Người bị tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội?

Ngày 31/3/2021, đối tượng Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại tổ 22 phố Ga, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) bị cơ quan chức năng bắt giữ về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy ngay tại bệnh viện. Điều đáng nói ở đây Quý đang là bênh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Người bị tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội?

Người bị tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội?

Trước đó, năm 2016, sau khi thoát chết trong vụ tai nạn ô tô, Quý bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 10/6/2018, Quý bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và bị tạm giam. Ngày 30/10/2018, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Kết luận giám định pháp y tâm thần số 359/KLGĐ đối với Nguyễn Xuân Quý - bị can trong vụ án hình sự tàng trữ trái phép chất ma túy theo Quyết định trưng cầu giám định ngày 24/7/2018 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì. Ngày 7/11/2018, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Ngày 8/11/2018, Quý nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, được điều trị tại Khoa 5. Ngày 11/9/2019, Quý chuyển từ Khoa 5 sang Khoa Phục hồi chức năng điều trị cho đến giờ.

Sự việc Quý ngang nhiên cầm đầu đường dây mua bán trái phép chất ma túy trong một thời gian dài ngay trong cơ sở chữa bệnh bắt buộc với các quy trình kiểm soát chặt chẽ để lại nhiều vấn đề đáng lo ngại. (i) Quý tạo được mối quan hệ thân thiết với cán bộ y tế để được tự do đi lại. Có chìa khóa riêng để ra vào khu điều trị. Có người ra vào buồng chữa bệnh của Quý vào các khung giờ cấm (21h -5h). (ii) Tự do cải tạo căn buồng điều trị thành phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser để cất giấu và sử dụng trái phép chất ma túy. Đưa ma túy tổng hơp, ma túy đá với số lượng lớn vào khu điều trị để sử dụng và giao dịch. (iii) Hoạt động một cách tinh vi, có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và chặt chẽ.

Đối với một người phạm tội nhiều lần, có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, vi phạm pháp luật nghiêm trọng theo quy định pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Dưới mác bệnh nhân tâm thần, trách nhiệm pháp lý đối với Quý đặt ra theo quy định của pháp luật hiện hành có gì khác so với người bình thường phạm tội.

Khi nào một người gọi là bị bệnh tâm thần?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về mất năng lực hành vi dân sự thì: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.”

Tiêu chuẩn về dấu hiệu để xác định một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là trong khi đang mắc bệnh theo tiêu chuẩn y học và tâm lý làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Cả hai dấu hiệu này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, cái này là tiền đề của cái kia và ngược lại, người vì mắc bệnh nên mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển và bị mất khả năng điều khiển vì họ mắc bệnh. Như vậy, do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác, những người này không có khả năng để nhận thức và hành động một cách đúng đắn theo ý chí của mình, nên họ không có đủ khả năng để hiểu và làm chủ hành vi của minh.

Khi có Kết luận giám định pháp y tâm thần từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương, đối tượng Quý được xem là một bênh nhân tâm thần và phải chấp hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trách nhiệm hình sự của người bị tâm thần như thế nào?

Người tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội. Hành vi phạm tội của Quý hết sức tinh vi, có tổ chức, phạm tội nhiều lần gây nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật hiện hành có quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, người bị tâm thần sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình. Đối với Quý, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với Quý. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi phạm pháp.

Trường hợp nào người tâm thần phải chịu trách nhiệm hình sự?

Không phải trong mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.

Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì có thể vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015).

Trong trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để ra quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi người đó khỏi bệnh thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Liệu có lỗ hổng trong quy trình “ chứng nhận tâm thần”?

Việc pháp luật hiện hành quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, đây được xem như là “lỗ hổng” để cho những kẻ phạm tội bằng một cách nào đó tạo ra các giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa việc “giả tâm thần” để tránh việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của mình.

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự 2015 cũng đã quy định rõ về việc xử lý đối với những người làm công tác giám định làm giả hồ sơ tâm thần. Điều 382 quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao. Điều 359 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 1-5 năm... Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm.

Trên thực tế, ranh giới để xác định mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội đôi khi rất mong manh, yêu cầu cơ quan điều tra phải thực hiện các nghiệp vụ điều tra một cách kỹ lưỡng, thận trọng tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, để lại tiền lệ xấu…

Quang Thuận - Khánh Hương

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/nguoi-bi-tam-than-co-phai-chiu-trach-nhiem-hinh-su-khi-pham-toi-n24396.html