Người canh mưa lũ ở miền Tây Thanh Hóa: Bài cuối-Bước tiến dài về hiện đại hóa

Từ năm 2012 đến nay Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đẩy mạnh việc thực hiện công tác hiện đại hóa ngành.

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020; từ năm 2012 đến nay Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đẩy mạnh việc thực hiện công tác hiện đại hóa ngành, trong đó chú trọng đầu tư cho khu vực Bắc Trung Bộ.
* Minh chứng sống động
Ngay từ năm 2012, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đã được đầu tư trọng điểm để lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống các trạm đo mưa tự động, sử dụng thiết bị của Hàn Quốc. Hệ thống bao gồm 49 trạm sử dụng phương thức truyền tin bằng GPRS/GSM (hệ thống liên tục được kiểm tra rà soát để đảm bảo truyền tin thông suốt).

Nước sông dâng cao tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Nước sông dâng cao tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Đồng thời, Đài đưa vào khai thác 3 trạm Hải văn tự động để đo đạc, truyền tin các yếu tố hải văn phục vụ công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, hiện tại hệ thống hoạt động tương đối ổn định.
Mặt khác Tổng cục đã đầu tư và đưa vào khai thác 11 trạm đo gió truyền số liệu tự động vùng ven biển phục vụ công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới hiện tại. Khai thác chính thức trạm ra đa thời tiết JMA - 272, thuộc dự án ODA không hoàn lại của Nhật Bản.

Chế độ quan trắc và dữ liệu của ra đa này được tự động phân phối về Đài khu vực, Đài Khí tượng cao không, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Trung tâm Thông tin và dự liệu khí tượng thủy văn. Đài cũng đưa vào hoạt động chính thức 1 Trạm Thám không vô tuyến theo phương thức thu nhận truyền dữ liệu tự động phục vụ công tác thu thập số liệu khí tượng trên cao.
Đặc biệt, năm 2017, Hợp phần 2 “Tăng cường hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm”- Dự án Quản lý thiên tai ở Việt Nam (WB5) đã đầu tư, lắp đặt hệ thống trạm khí tượng thủy văn tự động, bao gồm 82 khí tượng thủy văn bằng thiết bị châu Âu (43 trạm đo mưa độc lập thay thế các trạm đo mưa nhân dân trước đây, 17 trạm mực nước và mưa; 22 trạm khí tượng). Hiện tại đã lắp đặt xong đang trong thời gian thử nghiệm chưa đưa vào hoạt động chính thức, số liệu được truyền về Đài khu vực theo hình thức GPRS với dạng số liệu thô.
Đài cũng đang xây dựng đề án tự động hóa đo lưu lượng nước, lưu lượng chất lơ lửng theo nguyên lý không tiếp xúc tại Trạm Thủy văn cấp I Cẩm Thủy để thay thế phương pháp đo thủ công như hiện nay.

Nếu phù hợp với điều kiện dòng chảy tại các sông thuộc khu vực, sẽ triển khai và dần thay thế các trạm còn lại và đầu tư cho các trạm mở mới. Ngoài ra, Đài đã phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác các hồ chứa nước lớn của các công trình thủy điện trên khu vực xây dựng, lắp đặt và khai thác chung mạng lưới trạm đo mưa tự động dùng riêng, phục vụ cho công tác dự báo lũ và công tác vận hành hồ chứa nước.

Đài cũng phối hợp xây dựng, vận hành hệ thống truyền tin tự động từ Đài khu vực đến các đơn vị sử dụng nguồn số liệu khí tượng thủy văn đảm bảo ổn định
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ Nguyễn Văn Lượng cho biết: Hiện công tác dự báo khí tượng thủy văn trên khu vực Bắc Trung Bộ được tổ chức thành 2 cấp. Đó là cấp khu vực do Phòng dự báo khí tượng thủy văn thực hiện; cấp tỉnh do Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thực hiện. Nhân lực tại Phòng dự báo Đài Khu vực và 2 Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh bố trí đầy đủ về số lượng, trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chỉ tính riêng 2 Trạm Thủy văn Mường Lát và Hồi Xuân, đội ngũ cán bộ đa số là kỹ sư chuyên ngành, hàng năm đều được tập huấn tại Tổng cục để nâng cao nghiệp vụ.
Nhờ đó, công tác dự báo thời tiết trong điều kiện bình thường và dự báo, cảnh báo thiên tai trong điều kiện khí tượng thủy văn nguy hiểm ở Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đã có những bước tiến dài.

Ngoài việc duy trì chế độ trực 24/24 và đảm bảo tính kịp thời trong việc phát hành bản tin, chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, nắng nóng, không khí lạnh, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… cũng được nâng cao hơn rất nhiều.

Việc liên kết, phối hợp với những cơ quan liên quan để làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cũng được duy trì và đẩy mạnh.
* Từng bước kiên cố hóa hệ thống trạm
Bên cạnh việc hiện đại hóa hệ thống khí tượng thủy văn của ngành, trong những năm gần đây Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã nỗ lực huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước tiến hành xây mới, nâng cấp các trạm khí tượng thủy văn trọng điểm

. Đó là Trạm Thủy văn Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) vừa được xây dựng mới kiên cố khang trang, gồm 12 danh mục với nhà làm việc và công vụ, hạ tầng kỹ thuật và công trình chuyên môn, từ nguồn vốn Dự án Hợp phần 2 “Tăng cường hệ thống dự báo và cảnh báo sớm”, thuộc Dự án “Quản lý thiên tai ở Việt Nam” do WB (Ngân hàng Thế giới) tài trợ.
Kỹ sư Nguyễn Thị Hải Yến 26 tuổi, là người trẻ nhất trong số 5 cán bộ của Trạm Hồi Xuân xúc động cho biết: “Em không thể tin nổi nơi làm việc của mình lại có ngày được xây dựng hoành tráng như thế này. Điều ấy giúp mọi người trong Trạm tự tin và gắn bó với nghề của mình hơn”. Hỏi ra với biết, Kỹ sư Yến là thế hệ thứ hai tiếp bước theo người bố của mình làm nghề “canh gác mưa lũ” nơi vùng đất nghèo nơi thượng nguồn sông Mã này.
Trong niềm vui trào dâng trong buổi khánh thành và đưa vào sử dụng công trình, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Hồi Xuân Nguyễn Anh Bằng cao hứng kể về một kỷ niệm “thật như bịa”. Đó là năm 2006, anh cũng các quan trắc viên của Trạm tiến hành khảo sát thủy văn trên khúc sông Luồng thuộc xã Sơn Thủy bằng phương tiện khá hiện đại đo lưu tốc ký.

Đặc biệt, phương tiện này rất giống quả bom thu nhỏ, nên đồng bào địa phương tưởng nhóm của Trạm là “gián điệp, biệt kích đang tiến hành cài đặt bom” đã mật báo cho Bộ đội Biên phòng. Đang mải mê đo đạc, anh Bằng và cả nhóm tá hỏa khi bất ngờ bị súng của lực lượng Biên phòng gí vào mang tai. Sự việc sau đó nhanh chóng được làm sáng tỏ, nhưng phải mất đôi tiếng đồng hồ anh em mới trấn tĩnh lại.
Cũng tương tự như Trạm Thủy văn Hồi Xuân, Trạm Thủy văn Mường Lát ngự trên một của đồi lộng gió, so với Trạm cũ gần đó thì khác nhau “một trời một vực” vì hội tụ đủ mọi yêu cầu đặt ra đối với người làm nghề khí tượng thủy văn, như máy móc phương tiện hiện đại-nhà làm việc và nhà công vụ kiên cố-có chỗ ăn nghỉ thuận tiện cho quan trắc viên.

Theo lời Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát Lê Xuân Tình: “Đây là những yếu tố cần thiết để anh chị em ở Trạm “an cư lạc nghiệp”, sẵn sàng bám trụ lâu dài và trên thực tế không ít cán bộ đã chọn vùng đất xa xôi gian khó này là “tổ ấm” của mình.
Tuy vậy, với tác động của biến đổi khí hậu cũng như diễn biến khó lường của các loại hình thiên tai đã và đang đặt ra cho Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ nói riêng, cũng như ngành khí tượng thủy văn nói chung phải liên tục đổi mới, hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu của công nghệ và nhu cầu ngày càng cao của xã hội đối với ngành. Trong đó có đội ngũ cán bộ các trạm miền Tây Thanh Hóa đang nỗ lực nâng cao nghiệp vụ, lặng lẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bất kể cuộc sống còn nhiều gian lao/.

Văn Hào/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nguoi-canh-mua-lu-o-mien-tay-thanh-hoa-bai-cuoi-buoc-tien-dai-ve-hien-dai-hoa/115019.html