Người cận vệ già và những ký ức không quên

Chia sẻ với chúng tôi, những ký ức về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại ùa về trong tâm trí người cận vệ thuở nào. Ông chính là TS. Trần Viết Hoàn - nguyên chiến sĩ công an trực tiếp bảo vệ Bác Hồ (1966 – 1969), nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Mỗi kỷ vật là một di sản quý báu

Dù đã gần 80 tuổi, mái đầu bạc trắng, sức khỏe yếu, nhưng khi kể những câu chuyện về Bác Hồ, ông dường như khỏe khoắn lạ thường. Câu chuyện cứ dài như không có hồi kết… Và, chúng tôi dần hiểu rằng, vì sao ông đã nguyện dành cả cuộc đời để được phục vụ Bác.

38 năm công tác, trong đó có 16 năm giữ cương vị giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, mọi người gọi ông là “ông Từ giữ đền”. Vì vậy, khi chúng tôi hỏi về kỷ vật nào mà ông ấn tượng và xúc động nhất về Bác, ông nói rằng, kỷ vật của Bác có rất nhiều, mỗi một kỷ vật là một hành trình lịch sử, một di sản vô cùng quý báu của quốc gia, của nhân dân. Ông vẫn còn nhớ như in những bữa cơm đạm bạc của Bác. Mâm cơm chỉ có bát canh, quả cà, có hôm thêm lát thịt hay cá kho. Trong lúc ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm nào. Bởi lẽ, Bác biết một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân.

 Ông Trần Viết Hoàn và cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời”

Ông Trần Viết Hoàn và cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời”

Hay kỷ vật về chiếc áo bông của Người. Theo lời kể của người cận vệ già, chiếc áo ấy do người dân tặng Bác, Bác mặc rất nhiều năm, mền bông đã xẹp, rách ở vai và đã vá một lần. Chiếc áo rách lần thứ hai, phục vụ xin phép thay chiếc áo mới nhưng Bác từ chối và nói: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”.

Một tư trang khác phải kể đến chính là đôi dép cao su. Đôi dép ấy Bác dùng đã nhiều năm, quai bị tuột, đế dép đã mòn vẹt, thế nhưng Bác không cho thay đôi mới. Bác nói: “Đôi dép cũ của Bác, các chú dùng đinh nhỏ đóng vào quai cho khỏi tuột, lấy miếng cao su khác vá vào gót, như thế là thay dép mới cho Bác rồi”.

Khi kể đến đây, chúng tôi thoáng thấy khóe mắt ông ngấn lệ, cảm xúc dường như vẫn vẹn nguyên lại ùa về trong ông. Ông vẫn nhớ, chiếc quạt lá cọ để đầu giường của Bác nằm. Chiếc quạt ấy do anh em bảo vệ chúng tôi cắt ở cây cọ ngoài vườn về làm quạt cho Bác. Ngày hè nóng bức, Bác lấy quạt lá cọ ra quạt chứ không dùng quạt máy. Bác bảo “Làm như vậy là để dành điện cho phục vụ sản xuất”.

Tấm gương soi cho muôn đời

Nhìn lên bức ảnh Bác, ông Trần Viết Hoàn dường như có thêm sức mạnh để tiếp tục câu chuyện xúc động về Bác, mặc dù trước đó, ông đã phải tạm dừng câu chuyện vì chứng huyết áp thấp tái phát. “Tôi có 2 kỷ niệm riêng với Bác đều là khi gánh nước để tưới rau. Lần thứ nhất, khi đang gánh nước, thấy Bác đi qua, tôi bèn lùi lại nhường đường cho Bác đi. Bác thấy vậy và liền bảo “này chú, việc của chú làm thì chú cứ làm, việc Bác đi Bác cứ đi, có ảnh hưởng gì đâu”. Lần thứ 2 cũng là gánh nước tưới rau và gặp Bác ở bên nhà sàn, tôi cũng lùi lại và đặt gánh nước xuống để chào và nhường cho Bác. Bác liền bảo “lần trước Bác đã nói với chú, chúng ta không cần phải câu nệ, từ nay trở đi, các chú phải bình đẳng và lần này Bác đã trực tiếp hỏi thăm gia đình, quê quán của bản thân tôi” - ông Hoàn kể trong niềm vui sướng xen lẫn tự hào.

Qua ánh mắt, lời nói của ông, chúng tôi như cảm nhận được sự thành kính, trân trọng của người lính cận vệ năm xưa dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bởi với ông, được ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mấy năm cuối đời của Người chính là niềm may mắn, vinh dự lớn nhất trong cuộc đời mình. Bản thân ông và các cận vệ khác đều cảm nhận rõ sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của người cha già đối với con cháu chứ không phải Chủ tịch nước với người lính…

Sau khi Người mất, ông là một trong số ít người may mắn được giữ lại, tiếp tục trông nom di tích Bác Hồ. “Mấy chục năm tôi được tiếp khách trong nước và quốc tế đến thăm nhà Bác, bất cứ ai khi đến thăm, thấy cuộc đời của Bác đều rút ra kết luận, Bác Hồ vĩ đại bởi vì Bác sống rất giản dị” - ông Trần Viết Hoàn nói và kể tiếp một chi tiết nữa về Bác, đó là ngôi nhà sàn Bác ở. Phòng ở, phòng làm việc của Người vuông vắn chỉ hơn 10m2. Nơi ở của Bác không sơn son, không thiếp vàng, không ngọc ngà châu báu, mà chỉ thấy ý tưởng trồng cây, trồng người; chỉ thấy chân lý dựng nước và giữ nước, thấy tinh thần toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Và chính nơi ở của Bác đã để lại đạo lý làm người cao cả: Đối với người cán bộ, đảng viên cần phải cần, kiệm, liêm, chính, lời nói đi đôi với việc làm.

Từ việc phục vụ cho Bác Hồ, giữ gìn nơi ở và làm việc của Bác, ông Trần Viết Hoàn thấy cuộc đời Bác thật vĩ đại và khi ra đi, Bác đã để lại một kho tàng đồ sộ và vô cùng quý báu. Vì vậy, ông đã viết cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời”, đây là tất cả những gì thể hiện tấm lòng tôn kính của người lính cận vệ năm xưa dành cho Bác. Ngoài ra còn có cuốn sách chuyên về bảo tàng “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trước khi ra về, ông có nhắn nhủ chúng tôi rằng, những lời dạy của Bác là sự kết tinh giá trị đạo đức, nhân văn, để con cháu mai sau học tập và noi theo…

Thu Phương - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-can-ve-gia-va-nhung-ky-uc-khong-quen-124525.html