Người bệnh hưởng lợi nhờ ứng dụng bệnh viện thông minh

Ứng dụng công nghệ tại bệnh viện ngoài việc giúp việc đắc lực cho bác sĩ còn mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh được cứu sống và đảm bảo an toàn hơn.

Những năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh của ngành khoa học máy tính, nhiều ứng dụng máy học và trí tuệ nhân tạo đã được vận dụng trong lĩnh vực y tế tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, các bệnh viện (BV) ở Việt Nam cũng chuyển mình hướng tới xây dựng BV thông minh nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, hướng tới sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý BV. Nhiều ứng dụng được báo cáo tại hội nghị quốc tế “Informatics về sức khỏe” lần thứ nhất hướng tới BV thông minh, tổ chức tại TP.HCM vừa qua (ngày 16-10).

Mở rộng cứu người đột quỵ

Tại BV Nhân dân 115 (TP.HCM), từ tháng 6-2019, BV này đã đưa vào phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới trong đột quỵ não cấp lên đến 24 giờ. Phần mềm ứng dụng này sẽ giúp xác định rõ thể tích vùng lõi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương, và hoại tử trong những giờ tiếp theo, còn gọi là “vùng tranh tối tranh sáng” giúp cho các bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn. Phần mềm RAPID là giải pháp đã được chứng minh hiệu quả và độ chính xác qua các thử nghiệm lâm sàng và được FDA chấp thuận để sử dụng tại các trung tâm đột quỵ hàng đầu tại Mỹ.

Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV, cửa sổ điều trị thường quy chỉ cho phép điều trị tái thông từ 0 đến 6 giờ, tính từ lúc khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được can thiệp. Các trường hợp bệnh nhân nhập viện trễ, đột quỵ sau khi thức dậy hoặc đột quỵ không rõ thời gian khởi phát thường không có chỉ định điều trị can thiệp nội mạch do quá cửa sổ 6 giờ, đồng nghĩa bị di chứng nặng nề hoặc tử vong do đột quỵ gây ra. Với việc áp dụng phần mềm RAPID, đã có thêm nhiều bệnh nhân đột quỵ cấp được cứu sống tại BV Nhân dân 115.

Ngoài ra, cũng tại BV này, vào tháng 2-2019, lần đầu tiên BV đưa vào ứng dụng phẫu thuật thần kinh sọ não bằng robot. Robot được tích hợp nhiều tính năng cho phép tự động xử lý nhìn thấy các bó thần kinh, tùy chỉnh tối ưu cách tiếp cận tổn thương trong phẫu thuật, lập kế hoạch, định hướng phẫu thuật, vận hành nhanh, chính xác hơn, không gây tổn thương các dây thần kinh, phù hợp với thông số riêng của từng bệnh nhân.

Nghiên cứu trên 10 người bệnh ngẫu nhiên được phẫu thuật với hệ thống robot thần kinh sọ não từ tháng 2 đến tháng 9-2019 tại Khoa ngoại thần kinh BV Nhân dân 115, ThS-BS CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, cho biết các bệnh nhân đều không gặp biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng, viêm màng não, xuất hiện khiếm khuyết thần kinh mới... Các bệnh nhân được phẫu thuật với các bệnh lý đa dạng. Bước đầu đánh giá phẫu thuật robot trong thần kinh sọ não an toàn, chính xác, hiệu quả.

Ngoài ra, vận dụng nguyên lý máy học và dữ liệu về kê đơn của BV, nhiều BV đã triển khai kê đơn bằng máy vi tính thay cho viết tay và xây dựng phần mềm cảnh báo kê đơn hợp lý. Ngoài việc giúp người bệnh có đơn thuốc rõ ràng, dễ đọc, hệ thống nhắc về liều lượng thuốc, những thuốc có cùng hoạt chất, thuốc có nhiều tác dụng phụ… đã góp phần giảm nguy cơ sai sót trong kê đơn của các bác sĩ.

Một ca phẫu thuật thần kinh sọ não tại BV Nhân dân 115, TP.HCM. Ảnh: BVCC

Một ca phẫu thuật thần kinh sọ não tại BV Nhân dân 115, TP.HCM. Ảnh: BVCC

Cơ hội và thách thức

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng nhìn nhận xây dựng BV đủ chuẩn thông minh là không dễ, PGS-TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá nguồn tài chính đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ sở còn hạn hẹp, vướng mắc trong xác định giá và cơ chế thuê dịch vụ CNTT. Nguồn nhân lực cần thiết cho triển khai BV thông minh còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, các BV cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp các hệ thống phần mềm và các thiết bị y tế cũ. Các BV cần có chiến lược, đánh giá các hệ thống, các tài sản CNTT… và lựa chọn để triển khai từng phần.

99,6% cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước (khoảng 13.000 cơ sở) đã kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội.

(Số liệu công bố tại hội nghị)

Ông Tuấn khuyến nghị Bộ Y tế cần ban hành kế hoạch tổng thể về phát triển y tế thông minh, BV thông minh; hoàn thiện các khung pháp lý (tiêu chuẩn BV thông minh, cơ chế thuê dịch vụ CNTT...); phát triển trung tâm dữ liệu tại Bộ Y tế, có khả năng tích hợp và lưu trữ dữ liệu từ tất cả các nhà cung cấp; đảm bảo dữ liệu được sử dụng chính xác và bảo mật cho bệnh nhân...

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận xét ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các nước phát triển. Tuy nhiên, để phát triển một ứng dụng trí tuệ nhân tạo đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố quan trọng từ công nghệ máy tính chuyên sâu, các chuyên gia khoa học máy tính cho đến nguồn dữ liệu lớn có giá trị.

Tiêu chí bệnh viện thông minh

Theo Thông tư số 54/2017 của Bộ Y tế, khái niệm BV thông minh là BV có đội ngũ thầy thuốc giỏi, cơ sở vật chất hiện đại và ứng dụng CNTT để tối ưu hóa, tự động hóa các quy trình, hoạt động tại BV. Nội dung xây dựng BV thông minh đã quy định tám nhóm tiêu chí ứng dụng CNTT tại cơ sở khám, chữa bệnh gồm: Hạ tầng CNTT, phần mềm quản lý điều hành, hệ thống thông tin BV (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), phi chức năng, bảo mật an toàn thông tin và bệnh án điện tử (EMR).

GIA NGHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/nguoi-benh-huong-loi-nho-ung-dung-benh-vien-thong-minh-865347.html