Người bảo tồn và phát triển nhiều loài cây dược liệu quý

Gần như cả cuộc đời hành nghề y học cổ truyền, đau lòng trước tình trạng nhiều cây thuốc quý trở nên khan hiếm, một số loài cây gần như không còn trong tự nhiên, ông Nguyễn Văn Cư, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bắc Cạn luôn trăn trở làm sao bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý hiếm. Ông mơ ước vùng trồng cây dược liệu sẽ giúp người dân quê mình xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu.

Khôi phục nhiều loài cây dược liệu quý

Đến đầu nhà ông ở thôn Khuổi Thiêu, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông (Bắc Cạn), chúng tôi đã cảm nhận được hương vị thuốc nam phảng phất. Ông Cư cho biết: “Từ năm mười tuổi, tôi đã theo ông nội lên rừng tìm cây thuốc nam chữa bệnh, năm nay 60 tuổi, như thế là đã có nửa thế kỷ học hỏi, chữa bệnh bằng y học cổ truyền”.

Chữa bệnh bằng y học cổ truyền, cần có các loại cây thuốc, nhưng ông bảo: “Nhiều hôm lần mò trên rừng cả ngày, tìm “đỏ mắt” không thấy loài cây mình cần, chúng gần như đã bị tuyệt chủng bởi tình trạng khai thác vô tội vạ dược liệu trong tự nhiên mà gần như không ai quản lý những năm qua, điển hình là cây ban lá dính, dân gian hay họi là cây xuyên tim, là một thành phần để chữa thiểu năng động mạch vành”.

Để phục hồi cây ban lá dính, ông Cư cùng một số lương y già ở địa phương lên tận vùng rừng núi vùng hồ Ba Bể tìm kiếm, đánh gốc về trồng lấy hạt nhân giống. Việc trồng được cây ban lá dính là cả một kỳ công của ông Cư. Ông tâm sự: “Hạt của loại cây này nhỏ li ti, tôi phải đưa vào vải túm lại, ngâm trong nước ấm 24 tiếng, rồi để lên gác bếp, sau đó ủ với cát vàng giữ ẩm một thời gian rồi lấy kính lúp ra soi, thấy hạt nứt ra thì đem gieo xuống đất”.

Mặc dù đã làm “đúng quy trình”, nhưng cây không mọc ở nơi gieo hạt, mày mò tìm hiểu, ông phát hiện cây mọc ở... tổ kiến. Ông kết luận, hạt ban lá dính bị kiến tha về tổ, chúng không ăn hết nên mọc thành cây con. Vụ sau, trước khi gieo hạt, ông dùng thuốc diệt kiến trên diện tích gieo và chung quanh nên đã bảo tồn được cây bán lá dính.

Năm vừa rồi lại thu hoạch ban lá dính, trên diện tích khoảng hai “bung” (2.000m2), ông Cư thu được 4,3 tạ cây khô, bán với giá 300 nghìn đồng/kg cho các nhà thuốc đông y, Viện Dược liệu, mang lại thu nhập cho gia đình hơn 120 triệu đồng. Ở địa phương, chưa có loại cây nào mang lại thu nhập cao như thế.

Nhà có diện tích đất vài héc-ta trong khe núi, ông đầu tư gần một tỷ đồng thuê máy xúc san ủi bằng phẳng, đào hố sâu, rộng, bón phân vô cơ, hữu cơ, trồng hơn mười nghìn gốc hà thủ ô đỏ để lấy củ, loại củ dùng làm thuốc bổ tỳ, thận, xanh tóc, đẹp da. Ông khoe, đến nay đã trồng được một năm, ba, bốn năm nữa sẽ cho thu hoạch, mỗi gốc chỉ cần thu 5 - 7 kg củ, giá trên thị trường là khoảng 170 nghìn - 180 nghìn đồng/kg, sẽ thu được một khoản. Chỉ tay lên những cánh rừng của gia đình ở gần đó, ông nói đang có hàng nghìn gốc ba kích dưới tán rừng do bản thân trồng đang phát triển tốt.

Không phải loại cây nào ông trồng cũng thành công. Điển hình là cây đằng sâm ông đưa trồng dưới ruộng, đang phát triển tốt thì gặp mưa, úng nước, cây thối rễ chết hết. Ông cho rằng, sang năm trồng cây này trên đồi, đất cao ráo thì chắc sẽ thành công.

Dù đã lục tuần, chân không còn nhanh nhẹn hoạt bát như trước, nhưng gặp ông lúc nào cũng thấy bận rộn, ngày nào không lên Hội Đông y tỉnh làm việc thì ông lại lần theo dòng suối đến vùng trồng cây thuốc của mình xem xét, đôn đốc người làm chăm sóc, bảo vệ cho tốt; đưa các đoàn khách tham quan việc trồng cây thuốc nam. Về nhà, ông lại cặm cụi nghiên cứu sách vở, bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh. Nhiều người nhận xét, ở tuổi ấy mà ông vẫn làm việc, đi lại, học tập như vậy thật đáng nể phục.

Mơ ước về một vùng cây dược liệu

Trồng cây ban lá dính có hiệu quả, ông Cư mách cho hàng xóm cùng trồng, ông thu mua hết. Ông Cư cho biết: “Rừng núi xã Hà Vị quê tôi vốn có nhiều loại cây thuốc quý mà nay hiếm quá, một số loại cây đã biến mất. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm tìm kiếm, bảo tồn và phát triển loại cây này để chữa bệnh, rồi phổ biến cho bà con cùng trồng để có thu nhập, mà là thu nhập khá từ trồng cây dược liệu”.

Cách đây ba năm, ông thành lập Hợp tác xã (HTX) Đông Nam Dược, là hợp tác xã trồng cây dược liệu duy nhất trên địa bàn tỉnh với 12 thành viên do ông làm Giám đốc.

Mỗi loại cây nhân giống được, trồng thành công, có thị trường tiêu thụ ông đều phổ biến, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật cho các thành viên trong HTX trồng. Ông kết hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên triển khai đề tài “Nghiên cứu phát triển vùng trồng dược liệu tỉnh Bắc Cạn”. Đề tài nghiên cứu sẽ đầu tư cho HTX một xưởng sơ chế cây dược liệu, đồng thời HTX Đông Nam Dược sẽ tiếp nhận, ứng dụng trồng cây dược liệu do đề tài nghiên cứu thành công trên thực tiễn.

Tỉnh Bắc Cạn đang có chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu. Mong muốn của ông Cư là xây dựng HTX Đông Nam Dược vững mạnh, ngày càng thu hút nhiều xã viên chung tay xây dựng vùng dược liệu quy mô đủ lớn ở Hà Vị, cung cấp nguyên liệu cho việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đồng thời xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân địa phương.

Hiện nay ông Cư đang trồng hơn mười nghìn gốc hà thủ ô đỏ.

Thời gian ở nhà, ông Cư bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH, TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/34168702-nguoi-bao-ton-va-phat-trien-nhieu-loai-cay-duoc-lieu-quy.html