Người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình phải được bảo mật thông tin!

Bạo lực gia đình gây thiệt hại cả về thể chất lẫn tinh thần, kinh tế cho nạn nhân. Chính vì vậy, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến quy định về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình để xử lý một cách kịp thời.

Theo dự thảo Luật, mọi cá nhân khi phát hiện dấu hiệu bạo lực gia đình có khả năng báo tin phải thực hiện báo tin, tố giác bạo lực gia đình tới các địa chỉ như:

Ủy ban nhân dân cấp xã gần nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình;

Cơ quan Công an gần nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình;

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình;

Đường dây quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình;

Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương;

Theo các đại biểu, ngoài việc bổ sung quy định về bảo vệ bí mật thông tin của người báo tin, dự thảo cũng cần như cơ chế xử lý, xác minh tin báo tố giác.

Ông CAO MẠNH LINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Nếu người trong cuộc không báo tin, không tố giác thì sẽ rất khó phát hiện, xử lý, trong khi đó với đặc điểm tâm lý tình cảm gia đình, truyền thống văn hóa, nếu chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, việc tố giác ngay với các cơ quan chức năng như quy định dự thảo sẽ rất khó khả thi. Có thể bổ sung quy định người bị bạo lực gia đình có thể báo tin đến nhóm phòng chống báo lực gia đình để tiếp nhận, xử lý, tư vấn bước đầu.

Bà TRẦN THỊ THU HẰNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: Trên thực tế, người báo tin thường là người thân hoặc hàng xóm, nếu không được pháp luật bảo vệ bí mật thông tin thì họ ngại báo tin tố giác vụ việc.

Ý kiến khác lại cho rằng, quy định quy trình xử lý, xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình còn nặng về thủ tục hành chính.

Bà LÝ ANH THƯ, Đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Kiên Giang: Người bạo lực thường không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do vậy cần bổ sung thêm quy định, ngay sau khi nhận tin tố giác về bạo lực gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay căn cứ vào thực tế mức độ vi phạm, sắp xếp chỗ ở, tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó mới tiến hành xử lý người bị bao lực theo quy định .

Ông VÕ MẠNH SƠN, Đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Thanh Hóa: Tôi đề nghị chỉnh sửa theo hướng Chủ tịch UNBD xã khi tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình có trách nhiệm chuyển ngay cho Công an cấp xã xác minh vì Công an cấp xã có quyền thẩm tra, xác minh sơ bộ về tin báo ban đầu.

Theo dự thảo Luật, hình thức báo tin về vụ việc bạo lực gia đình gồm: Gọi điện, nhắn tin; Gửi đơn, thư hay Trực tiếp báo tin.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nguoi-bao-tin-to-giac-ve-bao-luc-gia-dinh-phai-duoc-bao-mat-thong-tin