Người 'chắt' vàng từ đất

Anh Nguyễn Văn Khéo (SN 1965, hội viên hội nông dân xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên) bắt đầu khởi nghiệp làm kinh tế từ năm 1988 trong điều kiện hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn…

Thế nhưng, với tính cần cù, thông minh, chịu khó, ngoài công việc phục vụ ở Ủy ban nhân dân xã, anh không quản sớm tối phát quang bụi rậm, dọn cỏ quyết tâm cải tạo hơn 2 sào đất bỏ hoang xung quang khu vực trụ sở Ủy ban, với ý định ban đầu là mua cây giống hoa, quả, củ về trồng thử nghiệm.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu anh trồng những cây hoa màu ngắn ngày như rau thơm, bắp cải, su hào, cà chua... Anh Khéo bộc bạch: “Lần đầu mày mò trồng các loại rau, củ thực phẩm, tôi phải lên tận Đại Lan, Đông Mỹ mua giống, nhưng chủ yếu để học hỏi kinh nghiệm. Khi bắt đầu gieo hạt, tôi bồi hồi chăm nom chẳng khác gì nhà giàu chăm cậu ấm, cô chiêu”.

Những giọt mồ hôi của anh Khéo đổ xuống mấy sào vườn được trả công xứng đáng. Những lứa rau thơm, su hào, bắp cải xanh non, những quả cà chua mọng đỏ của vợ chồng anh đã có mặt ở khắp các phiên chợ vùng quê. Tiếng tăm mảnh vườn của anh Khéo có những giống rau chất lượng cao đã bắt đầu bay xa.

Từ mấy sào vườn bỏ hoang khi xưa, nhờ bàn tay tần tảo và ý chí ham học hỏi của anh Khéo đã trở thành khu vườn ươm cây giống hoa màu, rau, củ, quả bán cho các hộ nông dân quanh vùng. Tám năm lăn lộn với vườn ươm cây giống, vợ chồng anh Khéo đã có bát ăn, bát để. Nhưng quý hơn cả là những cây rau, củ, quả của đồng màu đã “đứng chân” được ở vùng chiêm trũng. Và ý chí quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương luôn thúc giục anh từng ngày, từng giờ.

Đến tháng 4/1996, vừa tròn độ tuổi “tam thập nhi lập”, anh Khéo đã thầu lại khu vườn rộng 1 mẫu 8 sào của các cụ ở xã Hồng Minh. Đây là khu vườn các cụ trồng táo và vải thiều nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Khi chưa tìm được câu trả lời, anh bắt đầu trồng thử đu đủ, hoa huệ. Hai năm đầu do chưa có kinh nghiệm, nên thất thu nặng, chuột bọ, sâu bệnh phá hoại trên diện rộng...

Không nản chí, anh bỏ hết cây giống cũ và thay thế bằng hoa hồng, hoa cúc. Anh lấy giống ở vùng hoa chất lượng cao như làng Đăm, Tây Tựu, Mê Linh, Đan Phượng. Kết quả thật khả quan, vườn hoa nhà anh Khéo đã níu kéo được chân khách thập phương, ai qua đường cũng phải trầm trồ khen đẹp. Mùa thu hoạch, rất đông bạn hàng nhiều nơi về mua. Lãi từ hoa gấp 4 - 5 lần trồng lúa và các loại rau củ khác. Kinh tế gia đình anh bắt đầu khá giả, tiếng tăm anh Khéo cũng từ đó bay xa.

Nhưng nghiệp làm vườn luôn thúc giục anh phải tiếp tục tìm tòi sáng tạo, để “tấc đất phải hóa tấc vàng”. Và cơ duyên đã đưa anh thành ông chủ bưởi Diễn có tiếng hôm nay... Trong lần lên thăm chú ruột ở Phúc Lý cách Diễn 3km, anh được nếm vị ngọt, mát, thơm rất lạ của bưởi Diễn. Trong đầu anh lóe lên một ý nghĩ: Mang giống bưởi Diễn về trồng thử trên đồng đất quê hương. Nghĩ là làm. Anh mua giống bưởi chiết cành ở Diễn về trồng trên 8 sào vườn.

 Anh Nguyễn Văn Khéo đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình

Anh Nguyễn Văn Khéo đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình

Hành trang anh mang cùng cây bưởi là cuốn sổ nhỏ ghi tỷ mỉ cách chăm sóc và kỹ thuật phòng bệnh cho cây. Dồn hết tâm huyết vào giống bưởi quý này anh mới hiểu thế nào là câu: “chín tháng trông cây, một ngày trông quả”. Thật kỳ diệu, cây bưởi Diễn rất thích hợp với thổ nhưỡng vùng Phú Xuyên. Cây lớn nhanh, xanh tươi, xòe tán, ra hoa, kết trái. Mùa hái quả lứa đầu tiên, niềm vui tràn ngập trong gia đình. Anh Khéo nói đùa với bà con: Hôm nay nhà tôi sinh được quý tử!

Chất lượng quả bưởi không khác gì ở Diễn. Múi bưởi to, tôm mọng, lượng nước trong múi bưởi còn nhiều hơn ở chính vùng nó được sinh ra. Trồng được bưởi đã mừng, nhưng còn giá cả, làm thế nào để người tiêu dùng chấp nhận, khi giá một quả bưởi Diễn đắt gấp 4 - 5 lần quả bưởi ở quê anh?

Đầu tiên, anh Khéo phải mang bưởi đi bán ở Hà Đông - Hà Nội. Còn ở Phú Xuyên, anh chỉ ký gửi hàng, thậm chí còn mời khách thưởng thức. Thế rồi “hữa xạ tự nhiên hương” - tin anh Khéo có giống bưởi Diễn quý lan khắp vùng. Một số người làm vườn, chủ trang trại đã tìm về học hỏi và mua giống. Đầu tiên là người trong huyện, sau đó là những trang trại ở Hà Nam, Ứng Hòa, Mỹ Đức... nhất là trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới, với chủ trương dồn điền đổi thửa, các cây, con, giống mới được ưu tiên đưa vào dần dần thay thế vùng đất thuần nông.

Những năm đó ở Phú Xuyên đua nhau trồng “bưởi Diễn nhà Quý - Khéo”. Hiện nay, mỗi năm trang trại của anh cung cấp hàng vạn cây giống cho các hộ nông dân. Cây giống của anh đã được xử lý trước khi đưa vào trồng nên tỷ lệ cây sống và thụ quả rất cao, chất lượng quả tốt. Khách đến mua giống luôn được anh hướng dẫn tỷ mỉ cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, vun xới.

Anh Khéo còn nhận thu mua bưởi Diễn giúp bà con nông dân, cung cấp cho các đại lý lớn. Giờ đây người tiêu dùng đã quen thuộc với giá cả, chất lượng bưởi Diễn Phú Xuyên. Anh Nguyễn Văn Khéo còn vui vẻ, sẵn sàng cung cấp cây giống cho những hộ nghèo, khi thu hoạch, mua giúp sản phẩm và lúc đó mới thu tiền cây giống.

Hiện nay giống bưởi Diễn của trang trại nhà Quý Khéo đã vào tận miền Trung, tương lai còn đi xa hơn nữa. Khi cung cấp giống cho các vườn trại, bất kể xa hay gần anh đều đi đến tận nơi hướng dẫn cách trồng, chăm sóc để cho cây bưởi có chất lượng quả tốt nhất. Anh hướng dẫn tỷ mỉ cách chăm sóc, xử lý từ khi đặt cây xuống đất đến khi ra hoa, thụ quả anh vẫn thường xuyên đến thăm. Anh được các bạn làm vườn quý mến...

Gần 20 năm miệt mài cải tạo, nhân giống cây bưởi Diễn cho phù hợp với đất Phú Xuyên, người nông dân “chắt” vàng” từ trong đất ấy nhiều năm liên tục được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Phong Vũ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-chat-vang-tu-dat-89961.html