Người bị đề nghị kỷ luật lên tiếng

Sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thị hành kỷ luật, nhiều lãnh đạo đã lên tiếng.

'Tôi nghỉ hưu rồi, xử sao thì xử'

Nằm trong số những lãnh đạo bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá là có những sai phạm "nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật". Phản hồi lại quyết định trên, ông Phạm Thế Dũng - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, "ông đã về hưu hai năm rồi, bây giờ muốn xử sao thì xử".

Ông Phạm Thế Dũng - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Trả lời trên Tuổi trẻ về những sai phạm liên quan tới việc mở cửa khẩu phụ cho các doanh nghiệp đưa gỗ từ Campuchia về Việt Nam mà chưa có sự thống nhất với địa phương bên kia biên giới; nguồn gốc gỗ không rõ ràng, ông Dũng giải thích "là để giúp doanh nghiệp".

Ông Dũng cho biết thêm, theo quy định khi nhập khẩu gỗ các doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng với nhau, không cần thêm bất cứ một cái gì nữa. Vì vậy, về nguồn gốc gỗ có hợp pháp hay không tỉnh không tham gia giám sát.

Liên quan tới vấn đề bổ nhiệm người thân ruột thịt giữ các chức vụ quan trọng tại tỉnh...

Cụ thể là việc bổ nhiệm con trai, em gái cùng cha khác mẹ, em dể..., ông Dũng đều khẳng định không can thiệp, mọi việc làm theo đúng quy trình.

'Tôi chịu trách nhiệm'

Tương tự, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) cũng mới công bố kết luận về các sai phạm tại Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), theo đó hàng loạt những cán bộ, lãnh đạo tại đơn vị này bị yêu cầu xử lý trách nhiệm.

Trả lời trên tờ Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem, là một trong số lãnh đạo đã nghỉ hưu 7 năm cũng phải chịu hình thức xử lý, kỷ luật liên quan.

Theo đó, ông Tuấn nói, "Tôi đã nghỉ hưu 7 năm không còn nhớ nữa! Chuyện kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ví dụ như công tác quản trị, tỉ giá, nguyên liệu đầu vào, tình hình kinh tế trong nước, thế giới,... Việc triển khai dự án được Chính phủ thời kỳ đó chấp thuận và chúng tôi có báo cáo đầy đủ theo Nghị quyết HĐQT. Trong quá trình dự án đang triển khai thì tôi nghỉ hưu, các giai đoạn sau đó những thành viên kế tiếp chịu trách nhiệm.

Về dự án đạm Ninh Bình, theo chỉ đạo, dự án triển khai trong vòng 36 tháng (tạm tính), sau đó điều chỉnh lên 40 tháng vì thời gian tạm tính là thời điểm chưa thống nhất với nhà bản quyền. Khi lãnh đạo cấp trên đồng ý cho đàm phán trực tiếp với các nhà bản quyền thì điều chỉnh lên 40 tháng và tất cả nội dung trên chúng tôi đều báo cáo với họ. Làm sao chúng tôi làm mà không báo cáo với cấp trên được. Dự án chậm ngày nào thì chịu xử phạt ngày đó, nên chẳng ai muốn chậm dự án...", ông Tuấn giãi bày.

Về hình thức kỷ luật, ông Tuấn cho biết: "Là Đảng viên, tôi tuân thủ các mức kỷ luật mà tổ chức Đảng đưa ra, với trách nhiệm là người đứng đầu tập đoàn, tôi phải chịu trách nhiệm".

Một nguyên Tổng Giám đốc Vinachem cũng được tờ báo này dẫn lời bộc bạch: "Tôi đã giải thích với cơ quan kiểm tra. Trong tập đoàn ai cũng biết tính tôi làm việc vô tư trong sáng và không vụ lợi cá nhân và làm thất thoát vốn Nhà nước. Thời điểm đó, các yếu tố kinh tế tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như giá dầu giảm, giá phân bón giảm, giá than tăng... Chuyện lỗ, lãi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời điểm đó thua lỗ là điều không may".

Làm tất cả vì dân

Trong số những cán bộ bị kỷ luật, trường hợp của ông Võ Kim Cự cũng là một số nhiều vụ gây nhiều băn khoăn.

Khi Ban Bí thư đưa ra quyết định kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định) vì những sai phạm liên quan đến sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh.

Nhiều tờ báo cũng dẫn nguồn tin khẳng định ông Võ Kim Cự, Chủ tịch liên minh các Hợp tác xã Việt Nam vừa nộp đơn xin thôi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với lý do sức khỏe.

Giải thích cho những quyết định của mình, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định bản thân chỉ muốn dân thoát khổ, thoát nghèo.

Ông Võ Kim Cự: Làm tất cả vì muốn dân thoát khổ

“Tôi đã làm tất cả chỉ vì muốn dân thoát khổ. Người dân Kỳ Anh bao đời dưới chân đèo Ngang nắng khô cháy, mưa như trút nước, ăn còn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nói gì đến giàu có. Nếu cứ đều đều, từ từ mà tiến, không đột phá, mảnh đất dưới chân đèo Ngang sẽ muôn đời là “đang nghèo”.

Tôi đưa dự án vào đất Kỳ Anh để dân có việc làm, cơ sở hạ tầng được nâng lên, thay đổi cách làm ăn cũ, mở mang tư duy và hội nhập trong làm ăn kinh tế. Việc xảy ra ai mà ngờ được”, ông Cự trải lòng.

Trước câu hỏi có băn khoăn gì nếu các chức vụ bị mất hết, ông Cự tiếp tục trả lời: “Có gì mà băn khoăn. Cái gì lợi cho Đảng, cho dân, cho nước thì làm. Tôi không có ý kiến gì trước các quyết định cấp trên đã ra”.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nguoi-bi-de-nghi-ky-luat-len-tieng-3343477/