Người cha nghèo 'truyền lửa' thoát nghèo

'Vợ chồng tôi vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó nên rất thấm thía thế nào là nghèo do thất học. Vì vậy, tôi quyết tâm bằng mọi giá con cái mình phải được học thành tài, học để thoát nghèo và để nuôi được bản thân'. Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Đình Phú- xóm Phúc Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông được biết đến là điển hình gia đình văn hóa, gia đình hiếu học của mảnh đất Xứ Nghệ này.

Gia đình ông Phú được làng xóm và người trong xã coi là tấm gương học tập về gia đình hiếu học, văn hóa.

Định hướng đúng cho các con

Nhìn vào thành tích học tập sau của các con ông, hẳn mọi người không khỏi trầm trồ. Người con cả trong gia đình là anh Nguyễn Đình Ninh (sinh năm 1982) - Đại học Hàng hải, hiện là giảng viên, kiêm Trưởng phòng, kiêm Bí thư đoàn trườngTrường Cao đẳng Việt Hàn.

Người con thứ hai là Nguyễn Đình Phương (sinh năm 1984)- Học viện phòng không không quân, hiện là Đại úy công tác tại Lữ đoàn phòng không 283, Quân khu 4.

Con trai thứ ba là Nguyễn Đình Hồng (sinh năm 1987) - Đại học Thủy lợi, hiện làm ở Tổng Công ty 36- Bộ quốc phòng.

Và anh con trai út là Nguyễn Đình Tiến (sinh năm 1989) - Đại học Giao thông Hà Nội, hiện giờ đang công tác tại Công ty Vận tải biển Vinafco- Hồ Chí Minh(chi nhánh Hà Nội)

Sinh 4 cậu con trai, nuôi được đã là vất vả khi thu nhập gia đình chỉ trông vào bốn sào ruộng (tính cả đất khai hoang), vậy mà ông Phú vẫn luôn nhen nhóm ở các con "sự học". Ông luôn căn dặn các con "cha mẹ nghèo, không có tài sản gì để lại cho các con và con của các con, nhưng sẽ cố gắng cho các con cái chữ để làm cần câu nuôi sống bản thân mình".

Biết rằng, các con lúc ấy đang còn nhỏ, chưa hiểu hết ý nghĩa lời nói của mình,nhưng ông Phú cùng với vợ mình - bà Phạm Thị Đào - vẫn luôn sát cánh từng con chữ với các con.

Bốn anh em sàn sàn bằng tuổi nhau, cách nhau chỉ một đến ba năm vì thế, để rèn cho các con tự lập trong học tập và sinh hoạt là cả một vấn đề. Đến giờ trong tâm trí của anh Nguyễn Đình Ninh vẫn nhớ như in hình ảnh cha mình như một vị tướng chỉ huy anh em xếp hàng rửa mặt vào ăn cơm hay tối đến phải tự lại góc học tập của riêng mình.

Bà con xóm Phúc Sơn đã quá quen thuộc với hình ảnh bốn người con của ông Phú cứ hè về là đi gặt lúa, đóng táp lô, dù bằng tuổi đó, bạn bè của chúng chỉ biết đi chơi hay đá bóng. "Ngày ấy thấy bạn bè được đi chơi, anh em chúng em cũng tủi thân và xấu hổ. Nhưng giờ nghĩ lại, mới thấm thía chỉ có lao động mới rèn luyện phẩm chất của con người" - lời anh Nguyễn Đình Hồng xúc động khi chia sẻ về những ngày tháng được "tôi luyện" dưới "trướng"của mẹ cha.

Với một gia đình nông dân, nuôi một đứa con học đại học đã là cả vấn đề. Đằng này, nhà ông Phú có tận bốn đứa, lại sát kề nhau. Người trong xóm cũng như các con ông không lý giải được vì sao vào thời điểm anh con đầu học năm cuối, anh nhì học năm ba, anh thứ ba vào năm một, chàng út lớp 12, ông Phú bà Đào xoay xở đâu ra tiền để trang trải học tập cho chúng?

Khi được hỏi điều này, bà Đào cười trong nước mắt " dạo đó, cả tháng vợ chồng tôi không biết mùi thịt cá, không dám bước ra chợ dù chợ rất gần". Sự tằn tiện, tích cóp, hy sinh vì con là câu trả lời cho sự thành công mà các con ông Phú đạt được như ngày hôm nay.

Muốn con ngoan, cha mẹ phải làm gương

 Gia đình ông Phú được biểu dương “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học toàn tỉnh Nghệ An năm 2007

Gia đình ông Phú được biểu dương “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học toàn tỉnh Nghệ An năm 2007

Chia sẻ bí quyết trong việc dạy dỗ con cái, ông Phú khiêm nhường cho rằng: " Muốn con ngoan, cha mẹ phải làm gương, từ lao động đến sinh hoạt, kể cả quan hệ với xóm làng. Chúng tôi không dư giả nhưng luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất từ vật chất đến tinh thần để các con tự giác và say mê học tập. Trong giáo dục, không đòn roi nhưng nghiêm khắc, không nuông chiều, không phân biệt con đầu hay con út, vì con nào cũng là con.

Kiến thức của cha mẹ có hạn nên tìm thầy giỏi, bạn tốt để con học hỏi. Động viên quan tâm kịp thời mỗi khi các con có những thay đổi bất thường về tâm sinh lý. Đặc biệt, luôn liên lạc với thầy cô để biết được sức học của các con, từ đó định hướng nghề nghiệp cho phù hợp.Và điều cuối cùng, luôn để các con vừa học tập vừa lao động (tìm những công việc phù hợp) để bốn đứa biết và quý trọng sức lao động của cha mẹ".

Chính từ quan điểm đúng đắn của cha mẹ, mà các con ông Phú rất tự lập để tự thân lập nghiệp. Điều đáng quý, đáng tôn trọng hơn nữa là cả bốn anh em sống nề nếp và yêu thương nhau. Dù giờ đây, bốn anh em đều đã có gia đình ổn định, cuộc sống khá sung túc, nhưng họ vẫn gữ được lối sống hòa đồng, kính trên nhường dưới, một lời anh cả, hai lời anh cả, và có dịp,lại về quây quần bên cha mẹ như một sự tri ân với những ngày tháng nhọc nhằn.

Dù hiện tại, sức khỏe không được tốt do mang trọng bệnh (ung thư tuyến giáp), mọi người vẫn luôn thấy nụ cười lạc quan trên gương mặt ông Phú. Ông nói rằng: "cả đời gắn liền với những chuyến xe đưa các con đi thi, giờ đến lượt tôi làm thí sinh vượt qua kỳ thi giữa bệnh tật với chính mình. Các con tôi về đích tốt, tôi là cha mà không qua được thì cháu tôi nó cười cho à?!".

Sống có trách nhiệm với bản thân, với vợ con và các cháu là điều đáng trân trọng nhất của người cha ấy. Đúng như nhận xét của anh Thái Viết Điệp - cán bộ văn hóa xã Nghi Vạn - Nghi Lộc - Nghệ An khi nói về ông Phú :' Cả xã tôi, không ai không biết và kính trọng gia đình ông Phú. Ông là hiện thân của một người truyền cảm hứng, nhiệt huyết đam mê học tập không chỉ với con cái mình mà còn với các cháu học sinh trên địa bàn xã nhà. Chúng tôi tự hào vì có ông".

Quỳnh Lâm

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nguoi-cha-ngheo-truyen-lua-thoat-ngheo-3278542-c.html