Người biểu tình Catalonia xuống đường ném lợn vào cảnh sát

Tây Ban Nha đã phải điều động cảnh sát để ngăn chặn biểu tình ở Catalonia sau phán quyết bãi nhiệm Thủ hiến vùng này.

Ngày 28/9, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã ủng hộ một phán quyết của tòa án địa phương bãi nhiệm Thủ hiến vùng Catalonia Quim Torra vì không tuân thủ các chỉ thị của chính quyền trung ương.

Người biểu tình xuống đường phản đối Tòa án Tối cao Tây Ban Nha bãi nhiệm Thủ hiến.

Người biểu tình xuống đường phản đối Tòa án Tối cao Tây Ban Nha bãi nhiệm Thủ hiến.

Sau quyết định này, người dân Catalonia đã bắt đầu xuống đường biểu tình.

Các cuộc biểu tình được tổ chức bởi Ủy ban Bảo vệ Cộng hòa - tổ chức tự tuyên bố có trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến chống lại cuộc đàn áp của Tây Ban Nha vào tình hình ở Catalonia. Những thành viên của Ủy ban và những người ủng hộ họ đã tràn xuống các đường phố của thủ phủ vùng Catalonia để bày tỏ sự phẫn nộ trước phán quyết của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha cũng như sự phẫn nộ ngày càng tăng của họ đối với việc Madrid xử lý đại dịch COVID-19.

Khi những người biểu tình đến Văn phòng Công tố viên, họ đã bị chặn lại bởi một hàng rào do cảnh sát dựng lên. Vào thời điểm đó, một số người đã dùng thủ lợn để ném vào các cảnh sát vũ trang.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng có ít nhất năm vụ bắt giữ trong các cuộc tuần hành không rõ có liên quan đến việc ném những chiếc đầu lợn vào lực lượng cảnh sát hay không.

Đầu lợn được ném vào cảnh sát vũ trang ngăn chặn biểu tình quá khích.

Người biểu tình đã đốt cháy các thùng rác và yêu cầu mở cửa Công viên Ciutadella, vốn đã bị đóng cửa từ 16h ngày 28/9 do lo ngại biểu tình sau phán quyết.

Các đầu lợn cũng ghi nhận là đặt ngay trước trụ sở của cơ quan Tư pháp tại khu vực.

Các tổ chức ủng hộ độc lập đã kêu gọi các cuộc biểu tình trên toàn khu vực để phản ứng lại quyết định của tòa án với các slogan: "Không lùi bước! Sự độc lập!" và "Đường phố sẽ luôn là của chúng ta".

Những người biểu tình cũng lặp lại lời yêu cầu thả tự do cho các tù nhân chính trị và cho quyền tự quyết của người Catalan.

Phán quyết mới của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha công bố hôm 28/9 sẽ buộc Thủ hiến Catalan Quim Torra phải từ chức. Tạm thời, cấp phó của ông là Pere Aragones sẽ được thay thế cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức.

Thời điểm chính thức bãi nhiệm ông Torra sẽ do Tòa Dân sự tối cao Catalonia quyết định. Hồi tháng 12, tòa án này kết tội ông sử dụng các biểu tượng của phe ủng hộ ly khai tại các tòa nhà công cộng ở Catalonia trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 4/2019. Bản án của Tòa Dân sự tối cao Catalonia kết luận truất quyền lãnh đạo một văn phòng công quyền của ông Torra trong 18 tháng, nhưng ông này được tại nhiệm trong quá trình kháng cáo.

Phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha nêu rõ các thẩm phán đều đồng tình với tòa án cấp dưới rằng ông Torra đã nhiều lần không tuân thủ các chỉ thị của Ủy ban Bầu cử trung ương về việc dỡ bỏ những biểu tượng trên khỏi các tòa nhà thuộc sở hữu của chính quyền địa phương trong quá trình bầu cử, qua đó bác bỏ đơn kháng cáo của ông Torra với bản án của tòa án cấp dưới.

Thủ hiến vùng Catalonia Quim Torra bị Tòa án Tây Ban Nha bãi nhiệm vì không "tuân mệnh".

Phán quyết này đúng là đã thúc đẩy các gia tăng căng thẳng về chính trị ở Tây Ban Nha.

Ngày 1/10/2017, người dân vùng Catalonia đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý, đồng ý tách khỏi Tây Ban Nha, trở thành một quốc gia độc lập tự chủ, không chịu bất cứ thỏa thuận hay sức ép nào từ Madrid. Tuy nhiên chính quyền Tây Ban Nha không ủng hộ kết quả cuộc trưng cầu dân ý, coi đó hành động "vi hiến".

Ngày 27/10/2017, nghị viện Catalonia bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha và trở thành một nước cộng hòa. Chính phủ Tây Ban Nha sa thải Thủ hiến Carles Puigdemont và giải tán nghị viện Catalonia chỉ vài giờ sau khi vùng này tuyên bố trở thành quốc gia độc lập.

Clip người dân Catalonia biểu tình phản đối bãi nhiệm Thủ hiến:

Cựu Thủ hiến Puigdemont và hàng chục cấp dưới của ông đã phải sống lưu vong tại nước ngoài để né tránh các cuộc săn lùng và truy tố của chính quyền tại Madrid.

Catalonia là khu vực giàu có nhất ở Tây Ban Nha và cũng là nơi được công nghiệp hóa ở mức cao nhất, gồm nhiều trung tâm công nghiệp chế biến kim loại, chế biến thực phẩm, dược phẩm và hóa học.

Nơi đây cũng tự hào với ngành công nghiệp du lịch đang phát triển, nhờ các điểm đến nổi tiếng như Barcelona. Khu vực này chỉ chiếm 16% dân số nhưng đóng góp tới 20% kinh tế Tây Ban Nha. Người Catalan thường phàn nàn về việc họ đóng góp cho chính phủ Tây Ban Nha nhiều hơn là nhận lại. Vào năm 2014, khoản chênh lệch này lên tới 11,8 tỷ USD.

Nhiều người phản đối Catalonia độc lập là những người từ các vùng khác của Tây Ban Nha di cư đến đây. Họ lo lắng rằng nền kinh tế Catalonia sẽ bị ảnh hưởng nếu khu vực này tách khỏi Tây Ban Nha. Một Catalonia độc lập sẽ gần như không thể gia nhập sớm vào EU cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới, khiến chi phí xuất khẩu và nhập khẩu tăng cao và nhiều việc làm sẽ bị mất. Họ cũng quan ngại về sự đối xử phân biệt có thể xảy ra của dân bản xứ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nguoi-bieu-tinh-catalonia-xuong-duong-nem-lon-vao-canh-sat-3419810/