Người bạn của những cô dâu Việt kém may mắn tại Đài Loan

Người ta gọi chị Phạm Thu Hà, 35 tuổi, trú thành phố Đào Viên, Đài Loan là người bạn của những cô dâu Việt kém may mắn, gặp nhiều đau thương trong cuộc sống tại xứ người.

Chị Hà, người bạn của nhiều phụ nữ Việt tại Đài Loan - Ảnh nhân vật cung cấp

Chị Phạm Thu Hà (35 tuổi) quê ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Chị tới định cư tại Đài Loan đến nay đã được 15 năm và hiện là một thông dịch viên tự do, tham gia một số hiệp hội phi chính phủ có thể gặp gỡ, hỗ trợ cộng đồng người Việt. Chị chia sẻ: “Tôi mong muốn có cơ hội học hỏi trong mọi lĩnh vực và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam, nhất là những phụ nữ, bằng chút hiểu biết của mình”.

Chị Hà đang là thông dịch viên tại Đài Loan - Ảnh nhân vật cung cấp

San sẻ với phụ nữ bất hạnh

Theo chị Hà, trong cộng đồng người Việt tại Đài Loan, mọi người phải gánh vác trên mình những trọng trách khác nhau, và người chịu nhiều hy sinh hơn cả là các phụ nữ tới Đài Loan kết hôn, mưu sinh… “Nhiều lần tiếp xúc, nghe các chị em tâm sự, tôi luôn cảm nhận được những ao ước hạnh phúc nhỏ bé, bình dị của các chị, em nhưng vì mọi người quá nặng gánh, họ đành gạt tất cả nước mắt, vượt qua những khó khăn. Đây cũng là cơ duyên cho tôi được trò chuyện với những phụ nữ không có chỗ dựa, không biết cầu cứu ai khi mới bước chân tới mảnh đất xa lạ này”, chị Hà chia sẻ.

Gần đây nhất, tháng 11.2018, chị Hà nhận được điện thoại của một em gái tên T. cầu cứu, T. bị chồng và gia đình chồng người Đài Loan đe dọa bắt con không cho nuôi và muốn ly dị, trong khi T. qua Đài Loan chưa đầy 3 năm, em bé mới hơn 1 tuổi. Trình độ tiếng Trung của T. không tốt, cô cũng không am hiểu luật pháp. May mắn T. biết đến chị Hà, ân nhân của nhiều phụ nữ và cầu cứu.

“Em T. và gia đình chồng có mâu thuẫn, tôi cùng một thông dịch viên khác giàu kinh nghiệm lái xe đến nơi và nói chuyện với chồng của T., anh ta muốn ly dị ngay lập tức với T. và cho hay sẽ ký vào đơn ly dị đã viết sẵn. Anh ta hỏi tôi, nếu tôi ký đơn thì cả T. và con sẽ vĩnh viễn phải trở về Việt Nam, không được ở Đài Loan nữa đúng không. Tôi không nói gì. Chồng T. ký vào đơn ly hôn, chính bản thân anh này không hiểu luật pháp Đài Loan vì khi T. là người nuôi con, T. vẫn có quyền ở lại Đài Loan. Tôi chỉ thấy buồn cho ác tâm của con người, gia đình anh ta làm xong thủ tục thì ra về ngay, không hề thương xót em bé mới hơn 1 tuổi.”, chị Hà kể lại.

“Tôi còn nhớ mãi, em T. đưa cho tôi một lá thư đã viết cách đó gần nửa năm với ý định cùng con quyên sinh khi đã khi quá khổ cực. Em cảm ơn tôi và các chị đã giúp em trong lúc nguy khốn. Tôi khuyên em mọi chuyện đã qua và hãy cùng con sống tốt hơn. Hiện nay T. đã gửi con cho bà ngoại ở Việt Nam, còn em đang làm việc ở Đài, gửi tiền về nuôi con”, chị Hà xúc động.

Lá thư đẫm nước mắt của em T. - Ảnh chị Hà cung cấp

Một câu chuyện khác cũng luôn khiến chị Hà suy nghĩ, đó là một người phụ nữ Việt bất hạnh tên H.

Chị H. mưu sinh bằng nghề rửa chén bát cho các nhà hàng, chị và chồng đã lớn tuổi nhưng không có con, chồng chị chán nản sau khi làm ăn thất bại nên thường uống rượu. Một ngày người địa phương phát hiện chồng chị H. chết dưới chân cầu, chị H. là người thân duy nhất phải lo tang lễ cho chồng nhưng lại không đủ tiền để lo.

"Tôi cùng các chị em đến xin với chính quyền địa phương giúp đỡ chồng chị được an táng tập thể, đưa chị đi xin các thủ tục quyền lợi chị sẽ được hưởng. Cha mẹ chị H. đã mất, mỗi năm nơi xứ người khi đêm giao thừa tới chị thường chọn những siêu thị hay quảng trường lớn để cảm nhận sự đông vui của mọi người vì về nhà cũng chỉ có một mình. Mỗi tháng chị đi rửa bát, nhặt ve chai ở Đài Loan, gửi tiền về Việt Nam nuôi một người em bị mù”, chị Hà nghẹn ngào.

Mong ước có thể hỗ trợ phụ nữ Việt tại Đài Loan nhiều hơn

Chị Hà bộc bạch: “Tôi hạnh phúc, bình an khi có thể hỗ trợ được nhiều chị em gặp khó khăn ở xứ người do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Ngôn ngữ bất đồng, cuộc sống vất vả, họ không có thời gian nhiều để tìm hiểu nghiên cứu. Tôi có được sự động viên rất lớn từ các anh chị em ở cộng đồng Việt Nam trên đất Đài Loan, đó là niềm tin, động lực để tôi có thể giúp nhiều hoàn cảnh hơn nữa. Tôi luôn nghĩ rằng việc tích cực và tiêu cực trong một xã hội luôn đi song song cùng nhau. Điều tôi mong muốn ở cộng đồng Việt Nam tại Đài Loan đó là sự đoàn kết khăng khít hơn, vì cái chung nhiều hơn”.

Theo chị Hà, sắp tới chị và nhiều chị em thông dịch viên Việt Nam khác sẽ hoàn tất các thủ tục đăng ký với chính phủ Đài Loan một hiệp hội hỗ trợ phát triển thông dịch. Đây là một hiệp hội tổng hợp, trong đó chú trọng về đội ngũ phiên dịch được đào tạo kỹ năng tốt có thể giúp đỡ các chị em. Ngoài ra, hiệp hội này còn tuyên truyền các quyền lợi, nghĩa vụ, luật pháp tại Đài Loan tới các chị em, nhằm giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn.

Nói về chị Hà, chị Nguyễn Thu Hằng, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trung tâm Tựu Đế và Trường ĐH Đông Ngô, Đài Loan, cho hay chị cảm phục trước những hành động chị Hà đã và đang làm, hỗ trợ được không ít người Việt đang sống, mưu sinh tại xứ Đài: “Đó thật sự là một phụ nữ lan tỏa những điều tốt đẹp về tinh thần đùm bọc, hỗ trợ nhau lúc khó khăn của những người cùng một quê hương ở nước ngoài”.

Trong khi đó, chị Hồ Thị Ánh Nguyệt, 41 tuổi, phiên dịch tư pháp của Tòa án tối cao Đài Loan và tòa án địa phương, người đồng hành cùng chị Hà trong nhiều hành trình hỗ trợ, giúp đỡ các cô dâu Việt và phụ nữ Việt làm việc tại đây, cho hay: "Phạm Thu Hà là một thông dịch viên rất nhiệt huyết của đội thông dịch viên tại Đài Loan. Khi chúng tôi đi thông dịch cho nhiều chị em Việt Nam đang cư trú ở Đài Loan, Hà luôn sốt sắng với những trường hợp đang hoạn nạn, và giúp bằng cả cái tâm của mình".

Thúy Hằng

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/nguoi-ban-cua-nhung-co-dau-viet-kem-may-man-tai-dai-loan-1027570.html