọi người, ông Krastev nhận định.

Đối mặt với kẻ thù vô hình

Năm 2003, George Steiner, một nhà triết học châu Âu đã viết một bài luận nổi tiếng cho Viện Nexus có tựa đề “Ý niệm về châu Âu”. Bản sắc văn hóa của châu Âu, theo như ông Steiner là văn hóa xe hơi, vùng ngoại ô mở rộng và không gian mở tuyệt vời mang đến cảm giác tách biệt. Ở châu Âu, đó còn là một nền văn hóa của những quán cà phê để mọi người gặp gỡ, tranh luận và làm đủ thứ mình thích. Châu Âu cũng là một nền văn hóa dành cho người đi bộ, với các quảng trường và con phố nhỏ. Nhưng những ý niệm đó đang bị đe dọa.

Trong thời gian bệnh dịch này, với các quán cà phê đóng cửa và quảng trường vắng cả người dân và khách du lịch, cả hai đặc điểm này đều bị phá hủy, dẫn đến sự cô lập và cô đơn, ông Krastev nói. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, như ông Steiner đã viết, là cảm giác về cái chết và sự suy tàn của người châu Âu.

Với mối lo về khủng bố, hoảng loạn kinh tế, bất ổn chiến lược, biến đổi khí hậu và di cư, cơ bản không điều gì có thể chắc chắn và khó đoán tương lai. “Nhưng giờ đến một kẻ thù chưa từng thấy. Bạn có thể đặt tay lên tay nắm cửa và nhiễm virus - đó là nỗi sợ hãi cao nhất”, ông Dominique Moïsi, nhà khoa học về chính trị người Pháp kết hôn với vợ người Italia nói.

Sân bay quốc tế Munich, Đức hôm 15-3

Tuy nhiên, việc làm thay đổi xã hội là cần thiết bởi vì kẻ thù hiện nay là một kẻ vô hình. Paris đã trải qua cuộc tấn công khủng bố và chứng kiến 150 người thiệt mạng trong một đêm năm 2015 nhưng ông Dominique Moïsi lưu ý, “tội ác đó tàn bạo nhưng có thể thấy được trong khi cuối cùng, số người chết vì virus sẽ lớn hơn rất nhiều nhưng quan trọng là nó vô hình và chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm điều này”. Vì vậy, trong đợt dịch này, rất khó để các chính phủ thuyết phục được cách vận động dân chúng hành động vì lợi ích chung.

Chưa phải là ngày tận thế

Những ngày này chưa phải là ngày tận thế, nhưng tâm trạng của mọi người thật ảm đạm. Đôi khi, bầu không khí được khuấy động bởi những hành động đáng ngạc nhiên của tính nhân văn và đoàn kết.

Một phụ nữ Italia ở Rome đang ở nhà cùng chồng và các con sẵn sàng điền vào mẫu yêu cầu của cảnh sát về lý do đi ra đường mua đồ tạp hóa, cô đang cố gắng nhìn nhận ra khía cạnh tích cực của việc kiểm dịch. Những người khác cũng thêm thời gian dành cho con cái và gia đình, dù có thể chỉ là thăm hỏi người thân qua màn hình điện thoại.

Trong những ngày phong tỏa vì Covid-19, người Italia ra ban công hát hò để cổ vũ tinh thần cho nhau

Người Italia đã đồng thanh hát với nhau từ ban công của mỗi nhà và cùng cổ vũ cho các nhân viên y tế đang kiệt sức vì cứu người. “Việc làm đó làm cho con người ta không còn cảm thấy bị tách biệt nữa. Mọi người sợ nhưng phần lớn vẫn thể hiện trách nhiệm và sự đoàn kết. Thông điệp được đưa ra ẩn chứa niềm vui và sự chia sẻ trong cộng đồng”, bà Nathalie Tocci nhận xét.

Ngay cả trên con đường Brussels buồn tẻ và trống rỗng, người ta cũng treo một lá cờ Ý từ cửa sổ căn hộ. Trong các cửa hàng tạp hóa, mọi người đi lại âm thầm và thận trọng tránh nhau. Họ vẫn giao tiếp với nhau nhưng trong sự sợ hãi mơ hồ.

Hải Yến (Theo New York Times)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nguoi-chau-au-dung-bien-gioi-chong-covid19-nhung-ke-thu-da-o-san-ben-trong/846778.antd