Người cầm lái mới

Dưới thời của Tổng thống B. Enxin, chính trường nước Nga đã thường xuyên bị đốt nóng, trồi trụt lên xuống trong cuộc đấu giữa Tổng thống với Quốc hội trong việc lựa chọn và phê chuẩn chức danh Thủ tướng: Chỉ trong một thời gian ngắn đã có một loạt người được ngồi vào chiếc ghế nóng này: Primacốp, Gaida, Kiriencô, Stepasin, lại Primacốp, rồi Chêcnômứcđin… Có người chỉ tại vị được vài tháng đã bị thay thế.

Tổng thống chính thức thứ hai của Nga thời hậu Xô-Viết -
Vladimir Putin và Tổng thống đầu tiên thời hậu Xô-Viết của Nga -
Boris Yeltsin tại buổi lễ nhậm chức của Putin ở Điện Kremlin ngày 7/5/2000.

Dường như không có ai làm cho ông B. Enxin hài lòng. Hết phương án cải cách này đến phương án khác được tung ra, kể cả “liệu pháp sốc”, nhưng nền kinh tế Nga vẫn chìm đắm trong khủng hoảng, không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nước Nga vẫn như con tàu say khổng lồ trên sóng dữ. Cho đến một ngày…

Và V. Putin được coi là con người của tình thế. Đột ngột xuất hiện trên “chính trường lớn” ngày 9/8/1999 trên cương vị Quyền thủ tướng (và chỉ một tuần sau đó, ngày 16/8 trở thành Thủ tướng), ông V.Putin đã nhanh chóng tạo lập được vị thế cần thiết ở thời điểm đầy giông bão của nước Nga.

Nhưng trước đó, ông là ai và từ đâu tới?

Sinh ngày 7/10/1952, tại Xanh Pêtécbua, ông V.Putin đã tốt nghiệp Khoa Luật Trường đại học Tổng hợp quốc gia Lêningrát năm 1975. Ông là phó tiến sĩ, thạo tiếng Đức. Từ năm 1975, ông làm việc tại Cục Tình báo đối ngoại của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) và từng làm việc tại CHDC Đức khi quân đội Liên Xô đang có mặt tại đây. Sau khi trở về, ông công tác tại Lêningrát, làm trợ lý về các vấn đề quốc tế cho Phó hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp quốc gia Lêningrát. Trong những năm 1991-1992, ông làm Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Tòa Thị chính Xanh Pêtécbua. Từ năm 1992 đến năm 1994, ông làm Phó thị trưởng thứ nhất Xanh Pêtécbua kiêm Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của thành phố.

Có thể sẽ chẳng có gì “đột biến” nếu như ông V.Putin không lọt vào “mắt xanh” của ông Chubaixơ – một nhân vật rất có thế lực trong điện Cremli - vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Chính Chubaixơ đã tiến cử V.Putin với Tổng thống B.Enxin. Từ năm 1996 đến năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Phủ Tổng thống Nga. Con đường thẳng tiến tới chiếc ghế Tổng thống Nga bắt đầu từ đó, một cách không thể định liệu trước, tất cả cứ như một “ván cờ định mệnh”.

Từ tháng 5/1998, ông V.Putin được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Có nghĩa là tới thời điểm này, ông đã quay lại với ngành tình báo vốn được coi là sở trường của ông. Từ tháng 3 đến tháng 8 –1999, ông làm Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga kiêm Thư ký Hội đồng An ninh Nga. Người ta tiết lộ rằng, lúc được giao trọng trách này, ông được Tổng thống B.Enxin phong quân hàm trung tướng. Nhưng V.Putin đã làm một việc mà không phải ai trong trường hợp đó cũng có thể làm được: Ông nói với Tổng thống rằng, ông chỉ xứng đáng với quân hàm đại tá và chỉ xin nhận cấp bậc đó (trước đó ông đã mang quân hàm trung tá an ninh).

Đã có lúc ông V.Putin nói như than lên rằng, nước Nga là “một đất nước giàu của những người nghèo”. Đó chính là bi kịch lớn nhất của đất nước này trong thời hậu Xô viết. Trên đống đổ vỡ của Liên Xô cũ đang diễn ra một sự ly dị hiển nhiên của hai nước Nga. Một nước Nga của một số ít những kẻ nhiều tiền, mới phất lên, đang tung hoành khi một cơ chế kiểm soát mới chưa được thiết lập, một nước Nga đang hưởng thụ ăn tiêu, thậm chí xa hoa... Còn nước Nga thứ hai là của những số đông luôn cảm thấy mình bị tước đoạt, bị xúc phạm và bất hạnh. Có một câu nói của ông V.Putin mà nhiều người Nga hay nhắc đến: “Ai không khóc Liên Xô cũ, kẻ đó thiếu một tấm lòng, nhưng ai muốn tái lập nó hoàn toàn giống với trước kia thì đó không phải là người có đầu óc”...

Hồ Quang Lợi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/tinh-hoa-viet/nguoi-cam-lai-moi-387419