Người Ca Dong với tục Ká c'râu

Chúng tôi về thăm già làng Hồ Văn Sia, ở thôn 1, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam giữa những cơn mưa dai dẳng, kèm theo gió rét như cắt da càng làm cho cuộc hành trình của chúng tôi vội vàng hơn...

Người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My luôn xem tục ká c’râu là nét văn hóa đặc sắc lâu đời. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My luôn xem tục ká c’râu là nét văn hóa đặc sắc lâu đời. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Khi đến nơi, chúng tôi chứng kiến người Ca Dong mời nhau ăn thuốc với ít bột thuốc đưa vào hai hàm răng ở miệng và luôn nhấp đều. Tò mò, tôi được già làng Hồ Văn Sia (76 tuổi) cho biết: “Không biết từ bao giờ, khi tôi lớn lên đã thấy những người lớn tuổi trong làng, thanh niên, phụ nữ ăn thuốc nhiều lắm. Với người Ca Dong chúng tôi, mỗi khi gặp nhau, dù bất cứ nơi nào và ở đâu đều mời nhau ăn thuốc. Người Ca Dong gọi ăn thuốc này là Ká c’râu (ká: Ăn, c’râu: Thuốc). Từ đó, tập tục ká c’râu được lưu truyền bao đời nay và dần dần ăn sâu vào đời sống cộng đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có tục ká c’râu thì tộc người Ca Dong phải trồng cây thuốc lá. Vào độ tháng 3, tháng 4 hằng năm, người Ca Dong phát rẫy để gieo lúa mùa. Cùng thời gian này, cây thuốc lá cũng được họ trồng xen canh trên những đám rẫy ấy. Cây thuốc của người Ca Dong trồng là loại cây thuốc lá bản địa do ông bà của họ để lại, có lá dày và nhỏ bằng bàn tay. Hiện nay, cây thuốc này được họ trồng nhiều ở vùng đồi núi cao, nên lá cho năng suất rất thấp.

Từ khi trồng đến khoảng 3 tháng, cây thuốc lớn lên và ra hoa. Trung bình mỗi cây thuốc cho chừng 10 đến 12 lá. Khi những búp hoa thuốc trưởng thành, cuốn lại thành bông bên trong nhiều hạt, cùng lúc, các lá thuốc cũng đã vàng và khô, đây là thời điểm thu hoạch cây thuốc. Khi thu hoạch, người Ca Dong bẻ hết lá và bông của nó về để trên giàn bếp cho khô. Riêng phần bông của cây thuốc, người Ca Dong bóc lấy hạt cho vào vỏ bầu khô cất giữ cẩn thận để làm hạt giống gieo cùng lúa rẫy trong mùa tỉa hạt năm sau.

Được biết, để phục vụ cho tục ká c’râu, người Ca Dong bắt ốc đá ở các con suối về chế biến món canh để ăn. Khi ăn xong, họ lấy vỏ ốc xiên vào những que tre và nướng trên lửa cho đến khi trắng bạc. Khi lá thuốc phơi đã khô giòn, phụ nữ Ca Dong cho vào cối cùng với vôi đã được nung chín trước đó giã cho nát thành bột. Bột thuốc và bột vôi của vỏ ốc đem trộn đều với nhau lại và cho vào ống lồ ô, dùng lá chuối khô quấn tròn bịt kín để giữ nó không bị ẩm ướt và mất mùi, đem treo ở góc nhà sàn để dành ăn dần.

Thoạt nhìn, bột thuốc có màu xanh thẫm. Khi đồng bào Ca Dong làm rẫy, tranh thủ thời gian lúc nghỉ ngơi, vào những lúc mưa rừng Trường Sơn dai dẳng lạnh giá, họ đem thuốc ra nhâm nhi, chuyện trò. Trong các lễ hội truyền thống của làng, khi nào cũng phải có loại thuốc bột này trên bàn cúng. Nó là sản vật không thể thiếu của người Ca Dong để cúng thần linh trong các lễ hội như: Cúng rẫy, cúng mừng lúa mới, cưới hỏi, mừng nhà mới, ăn trâu... Sau khi thực hiện nghi thức xong, mỗi người Ca Dong đều lấy một ít bột thuốc để ăn.

Có thể nói, hầu như người Ca Dong trưởng thành nào không kể là trai hay gái đều biết tục ká c’râu và cách ăn thuốc của họ khá ấn tượng. Mỗi khi ăn thuốc, tùy theo sở thích của mỗi người mà họ đổ bột thuốc ra bàn tay nhiều hay ít. Những người Ca Dong ăn thuốc chỉ ngậm ở khe giữa môi dưới và răng. Khi đó, bột sẽ thấm đều vào đầu lưỡi và khoang miệng gây vị cay và se lại tạo cảm giác lâng lâng, như vậy mới thưởng thức hết mùi vị đậm đà của lá thuốc hòa lẫn cảm giác nồng ấm của vôi. Trong thực tế, răng của người Ca Dong đen nhánh và hầu như không có một ai bị sâu răng. Khi ngậm bột thuốc này, cơ thể được ấm lên, đây còn là cách giúp người Ca Dong có thể chống lại khí hậu lạnh của miền núi cao rất hiệu quả trong điều kiện cái mặc của người Ca Dong còn nhiều thiếu thốn.

Già làng Hồ Văn Sia cho biết thêm: Tục ká c’râu rất hữu ích với đời sống, sinh hoạt của người Ca nơi rừng núi và duy trì cho đến ngày nay. Từ trẻ con, thanh niên nam nữ đến người già, hễ ai thích thì đều ăn thuốc, họ xem như một báu vật giúp giải mệt mỏi. Bột thuốc, còn có công dụng cầm máu rất nhanh và vô trùng nên bà con thường mang theo phòng khi cần sử dụng lúc bị thương do lao động hoặc bị côn trùng cắn, thú rừng tấn công. Đặc biệt, khi bị vắt rừng cắn, chỉ cần dùng bột thuốc chấm vào nơi vết cắn, vắt sẽ nhả ra và vết cắn dần khô không bị tổn thương.

Vùng đất Bắc Trà My là địa bàn cư ngụ lâu đời của tộc người Ca Dong. Trong các nóc (tập hợp từ 13 đến 15 gia đình người Ca Dong sinh sống), bên cạnh tiếng chày giã gạo của các cô gái là tiếng chày của người phụ nữ Ca Dong lớn tuổi giã thuốc cho các thành viên trong gia đình. Trên đại ngàn Trường Sơn này, tục ká c’râu luôn được người Ca Dong gìn giữ và bảo tồn như tập tục đẹp, trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

Sơn Gia Phúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-ca-dong-voi-tuc-ka-crau-post436097.html