Người bệnh tiểu đường có nên ăn dưa hấu?

Dưa hấu có chỉ số đường huyết cao, người tiểu đường nên ăn cùng chất béo lành mạnh, chất xơ và protein để làm chậm hấp thụ đường vào máu.

Chỉ số đường huyết (GI) đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ ảnh hưởng của thực phẩm đến lượng đường trong máu. GI đo lường tốc độ đường từ thức ăn đi vào máu. Quá trình này càng nhanh thì càng có nhiều khả năng bị tăng đột biến đường huyết. Dưa hấu có GI cao, khoảng 72 (GI từ 70 trở lên là cao). Tuy nhiên, theo Tổ chức Bệnh tiểu đường Defeat (Mỹ), do tỷ lệ nước trong dưa hấu cao nên người bệnh tiểu đường có thể ăn dưa hấu trong chế độ ăn bình thường điều độ. Khẩu phần ăn khoảng 120 gram dưa hấu thì GI chỉ ở mức 5.

Tổ chức này cũng khuyến cáo, người bệnh tiểu đường nên tránh nước ép dưa hấu vì có lượng đường cao hơn dưa hấu tươi, sẽ làm tăng đường huyết nhiều hơn. Người bệnh có thể kết hợp dưa hấu với thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, chất xơ và protein để làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu và cảm thấy no lâu hơn.

Dưa hâúchứa chất xơ, đường và nước tự nhiên. Ảnh: Freepik.

Dưa hâúchứa chất xơ, đường và nước tự nhiên. Ảnh: Freepik.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một miếng dưa hấu cỡ trung bình (khoảng 286 gram) chứa gần 18 gram đường. Do đó, người bệnh tiểu đường nên ăn dưa hấu ở dạng tươi, nguyên chất và chế biến đơn giản không thêm đường. Người bệnh cũng có thể làm món salad dưa hấu và ăn một khẩu phần hợp lý. Ngoài ra, tránh kết hợp ăn dưa hấu với thực phẩm có GI cao khác. Thay vào đó, bạn nên ăn trái cây này với các loại quả hạch, hạt và các nguồn chất béo, protein bổ dưỡng khác.

Dưa hấu cũng chứa nhiều vitamin (A, B1, B16, C) và khoáng chất (kali, magiê, caxi, sắt), lycopene và chất xơ tốt cho sức khỏe. Vitamin A giúp bảo tồn hoạt động ở tim, thận, phổi và hỗ trợ sức khỏe của mắt. Vitamin C là chất chống oxy hóa có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch mạnh có thể làm giảm tần suất bệnh tật và nhiễm trùng, giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Kali trong dưa hấu hỗ trợ quá trình quản lý huyết áp của cơ thể. Axit amin là citrulline trong trái cây này có thể giúp cải thiện huyết áp và sức khỏe trao đổi chất.

Một miếng dưa hấu khoảng 286 gram cung cấp 10% (80 mcg) lượng vitamin A cần thiết cho một ngày (cần 700-900 mcg mỗi ngày). Nam giới được khuyến nghị tiêu thụ khoảng 105 mg và nữ giới tiêu thụ khoảng 84 mg vitamin C mỗi ngày. Lượng dưa hấu tương tự cung cấp khoảng 23 mg vitamin C, tương đương 30,7% lượng vitamin C cho nữ và 25,6% cho nam giới hàng ngày.

Người bệnh tiểu đường nên có chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng gồm tỷ lệ lớn trái cây và rau củ. Tuy nhiên, trái cây có chứa đường tự nhiên nên người bệnh cần kiểm soát lượng ăn vào. Người bệnh nên chọn trái cây có GI thấp và lượng chất xơ cao, tránh nước ép và sinh tố trái cây. Một số trái cây có chỉ số GI thấp, có thể làm giảm lượng đường trong máu như họ cam quýt, quả mọng (nho, dâu tây), quả hạch (đào, mận), lê, kiwi.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/nguoi-benh-tieu-duong-co-nen-an-dua-hau-3192721.html