Người bị tâm thần, thần kinh có được cấp bằng lái xe?

Theo quy định, người muốn thi bằng lái xe đòi hỏi rất cao về vấn đề sức khỏe như mắt, tai, xương khớp, tim mạch và đặc biệt về vấn đề tâm thần, thần kinh.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là do ý thức đạo đức, lái xe sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ...

Người phải đủ điều kiện về sức khỏe mới được cấp GPLX. Ảnh: TN

Người phải đủ điều kiện về sức khỏe mới được cấp GPLX. Ảnh: TN

Cũng theo Thứ trưởng Long, thực trạng quản lý, cấp, thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) còn nhiều bất cập. Đặc biệt, một thực tế đáng lo ngại là nhiều người bị mắc bệnh tâm thần và tiền sử bị bệnh tâm thần vẫn được cấp GPLX.

Thứ trưởng Long nêu, qua thống kê của lực lượng công an, tính đến tháng 12-2021 có đến 2.759 người mắc bệnh tâm thần và tiền sử bệnh tâm thần được cấp 2.845 GPLX các hạng.

Trước thông tin đó đã gây hoang mang cho người dân, khi thực tế người bị mắc bệnh tâm thần không được lái xe.

Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch GPLX tại TP.HCM cho biết, Thông tư liên tịch số 24/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe thi bằng lái xe ô tô rất kỹ và đòi hỏi cao. Thậm chí người mắc bệnh chóng mặt do bệnh lý cũng không đủ điều kiện cấp GPLX.

“Riêng đối với người hành nghề kinh doanh vận tải, theo quy định là phải khám định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe khi tham gia lái xe ô tô”- vị này cho hay.

Một thí sinh đủ điều kiện về sức khỏe đang dự thi tại Trung tâm dạy lái xe Hoàng Gia. Ảnh: TN

Trích dẫn theo bảng phụ lục 01 tiêu chuẩn sức khỏe thi bằng lái xe ô tô quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ y tế và Bộ GTVT (ngày 21-8-2015), tiêu chuẩn sức khỏe thi bằng lái xe B2 đòi hỏi nhiều quy định.

Cụ thể, thí sinh thi sát hạch bằng lái xe ô tô hạng B2 phải đủ các điều kiện về thần kinh như không mắc các chứng rối loạn tâm thần mạn tính. Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ thời gian 2 năm, không mắc bệnh động kinh. Người lái xe không bị liệt một chi trở lên, bao gồm cả tay và chân. Không bị mắc các chứng chóng mặt do bệnh lý.

Điều kiện tiêu chuẩn về mắt cũng đòi hỏi người thi GPLX phải có điều kiện về mắt để được thi bằng lái xe là thị lực cả hai mắt (khi đeo kính) phải từ 8/10 trở lên. Người học lái xe có thể không đủ điều kiện thi sát hạch nếu bị cận từ 8 diop trở lên hoặc tật viễn thị từ 5 diop. Ngoài ra những người bị bệnh quáng gà (không nhìn rõ lúc chập tối), hoặc bị tật chói sáng cũng không đủ điều kiện thi bằng lái xe hạng B2.

Tiêu chuẩn về tai mũi họng cũng được quy định rất rõ ràng, những người bị điếc sẽ không được thi bằng lái xe ô tô hạng B2. Thính lực cần phải nghe rõ ở khoảng cách 4m (có thể dùng máy trợ thính).

Yêu cầu về bệnh tâm thần, thần kinh đối với các hạng GPLX. (Ảnh cắt từ Thông tư liên tịch số 24/2015)

Người thi GPLX hạng B2 cũng yêu cầu các tiêu chuẩn về tim mạch, xương khớp và hô hấp, người bị bệnh cao huyết áp, hoặc huyết áp thấp cũng sẽ không được thi bằng lái xe B2. Cụ thể bệnh tăng huyết áp sau điều trị mà huyết áp tối đa 180, hoặc huyết áp tối thiểu 100 mmHg. Hoặc bệnh huyết áp thấp mà huyết áp tối đa <90 mmHg.

Riêng đối với bằng B1 không yêu cầu về cận thị hoặc viễn thị tối đa, chỉ cần bạn đeo kính và đạt thị lực 8/10 trở lên. Các bệnh chói sáng và quáng gà cũng được chấp thuận đối với bằng lái xe hạng B1. Bằng B1 không yêu cầu điều kiện về tai mũi họng, tim mạch, huyết áp.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-bi-tam-than-than-kinh-co-duoc-cap-bang-lai-xe-post689418.html