Người bệnh điều trị tại địa phương, hưởng chất lượng Trung ương

Sau nhiều năm triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh, đến nay đã mang lại hiệu quả to lớn, các bệnh viện được nhận chuyển giao đã vững vàng hơn và người bệnh không phải lên tận tuyến trên, giúp giảm tình trạng quá tải bệnh viện.

Bác sĩ Bệnh viện E Hà Nội "cầm tay chỉ việc" cho bệnh viện vệ tinh tại Hà Giang.

Bác sĩ Bệnh viện E Hà Nội "cầm tay chỉ việc" cho bệnh viện vệ tinh tại Hà Giang.

PGS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, công tác bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K trong 5 năm qua đã mang lại rất nhiều lợi ích. Đến nay, các bệnh viện này đã tự làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như phẫu thuật đầu- -mặt-cổ, vú-phụ khoa, gan-mật-tụy, tiết niệu, lồng ngực, tiêu hóa, phẫu thuật nội soi robot, xạ trị điều biến liều, điều trị miễn dịch, tỷ lệ giảm chuyến tuyến gần 100%....

PGS Quảng cho biết, hiện trong công tác chuyển giao từ Bệnh viện K Trung ương cho các bệnh viện vệ tinh đã được mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho cán bộ y tế, mở rộng phát triển các dịch vụ kỹ thuật, tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho Bệnh viện K Trung ương và các bệnh viện tuyến trên, giảm bớt chi phí điều trị, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.

Là một trong số những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã có nhiều phát triển vượt bậc về chuyên môn. BS CKII Đinh Thị Lan Oanh, Phó Giám đốc bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh viện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật theo đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn năm 2016-2020 với sự hỗ trợ từ đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật trong điều trị ung thư. Nhờ đó, đến nay Bệnh viện Bãi Cháy đã có Trung tâm Ung bướu lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Các chuyên gia của Bệnh viện K hỗ trợ đào tạo 69 lượt cán bộ, chuyển giao trên 70 lượt kỹ thuật phẫu trị, hóa trị, xạ trị, giải phẫu bệnh - tế bào học và y học hạt nhân…

Nhiều kỹ thuật mới được áp dụng sâu rộng trên thế giới như xạ hình tuyến giáp, xạ hình thận, xạ hình xương hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán giai đoạn bệnh, các di căn ung thư và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp; các kĩ thuật xạ trị như xạ trị bằng máy gia tốc, xạ trị điều biến liều IMRT giúp kiểm soát, tiêu diệt các khối u hiệu quả…

Ngoài ra, các kỹ thuật tiên tiến ít xâm lấn trong điều trị ung thư như nội soi – siêu âm can thiệp, nút mạch, đốt u bằng vi sóng... thực hiện thành công các phẫu thuật ung bướu phức tạp, có độ khó cao như phẫu thuật cắt khối tá tụy, phẫu thuật cắt gan, phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột non, phẫu thuật ung thư tuyến giáp…

Nhờ đó, người bệnh được điều trị hiệu quả ngay tại địa phương, giảm tổn thương đau đớn, rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến (tỷ lệ chuyển tuyến năm 2020 là 5,1% so với năm 2016 là 18,5%).

Là một trong số các bệnh viện nhận chuyển giao từ Bệnh viện E Trung ương, bác sĩ Nguyễn Văn Chung, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh và lồng ngực cho biết một thời gian thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch lồng ngực của Bệnh viện E, bệnh viện đã có sự phát triển vượt bậc. 100% cán bộ y tế trong nhóm tiếp nhận kỹ thuật đã được đào tạo chuyên môn phù hợp; 100% kỹ thuật được chuyển giao, thực hiện, duy trì tác nghiệp bền vững. Số lượng bệnh nhân được phẫu thuật tim mạch lồng ngực giai đoạn 2016-2020 tăng năm lần so với giai đoạn 2013-2015, giảm tối thiểu 15% tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến so trước khi thực hiện đề án.

Ngoài ra, theo bác sĩ Chung, nhờ bệnh viện vệ tinh mà bệnh viện cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở đạt chất lượng cao được nghiệm thu, ứng dụng trong hoạt động chuyên môn, không ngừng nâng cao trình độ đội ngũ.

Đề án Bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế triển khai thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tiếp tục triển khai cho các bệnh viện tuyến cơ sở. Mục tiêu nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.

Đến nay, theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hầu hết các bệnh viện tuyến dưới khi tham gia đề án bệnh viện vệ tinh đều có sự thay da đổi thịt. Bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, giảm tình trạng quá tải và người bệnh được hưởng kỹ thuật cao ngay tại địa phương.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/nguoi-benh-dieu-tri-tai-dia-phuong-chat-luong-trung-uong-272891.html