Người cai quản vườn địa đàng hạ giới

Đận một nhà viết kịch lão thành qua đời, tôi có viết bài tưởng nhớ ông. Báo ra, lập tức điện thoại réo: 'Chào Hương Sen, Thành đây, Thành vừa đọc bài của Sen. Thành nghĩ là Sen đã viết về rất nhiều người, nhưng rồi sau này ai sẽ viết về Sen nhỉ'.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành: ‘Mơ ước tác phẩm được phóng to, đặt trong không gian rộng lớn’

Nhà điêu khắc Lê Công Thành: ‘Mơ ước tác phẩm được phóng to, đặt trong không gian rộng lớn’

Lúc ấy, tôi đang bụng bầu lặc lè chuẩn bị đến tháng đẻ, nghe thế tự dưng vừa buồn cười vừa bừng bực: “Đúng là ông già lẩm cẩm”.

1. Nhưng nói gì thì nói, tôi rất thích đến nhà ông, và lần nào cũng một khao khát mãnh liệt là tại sao không có cơ quan nào, công sở nào, bảo tàng nào thỉnh bức tượng Bác Hồ của ông về trưng bày, hoặc thờ. Thâm tâm ông cũng muốn điều đó. Phải có tình yêu, sự thấu hiểu và cảm thông vô tận với lãnh tụ, nhà điêu khắc Lê Công Thành mới sáng tạo nên tác phẩm hoàn mỹ về nghệ thuật và tư tưởng như thế.

Lê Công Thành từ sau năm 1985, khi hoàn tất thi công tượng đài Chiến thắng Núi Thành ở quê hương ông, Quảng Nam - Đà Nẵng mà ông gặp phải tai nạn khủng khiếp, ngã từ giàn giáo 30 mét xuống đất, đã kiên quyết không làm tượng đài nữa. Cú ngã lịch sử biến đổi ông thành một con người khác. Ông nhủ rằng “khi đất nước chưa yên, đời sống người dân còn nghèo khó không nên làm những chuyện xây dựng đền đài miếu mạo, đụng chạm đến đời sống nhân sinh và đời sống tâm linh của đất nước”.

Ông cũng phản đối chuyện xây dựng tượng đài, nhất là những danh nhân lịch sử: “Là những bậc vĩ nhân chân chính, những công thần khai quốc, chẳng mấy ai muốn mình được dựng tượng đồng bia đá, không phải vì khiêm nhường mà không muốn mọi người sẽ sùng bái mình như một thần tượng về một cá nhân. Hơn nữa khi dựng tượng đài về một người đã khuất, giữa đất trời, giữa chốn đông người, lúc vui vầy lễ lạt chẳng làm sao, nhưng lúc vắng vẻ con người, tượng sẽ trở thành ông phỗng chơ vơ đứng giơ chân giơ tay trơ trọi một mình, và những đêm dài vắng vẻ, những ngày mưa nắng tầm tã, người sống nhìn vào không thể không thấy buồn tủi, ngượng ngùng. Làm một con người đã ra đi rồi mà còn phải bị đày ải giữa thế gian. Cho nên ông bà ta xưa rất húy kỵ điều này”…

Điêu khắc gia Lê Công Thành.

2. Tôi đến nhà ông, ngay từ lần đầu tiên đã coi đấy là một vườn địa đàng thực thụ, và ông, người cai quản vườn địa đàng ấy. Tôi từng lẩn thẩn nghĩ chả có gì liên quan giữa ông già nhỏ thó trong suốt lợi răng móm mém với những bức tượng phụ nữ khỏa thân cực kì mô đéc. Đàn bà trong tượng của ông, cả ở sự sinh nở, cũng thanh tân và mỹ lệ, và cả e ấp rụt rè dù không còn gì để che giấu.

Lê Công Thành không làm tượng đàn bà trần truồng, cơ thể đàn bà chỉ là một ẩn dụ để ông gửi gắm vào đó nhân sinh quan về vũ trụ, về mối giao hòa giữa vạn vật, sự tương thích tự nhiên giữa mọi chuyện ở đời và có thể, thêm cả sự dè bỉu với những đôi mắt dung tục phàm phu trong giới đàn ông của chính ông: “Không ở đâu bộc lộ ra rõ nhân cách của một con người bằng bức tranh, bức tượng về người phụ nữ khỏa thân do chính mình làm ra. Ở đó không chỉ phải là hình ảnh của một người đàn bà khỏa thân trần truồng mà chính tác giả đã tự lột trần mình ra trước bàn dân thiên hạ. Cho nên liệu hồn cho những ai có dã tâm muốn lột truồng người phụ nữ. Tiếp nhận được vẻ Đẹp cả về thể xác lẫn tinh thần của người đàn bà không dễ chút nào. Cũng như tiếp nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và vạn vật vậy. Không phải ai cũng có thể thấy ngay ra điều này”.

Vô cùng nhiều những “lảm nhảm”, “lẩm cẩm” của ông, đều là những đúc kết chiêm nghiệm mà có thể, phải trầy da tróc vỉ trong quá nhiều năm tháng cuộc đời, con người mới ngộ được ra. Ông đích thực là người cai quản vườn địa đàng hạ giới, là vị thần của giáo phái đẹp, như những tựa bài báo mà mình đã viết về ông bao năm qua…

Lê Công Thành từng tự nhủ: “Về già, tôi không làm người canh giữ đền đài họ tộc. Tôi chỉ muốn ngồi bên em. Đặt bàn tay mình lên nơi chốn ấy. Để nhớ lại nơi tôi đã sinh ra. Và sắp đến cũng chính từ nơi ấy. Sẽ là nơi tôi bước chân sang một cuộc đời mới”.

3. Giờ thì nhà điêu khắc Lê Công Thành đã bước sang một cuộc đời mới. Hôm nghe tin ông mất, tôi gọi điện cho vợ ông, họa sĩ Kim Thái. Cô bảo: “Bác không còn ở với chúng ta nữa rồi”.

Tôi lúc nào cũng thấy rằng, và có thể đó chính là sự hòa hợp vị tha của tự nhiên, của tạo hóa, có những nghệ sĩ như Lê Công Thành, thì phải có những người như cô Kim Thái làm vợ ông. Một người không chỉ là vợ, là học trò, là thư ký, là giúp việc, là y tá…, mà hơn hết, là mẹ, như mẹ, bởi chỉ có mẹ mới có thể bao dung độ lượng mà không cần báo đáp lại với con trai của mình.

Lê Công Thành giờ rong chơi lượn lờ ở một nơi khác, vườn địa đàng nơi tiên cảnh. Tôi thấy lo và tiếc, gia tài nghệ thuật của ông, kho tàng nghệ thuật của ông, những biểu tượng của Đẹp ấy, chả nhẽ vẫn mãi khuất lấp trong căn hộ buồn rầu và ít ánh sáng ấy. Giá như có những đại gia nào đó, những mạnh thường quân nào đó, những nhà quản trị đô thị nào đó, và có cả những không gian khoáng đạt nào đó, cùng xúm vào phóng to những bức tượng đó, đặt ở ngoài trời, cho công chúng được chiêm ngưỡng cái Đẹp, sống giữa cái Đẹp, quen dần với Đẹp như đã và đang từng phải chấp nhận sống chung với xấu, chịu đựng hệ thống tượng đài xấu đến khó hiểu trên khắp mọi miền đất nước suốt bao năm tháng qua...

Ngô Hương Sen

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/nguoi-cai-quan-vuon-dia-dang-ha-gioi-143816.html