Người canh giữ 'giấc ngủ' cho đồng đội

Tháng 7, giữa cái nắng như thiêu như đốt của miền gió Lào cát trắng, chúng tôi bắt gặp người cựu binh già trong bộ quân phục màu xanh vẫn đang miệt mài nhổ từng bụi cỏ, thắp từng nén nhang trên từng ngôi mộ 'không tên' như chăm sóc cho phần mộ của người thân mình. Ông là Phan Tư Kỳ (sinh năm 1953, làng Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), người canh giữ 'giấc ngủ' cho gần một ngàn liệt sĩ hiện đang an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch.

Hơn 15 năm qua, ông Phan Tư Kỳ vẫn lặng lẽ canh giữ “giấc ngủ” cho gần một ngàn liệt sĩ hiện đang an táng tại Nghĩa trang xã Triệu Trạch. Ảnh: Vân An

Hoài niệm Dũng sĩ Phan Tư Kỳ

Dáng người dong dỏng cao, theo thời gian làn da đồi mồi đã hằn lên nhiều nếp nhăn, ông Phan Tư Kỳ nhoẻn cười hiền hậu khi thấy chúng tôi. Cũng giống như bao lớp người cùng thế hệ ngày ấy, ngay từ khi còn là một cậu bé, Phan Tư Kỳ đã tham gia vào việc đưa thư, giúp đỡ cán bộ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Năm 1968, cậu thiếu niên Phan Tư Kỳ tròn 15 tuổi, bị địch bắt giam 9 tháng khi đang làm tại Văn phòng Ủy ban kháng chiến xã Triệu Trạch với tội danh “Tình nghi hoạt động cho cộng sản”. Những lần giặc càn quét, truy lùng các chiến sĩ cách mạng vùng chiến trường Bình - Trị - Thiên về sau, không ít lần ông Kỳ bị bắt, bị bỏ tù, nhưng dù bị những đòn roi thừa sống, thiếu chết hay những lời dụ dỗ ngon ngọt của giặc, ông vẫn không hé lộ nửa lời. Ra khỏi tù, người chiến sĩ bền gan và dạn chí trong chiến trận ấy lại tiếp tục quay trở về hoạt động cách mạng.

Từ năm 1972 - 1975, Phan Tư Kỳ đã tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân du kích xã chiến đấu 84 trận, trong đó có 17 trận hợp đồng chiến đấu với các đơn vị chủ lực, đánh tập kích tiêu diệt địch. Qua đó, đã cùng với đồng đội tiêu diệt trên 800 quân địch, bắn cháy 18 chiếc xe bọc thép và 3 máy bay địch. Dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu nên ông Phan Tư Kỳ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; 8 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ, trong đó, 5 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ ưu tú và 3 lần đạt Dũng sĩ diệt xe cơ giới...

Hòa bình lập lại, ông Phan Tư Kỳ vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Được sự tín nhiệm của người dân và chính quyền địa phương, ông đã đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng như Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch, Bí thư Đảng ủy xã, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Giám đốc Công ty quản lý thủy nông Nam Thạch Hãn... Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1992, khi tuổi già đến cộng với những lúc trái gió trở trời, vết thương xưa lại tái phát khiến sức khỏe xuống dốc nên ông Kỳ xin nghỉ hưu sớm.

Ấm tình đồng đội

Những tưởng ông về hưu sẽ dành thời gian vui vầy bên con cháu, thế nhưng người dân địa phương vẫn thấy ông Kỳ hằng ngày cặm cụi ra thắp hương, nhổ cỏ ở Nghĩa trang xã Triệu Trạch. Thậm chí, có một thời gian, ông còn dựng lán trại gần đó để ở cho tiện bề chăm sóc các phần mộ liệt sĩ. Thấy vậy, nhiều người xì xào, bảo ông già rồi mà còn thích “đeo gông vào cổ”, nhưng ông Kỳ chỉ mỉm cười và bảo: “Tôi may mắn còn sống mới được hưởng độc lập, tự do và xây dựng hạnh phúc gia đình. Cho nên tôi nghĩ, người thương binh “tàn nhưng không phế”, hằng ngày, tôi đến thắp nén tâm nhang cho các đồng đội yên giấc nơi chín suối và thêm ấm lòng thân nhân của các anh. Đó là tâm nguyện suốt đời của tôi”.

Vậy là từ đó, ông Kỳ luôn xem việc thăm nom, hương khói các phần mộ như một phần cuộc sống của mình. Trong suốt hơn 15 năm, hầu hết thời gian rảnh rỗi, ông đều lui tới nghĩa trang để nhổ cỏ, nhặt từng cái rác, quét dọn xung quanh khuôn viên rồi đi kiểm tra các phần mộ... Từ ngày có bàn tay chăm sóc của ông, các ngôi mộ bớt phần cô quạnh, khuôn viên nghĩa trang trở nên sạch sẽ và trang nghiêm hơn. Hôm tôi đến thăm ông Kỳ cũng gặp gia đình anh Nguyễn Hữu Quý, người Thanh Hóa, vào thắp hương cho anh trai là liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang xã Triệu Trạch. Không giấu được vẻ xúc động, anh Quý bộc bạch: “Nhìn những phần mộ được bác Kỳ dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng khiến tôi cảm động không nói nên lời. Tấm lòng của bác như bông hoa đẹp giữa đời thường vậy, tôi vô cùng biết ơn bác đã chăm lo cho các phần mộ liệt sĩ cũng như anh trai tôi”.

Đến bây giờ, ông Kỳ đã quen thân từng phần mộ đến mức có nhắm mắt ông vẫn có thể đến đúng nấm mộ cần tìm. Bởi vậy, khi có các đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, các đoàn khách hay gia đình các liệt sĩ tới thăm viếng, ông kiêm luôn trọng trách chỉ dẫn cho họ từng ngôi mộ. Quãng thời gian làm “nghề” quản trang, ông Kỳ không hề nhận bất cứ một khoản trợ cấp, đãi ngộ nào, bởi ông luôn tâm niệm rằng “mình làm xuất phát từ cái tâm chứ không phải vì đồng tiền”. Mỗi tháng, chính quyền xã cũng hỗ trợ từ 200 - 300 nghìn đồng để ông mua hương hoa thắp lên các phần mộ liệt sĩ trong các ngày mồng một, ngày rằm, lễ, Tết theo truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, số tiền đó thường bị thâm sang tiền túi của người lính già này.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 610 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nước nhà, trong đó có hơn 300 liệt sĩ chưa biết tên. Hầu hết các liệt sĩ ở đây đều chiến đấu ở chốt thép Long Quang, là một trong những địa điểm trọng yếu của chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Họ là những người kề vai sát cánh với ông Phan Tư Kỳ trong những tháng ngày tham gia chinh chiến. Là một nhân chứng “sống”, ông Kỳ luôn thấm thía sự hy sinh mất mát của đồng đội nên ngoài công việc tình nguyện kể trên, ông còn tìm mọi cách để sưu tầm tài liệu về những trận đánh, sự hy sinh của các liệt sĩ để cung cấp thêm thông tin cho gia đình các anh một cách thiết thực hơn.

“Tôi đã từng chiến đấu và phối hợp chiến đấu 84 trận, may mắn hơn đồng đội của mình là vẫn còn sống chứ không thì cũng giống như họ nằm trong mộ mà chưa biết tên. Tôi mong muốn chính quyền, các đơn vị tạo điều kiện làm thế nào có thể xét nghiệm ADN để các phần mộ chưa biết tên được rõ tên tuổi, danh tính. Như vậy, người thân cũng sẽ dễ bề tìm kiếm hơn, chứ các anh nằm đó mà không rõ là ai, đau lòng lắm”, ông Kỳ xúc động.

Trở về với cuộc sống đời thường, “chất lính” trong cựu binh Phan Tư Kỳ vẫn vẹn nguyên giữa thời bình. Hạnh phúc đối với ông không chỉ là được làm việc, được cống hiến, mà còn là niềm tự hào khi được góp sức mình làm vơi bớt nỗi đau thương của thân nhân, gia đình các liệt sĩ, cũng như canh giữ “giấc ngủ ngàn thu” cho đồng chí, đồng đội của mình.

Vân An

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-canh-giu-giac-ngu-cho-dong-doi/