Người bám trụ với nghề làm mặt nạ giấy bồi

Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi không thể thiếu vào dịp Tết Trung thu từ nhiều năm về trước, song hiện tại thị trường không còn mặn mà với mặt hàng này, nên đa số gia đình cũng bỏ nghề, chỉ còn duy nhất vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm) vẫn bền bỉ bám trụ với nghề truyền thống.

Đến số nhà 73 phố Hàng Than, sau khi băng qua dãy cầu thang của căn tập thể cũ, chúng tôi đến được gia đình của ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1954) và bà Đặng Hương Lan (sinh năm 1960). Trong căn gác lửng có diện tích khiêm tốn, họ dành phần lớn diện tích để phơi mặt nạ giấy bồi.

Để giữ được họa tiết một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh, người nghệ nhân cần phải vẽ rồi phơi hàng chục lần

Để giữ được họa tiết một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh, người nghệ nhân cần phải vẽ rồi phơi hàng chục lần

Trước đây, mặt nạ giấy bồi vốn được xem là một nghề truyền thống, là món đồ chơi từng rất được yêu thích, nhất là vào dịp Trung thu. Sở dĩ gọi là “giấy bồi” bởi một cái khuôn hình phải bồi thật nhiều giấy vào, rồi chồng lên nhau với độ dày vừa phải để cho ra một chiếc mặt nạ đúng chuẩn. Sau những thay đổi của thời gian, sự xuất hiện của công nghệ và đồ chơi hiện đại khiến món đồ chơi này dần thất thế, không còn được trẻ nhỏ yêu thích. Do đó, nhiều gia đình đã bỏ nghề, chỉ còn vợ chồng ông Hòa là những người duy nhất vẫn bền bỉ bám trụ với nghề truyền thống giữa lòng phố cổ.

Bà Lan tâm sự, từ năm lên 10 tuổi, bà đã được bố mẹ truyền nghề. Mỗi lần đi dọc con phố cổ Hà Nội lúc bấy giờ, các loại mặt nạ chú Tễu, ông Địa, Thị Nở… là thứ các cửa hàng làm ra nhiều đến đâu cũng không kịp bán. Không phải là thứ đồ chơi lấp lánh, nhưng với trẻ con lúc ấy, niềm ao ước là được bố mẹ mua cho mặt nạ giấy bồi và đèn kéo quân để đi chơi đêm trăng rằm. Do vậy, bà Lan quyết định học nghề cũng vì niềm yêu thích với những chiếc mặt nạ có đủ hình thù và màu sắc rực rỡ.

Sau này khi lấy chồng, bố mẹ bà Lan thấy ông xã của bà khéo léo, tỉ mỉ và yêu nghề này nên đã truyền lại những kinh nghiệm cần thiết. Trước đây, nghề làm mặt nạ giấy bồi chỉ là nghề phụ của 2 vợ chồng. Sau khi nghỉ hưu khoảng hơn chục năm trở lại đây, ông bà dành trọn thời gian và tình yêu với từng mảnh giấy bồi, con mực và nét vẽ cho từng khuôn hình. Qua thời gian, cùng với những kinh nghiệm của thế hệ trước, cùng với sự sáng tạo, bất kể mưa hay nắng, ông bà vẫn miệt mài trên căn gác nhỏ để sáng tạo ra từng chiếc mặt nạ.

Trải qua nhiều năm làm nghề, ông bà vẫn giữ cách làm truyền thống như cha ông để lại. Quy trình làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi thành công là cả một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Nguyên liệu gồm giấy A4, bìa vở học sinh, hồ được nấu từ bột sắn dây và các khuôn được đúc bằng bê tông với đủ mọi hình thù. Hiện nay, gia đình ông Hòa đang có gần 30 khuôn mặt nạ khác nhau gồm cả những mặt nạ hình truyền thống và hiện đại như mặt nạ hình ông Địa, chú Tễu, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, siêu nhân… phù hợp với thị hiếu. Sau khi có khuôn, người nghệ nhân bắt đầu thực hiện công đoạn quét hồ vào lớp giấy A4 và bồi dần dần vào khuôn. Sau lớp A4 đến lớp thứ hai là lớp bìa, lớp thứ ba, thứ tư là lớp giấy học sinh tùy theo độ dày mỏng của mặt nạ. Đây là công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận để mặt nạ căng, mịn và không bị nhăn.

Vừa trò chuyện ông Hòa vừa vẽ từng nét sơn lên mặt nạ vừa thủ thỉ tâm sự: “Cuối cùng là công đoạn tô sơn. Từng lớp sơn được tô vẽ tỉ mỉ, khéo léo lên từng chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu phải được thực hiện cẩn thận, không được vội vàng vì nếu nét vẽ không chuẩn sẽ xấu ngay, mất đi cái “hồn” của mặt nạ. Làm nghề này quan trọng nhất là sự kiên trì, tỉ mỉ và phải có một chút khéo tay cùng với sự yêu nghề nữa”.

Theo đó, để giữ được họa tiết một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh, người nghệ nhân cần phải vẽ rồi phơi hàng chục lần. Việc này đòi hỏi mặt nạ phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh, khó đeo và không được đẹp mắt. Chính vì thế, một trong những yếu tố để món đồ chơi được đẹp đó là dựa vào yếu tố thời tiết. “Những ngày có nắng thì làm vô tư, nhưng ngày mưa thì vợ chồng tôi tạm nghỉ, khách có gọi nhiều thì cũng đành phải hoãn”, ông Hòa nói.

Hiện nay, mỗi ngày vợ chồng ông Hòa làm được 10-20 chiếc mặt nạ. Những ngày lễ tết, Trung thu số lượng hàng bán ra sẽ nhiều hơn. Trước dịp lễ khoảng một tháng, ngày nào vợ chồng ông bà cũng dậy từ sớm ngồi vẽ, rồi sắp xếp hàng để chuyển cho khách đến mang đi. Khách hàng của ông bà chủ yếu là các cửa hàng quen, những người lái buôn quen mối lấy về mang đi khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung bán lại. Ngoài ra, vào dịp Trung thu, đích thân bà Lan cũng chở hàng trăm chiếc mặt nạ ra phố Hàng Lược bày bán. Sản phẩm làm ra cầu kỳ là thế song mức giá nằm trong khoảng 20.000 - 50.000 đồng/chiếc tùy độ phức tạp.

Đã có lúc tưởng chừng phải dừng lại vì sự xâm lấn của đồ chơi Trung Quốc, trẻ em thờ ơ với đồ chơi truyền thống. Cũng có lúc gia đình ông bà phải đề phòng những người đến tìm hiểu với ý định làm giả, làm nhái các mẫu mã của mình. Nhưng bằng lòng say mê, vợ chồng ông bà vẫn bám trụ lấy nghề. Điều mà ông Hòa, bà Lan băn khoăn nhất hiện nay đó chính là nguy cơ mai một của nghề vì ông bà đã là những người thợ cuối cùng làm nghề ở Hà Nội.

Nặng lòng với công việc đang làm, không đành lòng khi để món đồ chơi gắn với tuổi thơ của bao thế hệ trôi vào dĩ vãng, những năm gần đây ông bà luôn cố gắng đưa nghề đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mỗi dịp Trung thu, ông bà tham gia sự kiện, giới thiệu nghề làm mặt nạ giấy bồi cho lớp trẻ. Nhiều phụ huynh còn tìm đến gặp và cảm ơn ông bà đã giữ nghề, để con họ biết được ngày xưa bố mẹ đã từng có những đồ chơi như thế. Thậm chí đã có bạn trẻ tìm đến tận nhà ông bà để theo học làm mặt nạ giấy bồi…

Ngày nay, gia đình ông Hòa, bà Lan vẫn luôn là địa chỉ mở rộng cánh cửa chào đón những đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết để làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi đẹp về hình thức, tốt về chất lượng và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, bằng tâm huyết và tất cả tình yêu dành cho nghề làm mặt nạ giấy bồi, ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan đang góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ gìn một giá trị văn hóa đẹp đang có nguy cơ mai một theo thời gian.

P. Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-bam-tru-voi-nghe-lam-mat-na-giay-boi-112172.html