Người chăn nuôi 'vỡ trận' khi giá thịt heo lại giảm

Sau một thời gian tăng giá nóng, giá heo bất ngờ quay đầu giảm và chững lại. Có thể nói, chưa bao giờ người chăn nuôi heo lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay.

Giá heo hơi (lợn) từ 19.000 đồng nhảy vọt lên 47.000 đồng rồi bất ngờ quay đầu đi xuống là cho nhiều người chăn nuôi điêu đứng vì những diễn biến khó lường của thị trường giá thịt heo. Nhiều chuyên gia và những thương lái lâu năm cũng không thể dự đoán được trong thời gian tới giá heo hơi sẽ lên hay xuống.

Nhận định về hiện tượng giá heo lên “cơn sốt” sau đó lại quay đầu giảm gần đây, TS Lã Văn Kính - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, sau 8 tháng giá lợn liên tục giảm xuống và đứng ở mức quá thấp, thì việc tăng giá trở lại trong những ngày qua là bình thường.

Trưởng phòng thương mại Sở Công thương Đồng Nai ông Lục Văn Thủy cho biết, giá lợn tăng đột biến thời gian qua, không phải do các “ông lớn” là các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô cùng “bắt tay” đẩy giá thị trường lên cao bởi lợn hiện được nuôi chủ yếu trong các hộ dân là chính. Nguyên nhân của “cơn sốt” giá vừa qua là do nhu cầu của thị trường, sau đó giá tiếp tục chững lại do cung cầu đã về mức cân bằng. Với giá hiện tại người chăn nuôi mới chỉ hòa vốn, tuy nhiên, hiện phần lớn heo của các hộ chăn nuôi cá thể đã hết.

Còn theo TS Kiều Minh Lực - Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng giá lợn tăng bất thường rồi lại đột ngột giảm gần đây có nguyên nhân từ tâm lý của người chăn nuôi.

Giá heo hơi tăng nhanh và bất ngờ giảm khiến không ít hộ chăn nuôi lao đao.

Cụ thể, khi giá lợn hơi có dấu hiệu tăng liên tục sau chuỗi ngày dài “trượt giá”, nhiều người chăn nuôi có tâm lý giữ lợn lại để chờ giá cao hơn nữa mới bán. Điều này đã dẫn tới việc nguồn cung trên thị trường bị giảm nhiều, xảy ra tình trạng khan hiếm lợn hơi ở một số thời điểm, kết quả khiến cho giá lợn hơi liên tục bị đẩy lên.

Tuy nhiên, do tăng quá nhanh, nên khi tăng lên đến một mức nào đó, giá lợn hơi không thể tăng thêm nữa. Lúc này nhiều hộ mới ồ ạt bán ra, khiến nguồn cung lớn hơn, giá lợn hơi giảm xuống.

Chị Hoàng Thị Trang, một người chăn nuôi ở Đồng Nai, cho biết: "Tôi mới nuôi heo được ba năm, những năm trước giá heo khá ổn định, đem lại nguồn thu cho gia đình. Tuy nhiên từ cuối năm ngoái đến nay giá heo hơi xuống quá thấp khiến bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào gần 500 con heo nay chẳng con bao nhiêu. Gia đình đã đầu tư khá nhiều vào hệ thống chuồng trại nếu giờ mà không nuôi nữa cũng phí, nhưng nếu tiếp tục duy trì đàn heo thì chúng tôi phải đi vay ngân hàng để có sức mà tiếp tục".

Theo ông Dương Minh Dũng – Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, khi giá heo hơi tăng cao, một số trang trại, hộ chăn nuôi hạn chế bán ra để chờ giá tăng nữa. Điều này khiến giá cả thị trường không ổn định, tạo khan hàng ảo trong khi đàn heo thịt vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Về lâu dài, không chỉ ở Đồng Nai mà các nơi khác cần phải có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tốt bài toán cung – cầu trong chăn nuôi, tránh lặp lại tình trạng phải “giải cứu” thịt heo như vừa qua.

Hiện tổng đàn heo ở Đồng Nai chỉ còn khoảng 1,6 triệu con, giảm 600.000 con so với thời điểm tháng 11/2016. Ông Phan Minh Báu – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi phân tích tình hình, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ kiểm tra thực tế việc tái đàn ở các trang trại trên địa bàn.

Cùng với heo hơi, giá heo hậu bị và heo giống tại Đồng Nai cũng không ngừng tăng nhiệt trong thời gian qua khiến các hộ chăn nuôi có ý định tái đàn phải cân nhắc. Cụ thể, giá heo giống đã tăng lên sát mức 2 triệu đồng/con, có nơi cao hơn.

Theo TS. Lã Văn Kính – Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dù tăng giá nhưng nhiều nơi cung ứng heo giống vẫn chưa đạt mức tiêu thụ tốt vì người nuôi vẫn đang suy tính có nên tăng đàn vào thời điểm này hay chưa?

Trong một diễn biến mới nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa có báo cáo tài chính cho thấy khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay, lên đến 33 tỷ đồng trong quý II năm 2017 do giá thịt lợn giảm.

Theo giải trình của Dabaco, quý II vừa qua là thời điểm khó khăn nhất của ngành chăn nuôi. Giá bán heo hơi giảm sâu khiến sụt giảm về giá bán thức ăn dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia công giảm so với quý II năm trước. Giá bán xuống thấp khiến người chăn nuôi lưỡng lự trong việc tái đàn làm ảnh hưởng đến doanh thu từ việc bán con giống của Dabaco.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nguoi-chan-nuoi-vo-tran-khi-gia-thit-heo-lai-giam-203338.htm