Người cán bộ Kiểm sát tự rèn luyện bản thân theo lời dạy của Bác

Mười chữ vàng cán bộ kiểm sát phải: 'Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn' mà Bác Hồ đã căn dặn được xem như phương châm hoạt động và rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát và được đưa vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong tất cả các lĩnh vực công việc, con người luôn giữ vai trò quyết định sự thành bại, tồn tại và phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, một nhân cách trong sáng, thanh tao, suốt đời tận tụy vì nhân dân, vì Tổ quốc. Mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp nhân dân, Bác Hồ luôn có những lời nói về đạo đức cách mạng thật giản dị mà sâu sắc, thấm thía. Đối với ngành Kiểm sát, Bác căn dặn: “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Mười chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn ngành Kiểm sát nhân dân được xem như phương châm hoạt động và rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát và được đưa vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là công tác phát hiện vi phạm, tội phạm, đụng chạm đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người, do vậy, đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, phải tạo lập cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải như Bác Hồ đã từng nói: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.

Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác Hồ yêu cầu cán bộ Kiểm sát phải khách quan, thận trọng, phải xuất phát từ thực tế, dựa trên những căn cứ khoa học để phân tích kỹ lưỡng, toàn diện sự việc trước khi đưa ra các quyết định, tránh sai sót.

Đến nay, lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát vẫn còn nguyên giá trị và được xem là nội dung quan trọng để giảng dạy về đạo đức cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát; là tiêu chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi cán bộ Kiểm sát.

Để thực hiện lời Bác Hồ căn dặn năm xưa, từng cán bộ, công chức ngành Kiểm sát đều cố gắng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Thực tế cho thấy, với mỗi cán bộ, đảng viên, dù trưởng thành bao nhiêu, dù ở cương vị cao bao nhiêu thì vẫn phải rèn luyện, giữ mình nghiêm túc bấy nhiêu. Và sự rèn luyện, giáo dục tiên quyết chính là ý thức của mỗi cá nhân.

Tự rèn luyện là một dạng hoạt động thực tiễn mang tính độc lập, tự chủ và có tính tự giác cao. Đối với cán bộ, công chức, tự rèn luyện được xác định như sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giúp họ không ngừng nâng cao bản lĩnh, thể lực, khơi dậy tiềm năng trí tuệ và sự sáng tạo đáp ứng yêu cầu hoạt động trong các lĩnh vực. Hơn nữa, cán bộ, công chức muốn trở thành người lãnh đạo, chỉ huy, quản lý giỏi, có khả năng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng thì không thể thiếu vai trò nỗ lực, tích cực trong tự rèn luyện. Thông qua tự rèn luyện sẽ tạo ra được "cầu nối" giúp cho sự chuyển hóa giữa hệ thống tri thức khoa học đã được tích lũy trong học tập và công tác với thực tiễn cuộc sống, đồng thời làm cho hệ thống tri thức khoa học không ngừng được củng cố, bổ sung và phát triển.

Tự rèn luyện của cán bộ, công chức vừa khẳng định tính tự giác và sức mạnh nội sinh, vừa là yêu cầu đòi hỏi sức phấn đấu để có thể thích ứng được với cương vị, chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Tự rèn luyện của cán bộ, công chức là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi cao về tri thức, ý chí và nghị lực..., do vậy, cũng đòi hỏi cao về mặt phương pháp. cán bộ, công chức cần nâng cao khả năng vận dụng tri thức trong thực tiễn các hoạt động, trong quá trình tự phát triển hoàn thiện các phẩm chất nhân cách của mình. Mỗi cá nhân phải xác định tốt thái độ, trách nhiệm và đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của mình, kiên trì rèn luyện với tinh thần "khổ luyện thành tài", vượt lên trên hoàn cảnh, tìm ra các biện pháp rèn luyện phù hợp để không ngừng phát triển.

Tự rèn luyện của cán bộ, công chức phải được thực hiện trên tất cả các mặt, trong đó rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng là vấn đề có ý nghĩa hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Theo Người, đạo đức cách mạng phải được rèn luyện trên năm điều "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm". Đồng thời, phải đầu tư thích đáng nội dung tự rèn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; qua đó, tri thức chuyên môn, nghiệp vụ được củng cố, phát triển và chuyển hóa thành hành động thực tiễn. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức còn phải tự rèn luyện về thể lực và tâm lý để bảo đảm có sức khỏe dẻo dai, vững vàng về tinh thần, ý chí, sức chịu đựng, độ bền vững của tư duy trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, họ cần rèn luyện tốt về lối sống, tác phong kỷ luật và giải quyết tốt các mối quan hệ.

Trong hệ thống các phương pháp tự rèn luyện, cũng cần chú trọng phương pháp tự phê bình và phê bình. Với phương pháp này, những mặt mạnh, mặt yếu sớm bộc lộ, thuận lợi trong nhận thức, tiếp thu để có hướng sửa chữa kịp thời. Tự rèn luyện qua tự phê bình và phê bình là điều kiện cơ bản để hình hành và giữ vững đạo đức cách mạng: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

VKSND tỉnh Khánh Hòa

Nguồn Kiểm Sát: http://kiemsat.vn/nguoi-can-bo-kiem-sat-tu-ren-luyen-ban-than-theo-loi-day-cua-bac-51130.html