Người bệnh được tiếp cận ân cần ngay tại khoa khám bệnh

Là BV thực hành của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam - cơ sở đào tạo y học cổ truyền lớn nhất cả nước, thời gian qua, BV Tuệ Tĩnh đã có những sự phát triển đáng kể trong việc nâng cao năng lực khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Báo Sức khỏe&Đời sống đã có buổi trao đổi với TS. Đậu Xuân Cảnh - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam về vấn đề này.

PV: Cải tiến quy trình KCB, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một trong những yêu cầu trọng tâm QĐ 1313 ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế về cải tiến quy trình khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, BV Tuệ Tĩnh đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

TS. Đậu Xuân Cảnh: Bệnh viện Tuệ Tĩnh được thành lập Quyết định số 13/QĐ-BYT ngày 3/ 1/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Là BVĐK hạng II theo quyết định số 5082/QĐ-BYT, ngày 7/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thực hiện quyết định số 1313/QĐ - BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về cải tiến quy trình khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, BV Tuệ Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh, bố trí mặt bằng đủ rộng, tăng số lượng bàn khám bệnh, sắp xếp khoa khám bệnh liên hoàn. Bệnh viện bố trí nơi lấy bệnh phẩm, nơi thực hiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, thu viện phí, giải quyết thủ tục BHYT đáp ứng lưu lượng người bệnh đến khám bệnh tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, BV tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa khoa khám bệnh, xét nghiệm, khoa dược, thu viện phí, lãnh đạo bệnh viện và các bộ phận có liên quan giúp giảm thời gian chờ, tăng cường quản lý, giảm sai sót, nhầm lẫn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm nhân lực trực tiếp tham gia quy trình khám bệnh.

TS. Đậu Xuân Cảnh và các sinh viên.

Để rút ngắn thời gian chờ đợi KCB, bệnh viện còn tăng cường nhân lực chất lượng cao. Bổ sung các thiết bị cần thiết đáp ứng công tác khám chữa bệnh được hiệu quả. Chúng tôi cũng đã dự phòng phương án linh hoạt khi lưu lượng người bệnh tăng đột biến để người dân không phải chờ đợi lâu.

PV: Đi vào chi tiết, có thể nói khoa khám bệnh là “bộ mặt” của bệnh viện, ở đó phải chăm sóc, phục vụ người bệnh tốt nhất để tạo ấn tượng với họ, BV Tuệ Tĩnh đã đầu tư vào đó như thế nào?

TS. Đậu Xuân Cảnh: Ngoài các giải pháp lớn mang tính tổng thể, chúng tôi còn có một số giải pháp cụ thể tại khoa khám bệnh, rà soát từ các khâu nhỏ như không để người bệnh tự photo giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm, giấy chuyển viện... Bố trí đủ quầy tiếp đón với sự phối hợp giữa bộ phận tiếp đón, thu viện phí và hướng dẫn thủ tục bảo hiểm y tế. Sắp xếp đủ bàn và người hướng dẫn người bệnh tại khoa khám bệnh. Đặt lịch hẹn khám qua điện thoại, qua tổng đài 1080, qua mạng internet. Công khai giờ khám bệnh, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên. Có sơ đồ khoa khám bệnh rõ ràng có bàn chỉ dẫn…

Đặc biệt, đối với các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán, chỉ định điều trị, bệnh viện có phiếu hẹn giờ trả kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Nhân viên khoa xét nghiệm trả kết quả trực tiếp cho bệnh nhân tại khoa khám bệnh. Người bệnh sau khi khám xong sẽ được hướng dẫn lấy thuốc BHYT, bệnh viện đã xây dựng hệ thống kết nối bộ phận cấp phát thuốc với khoa dược, buồng khám tạo thuận lợi cho công tác dược lâm sàng và chủ động trong cấp-phát thuốc. Sắp xếp nơi cấp phát thuốc trật tự, ngăn nắp, theo nhóm thuốc chuyên khoa.

Chúng tôi đang gấp rút xây dựng và tiến tới hoàn thiện khu khám bệnh mới, hiện đại và khi khu khám chữa bệnh mới đi vào hoạt động sẽ chú trọng các vấn đề liên kết các nhà đầu tư để phát triển Y cao và các dịch vụ theo yêu cầu, tăng cường trang thiết bị cho bệnh viện một số trang thiết bị thiết yếu để đáp ứng nhu cầu cho công tác khám chữa bệnh như máy chụp cắt lớp, máy cộng hưởng từ, máy điện cơ, điện não, máy cắt trĩ bằng laser...

PV: Chất lượng điều trị phụ thuộc nguồn nhân lực rất lớn, giải pháp cho vấn đề này đối với BV là gì, thưa ông?

TS. Đậu Xuân Cảnh: Chúng tôi xác định yếu tố con người là mấu chốt cho thành công, do đó, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực, đào tạo và quy hoạch cán bộ theo Đề án vị trí việc làm.

Tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ để cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, viên chức về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ… Mở các lớp đào tạo quản lý cho các cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn. Thường xuyên tổ chức tập huấn công tác điều dưỡng, đào tạo nâng cao Y đức, kỹ năng giao tiếp, Quy tắc ứng xử. Ngoài ra, bệnh viện chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Y học cổ truyền bao gồm: trao đổi thông tin, trao đổi chuyên gia, đào tạo, sản xuất thuốc, khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học với Đức, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... Mỗi năm nhận từ 10 - 20 học viên nước ngoài đến học về Y học cổ truyền Việt Nam. Tổ chức cho cán bộ, công nhân viên bệnh viện đi tham quan, học tập tại một số tỉnh và nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

PV: Cảm ơn ông!

Hoàng Như Quỳnh

((thực hiện))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-duoc-tiep-can-an-can-ngay-tai-khoa-kham-benh-n137835.html