Người Bali giận dữ với dòng tweet của vị khách du lịch

Dư luận Indonesia dậy sóng trước cuốn cẩm nang giới thiệu 'lối sống thượng lưu với chi phí thấp' ở Bali của Kristen Gray - dân du mục công nghệ người Mỹ - hiện lưu trú trên đảo.

Zing trích dịch bài đăng trên SCMP, đề cập đến xu hướng du khách quốc tế lợi dụng lòng hiếu khách của cư dân bản địa để sống xa xỉ, vi phạm quy định phòng dịch tại đảo Bali (Indonesia).

"Du khách tới đây không quan tâm tới văn hóa, chỉ để tâm tới số lượng người theo dõi trên mạng xã hội”, Anton Muhajir - một cư dân đảo Bali - nói.

Dân mạng nước này cho rằng nữ du khách 28 tuổi đang lợi dụng ưu đãi đối với du khách nước ngoài và áp đặt quan điểm phương Tây lên lối sống của người dân tại hòn đảo.

Cụ thể ngày 16/1, Kristen Gray giới thiệu cuốn cẩm nang du lịch Bali do cô thực hiện trên Twitter cá nhân. Cô nhấn mạnh rằng cuộc sống nơi đây “an toàn, chi phí thấp, đời sống xa hoa, thân thiện với cộng đồng LGBT và người da màu”.

Ngoài cuốn sách điện tử trị giá 30 USD, cô còn chia sẻ thông tin về đơn vị cấp visa, hướng dẫn di chuyển tới Indonesia giữa mùa dịch và cung cấp dịch vụ tư vấn trong 45 phút với giá 50 USD cho những ai tò mò về cuộc sống trên đảo Bali.

 Kristen Gray (trái) và bạn đồng hành buộc phải trở về Mỹ vì vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh ở đảo Bali, Indonesia. Ảnh: AP.

Kristen Gray (trái) và bạn đồng hành buộc phải trở về Mỹ vì vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh ở đảo Bali, Indonesia. Ảnh: AP.

Đáng nói, vụ việc xảy ra trong bối cảnh chính phủ Indonesia đang áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài, ngoại trừ giới chính trị gia, nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lan rộng.

Đây không phải lần đầu nước này xảy ra trường hợp du khách quốc tế coi thường quy định phòng chống dịch bệnh. Vào tháng 6/2020, một công dân Syria buộc phải về nước vì tổ chức buổi tập yoga quy mô lớn giữa mùa dịch. Thậm chí, nhiều người còn không tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người…

Kể từ khi mở cửa du lịch nội địa vào tháng 8/2020, đảo Bali gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, nơi đây ghi nhận 22.906 ca nhiễm Covid-19, với 612 ca tử vong.

Giọt nước tràn ly

Nghệ sĩ Gus Dark, nhà hoạt động về môi trường và xã hội người Bali, nói rằng sự việc Kristen Gray là “giọt nước tràn ly” với cư dân bản địa - những người đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ xu hướng phát triển du lịch đại trà.

Từ trước tới nay, đảo Bali nổi tiếng với khung cảnh thanh bình và những bãi biển lướt sóng tuyệt đẹp. Theo SCMP, nơi đây thu hút 16 triệu lượt tham quan vào năm 2019, trong đó 6,3 triệu lượt là du khách nước ngoài.

Bali trở thành điểm đến lý tưởng với người trẻ, đặc biệt là dân du mục công nghệ. Ảnh: Nothing Familiar.

Vài năm gần đây, Bali trở thành điểm đến lý tưởng với người trẻ, đặc biệt là dân du mục công nghệ. Chỉ với một chiếc laptop và mạng Internet, họ có thể vừa làm việc, vừa nghỉ dưỡng tại hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường nhiệt đới”.

“Nhiều người nước ngoài lưu trú tại đây tự cho mình đặc quyền vì được cư dân trên đảo đối xử như ‘ông vua, bà chúa’”, Gus Dark thẳng thắn bày tỏ với SCMP.

Trên mạng xã hội Twitter, tài khoản có tên @redfoldlore cũng chỉ trích một bộ phận du khách tại Bali vì sống sung sướng, xa xỉ nhờ visa du lịch mà không đóng thuế cho chính phủ Indonesia. Trong khi đó, người dân địa phương phải chật vật kiếm sống qua ngày.

Những du khách không được chào đón

Mới đây, Cơ quan Quản lý Nhập cư Indonesia quyết định trục xuất Kristen Gray và bạn đồng hành vì lan truyền thông điệp “nhập cảnh dễ dàng ngay cả trong mùa dịch”. Ngày 21/1, cả 2 buộc phải trở về Mỹ.

Trước đó, vào tháng 7/2020, 2 du khách người Nga đã bị trục xuất vì mở lớp dạy yoga trên đảo. Ngay tháng sau, một người Italy cũng buộc phải về nước vì tổ chức dịch vụ tâm linh trực tuyến. Cả 2 trường hợp trên đều lợi dụng thời hạn visa du lịch để kinh doanh, kiếm sống trên đảo.

Ni Luh Djelantik, một nhà hoạt động xã hội tại Bali, hoàn toàn ủng hộ quyết định của Cơ quan Quản lý Nhập cư. Thậm chí, anh còn gọi những đối tượng khách tham quan trên là “rác rưởi”.

“Cần siết chặt luật pháp để Bali không còn những du khách thiển cận, lợi dụng lòng hiếu khách của người dân bản xứ để làm mọi thứ theo ý mình”, cô nói với SCMP.

Cặp influencer người Cộng hòa Séc Zdenek Slouka (bên trái) và Sabina Dolezalova (thứ 2 từ trái sang) cầu nguyện tại đền Beji trên đảo Bali sau khi đăng tải video khiếm nhã trong kỳ nghỉ dưỡng tại đảo. Ảnh: AFP.

Anton Muhajir, thành viên cổng báo chí trực tuyến Bale Bengong, khẳng định người ngoại quốc luôn được chào đón ở Bali, song không ít kẻ lại thực hiện hành vi kỳ quặc, gây nguy hại tới môi trường và con người.

“Những vụ việc kể trên cho thấy chất lượng du lịch ở Bali ngày càng giảm sút. Nhiều người tới Bali không vì tình yêu du lịch mà chỉ muốn có nội dung để đăng tải lên mạng xã hội. Họ không quan tâm tới văn hóa, chỉ để tâm tới số lượng người theo dõi của mình”, anh nói.

Đối với Gus Dark, những hành vi trục lợi như Kristen Gray là không thể chấp nhận được. “Kinh tế Bali phụ thuộc vào du lịch, song du lịch bền vững vẫn tốt hơn du lịch đại trà như hiện tại”.

Trang Minh (Theo SCMP)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-bali-gian-du-voi-dong-tweet-cua-vi-khach-du-lich-post1176944.html