Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên cai thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh suy sụp về tinh thần vì phải điều trị suốt đời. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh này.

Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm, toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc COPD. Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

 Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nên bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính.

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nên bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính.

Bác sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, người mắc COPD thường có triệu chứng ho khạc đờm. Ban đầu, đờm ít và loãng, sau nhiều, đặc hơn, giai đoạn cuối có thể đổi màu và có mủ. Người bệnh cũng thấy khó thở, người mệt mỏi. Những dấu hiệu này thường bị nhầm lẫn với một số bệnh như viêm họng mạn tính, viêm phổi... nên nhiều người bệnh chủ quan và không đi khám. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng như: Suy hô hấp, suy tim, ung thư phổi, thậm chí dẫn tới tử vong. Số bệnh nhân mắc căn bệnh này càng có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng. Thế nhưng, việc phát hiện sớm còn hạn chế, có tới 25 - 50% bệnh nhân COPD không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị. Những yếu tố nguy cơ gây COPD có thể kể đến như: Hút thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói thuốc lâu dài (80 - 90% nguyên nhân gây bệnh); ô nhiễm môi trường ngoài trời; ô nhiễm môi trường không khí trong nhà như hít phải khí đốt nhiên liệu, bụi nghề nghiệp, hóa chất hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên như bệnh viêm phổi, viêm phế quản...

COPD là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp để điều trị, phòng ngừa bệnh, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Thực tế, nhiều bệnh nhân khi ho, khó thở, tức ngực lập tức nhập viện và được chỉ định dùng thuốc. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 1 tháng, bệnh tình đỡ hơn thì lại tự ý ngưng dùng thuốc, cũng không đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Việc không tuân thủ điều trị, không sử dụng thuốc đúng cách khiến mục đích điều trị bệnh rút ngắn - giai đoạn bệnh nặng sẽ đến nhanh hơn. Bác sĩ Nguyễn Thế Tài lưu ý: “Những người mắc bệnh COPD đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào từ khi còn trẻ nhưng họ không nhận thức được tác hại của thói quen này. Họ cho rằng hút thuốc chỉ liên quan đến ung thư phổi chứ không biết đây cũng là căn nguyên dẫn đến bệnh COPD. Bệnh COPD gây hạn chế lượng khí đi vào và đi ra khi thở, khiến phổi tổn thương vĩnh viễn, làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân và điều trị rất khó khăn. Vì vậy, việc phòng tránh có ý nghĩa rất quan trọng”.

Để phòng bệnh COPD, các bác sĩ khuyến cáo, trước tiên là tránh khói thuốc. Tất cả khói thuốc lá, thuốc lào, shisha, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều là mối nguy hiểm đối với bệnh COPD. Khói thuốc lá chứa thạch tín và rất nhiều chất hóa học độc hại có thể gây kích ứng phổi, gây tổn thương các lông mao chịu trách nhiệm làm sạch đường dẫn khí, dẫn tới làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và các triệu chứng bùng phát bệnh. Nếu bị mắc COPD, người bệnh nên cai thuốc lá ngay lập tức, không tiếp xúc với khói thuốc lá. Khi thời tiết lạnh và có gió, nên che chắn mũi và miệng khi đi ra ngoài. Việc sử dụng khẩu trang, khăn, thậm chí có thể dùng bàn tay đưa lên để che mũi và miệng rất có ích. Đối với môi trường trong nhà ở, độ ẩm lý tưởng khoảng 40% và có thể duy trì độ ẩm này bằng cách sử dụng máy làm ẩm không khí.

Đặng Hồng Hoa(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202011/nguoi-bi-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-nen-cai-thuoc-la-8196075/