Người bác sỹ Nhật đem ánh sáng đến hàng chục nghìn người nghèo khắp Việt Nam

Trong hơn 10 năm qua, bác sỹ Tadashi Hattori cùng các bác sỹ nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã liên tục có những chuyến thăm khám và mổ mắt miễn phí tại tỉnh Bắc Kạn.

Bác sỹ Tadashi Hattori đang mổ mắt cho bệnh nhân Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Diệp

Một ngày thứ Năm của tháng 5/2018, bà Vừ Thị Sải trú tại Cốc Nọt, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cùng với người cháu nội của mình là Vừ Thị Chữ rời nơi cư trú của mình tại Cốc Nọt, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm để xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thăm khám và chờ được bác sỹ Tadashi Hattori cùng với một số bác sỹ Việt Nam mổ mắt thay thủy tinh thể.

Trước đó vài tháng, bà Vừ Thị Sải đã được cán bộ y tế xã xuống phổ biến về chương trình có bác sỹ người Nhật và Việt Nam về địa phương thay thủy tinh thể.

Một gia đình thuần nông với thu nhập hàng tháng rất thấp khó có thể có điều kiện thay thủy tinh thể ở các thành phố lớn, vậy nên khi nghe tin được thay miễn phí, gia đình bà rất phấn khởi và đã quyết định sắp xếp công việc đồng áng để xuống thành phố với mong muốn cho bà được nhìn thấy sau nhiều năm thị lực suy giảm nghiêm trọng vì tuổi già.

Đường đèo núi xa xôi, đi lại khó khăn và vất vả nhưng bởi quá mong muốn được mổ mắt lấy lại thị lực nên dù đã 92 tuổi bà Sải vẫn cố gắng bám chặt người cháu, hai bà cháu đi xe máy hơn 100 cây số xuống nhà người quen ở thành phố Bắc Kạn ở nhờ để thăm khám và chờ mổ mắt.

 Bà Vừ Thị Sải trú tại Cốc Nọt, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cùng người cháu nội đã đi xe máy hơn 100km xuống thành phố Bắc Kạn để được phẫu thuật thay thủy tinh thể. Ảnh: Ngọc Diệp

Bà Vừ Thị Sải trú tại Cốc Nọt, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cùng người cháu nội đã đi xe máy hơn 100km xuống thành phố Bắc Kạn để được phẫu thuật thay thủy tinh thể. Ảnh: Ngọc Diệp

Sau đó một ngày, vào buổi sáng sớm ngày thứ Sáu của tháng 5/2018, từ 5 giờ sáng, bác sỹ Tadashi Hattori cùng bác sỹ Phạm Thu Minh, bác sỹ Trần Minh Đạt hiện đang công tác tại Viện Mắt Trung ương; bác sỹ Hoàng Văn Chính, bệnh viện Quảng Yên - Quảng Ninh cùng phiên dịch và nhóm nhân viên hỗ trợ đến từ Bệnh viện Mắt quốc tế Nhật bản và bệnh viện Quảng Yên - Quảng Ninh đã bắt đầu các công tác chuẩn bị cho chuyến thăm khám và thay thủy tinh thể cho khoảng 80 bệnh nhân nghèo đến từ các huyện khác nhau thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Đúng 7 giờ 30 phút, xe xuất phát từ Hà Nội. 11 giờ trưa đến nơi, đoàn bắt tay ngay vào các công tác lắp đặt máy móc, phòng mổ cùng với sự hỗ trợ của các bác sỹ, điều dưỡng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Trong vòng 2 ngày, với sự tập trung cao độ, nhóm các bác sỹ đã phẫu thuật mắt thành công cho 73 bệnh nhân. Kết quả sau một ngày kiểm tra cho thấy thị lực của các bệnh nhân đều tốt.

Theo kế hoạch ban đầu, nhóm bác sỹ sẽ phẫu thuật cho khoảng 80 bệnh nhân, thế nhưng sau đó khi điều kiện sức khỏe của một số bệnh nhân không thể đáp ứng được nên số bệnh nhân phẫu thuật đã giảm đi.

Trong hơn 10 năm qua, bác sỹ Tadashi Hattori cùng các bác sỹ nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã liên tục có những chuyến thăm khám và mổ mắt miễn phí tại tỉnh Bắc Kạn. Tổng số bệnh nhân ở Bắc Kạn được nhóm bác sỹ khám và mổ mắt ước tính khoảng gần 1.000 người, theo con số được cung cấp bởi Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Bắc Kạn.

Chuyến đi được nói đến ở đầu bài viết chỉ là một trong số hàng trăm chuyến đi mà bác sỹ Tadashi Hattori cùng các cộng sự của mình đến từ Viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Bưu Điện, Bệnh viện mắt Quốc tế Nhật bản thực hiện trong suốt hơn 15 năm qua đến nhiều địa phương trên khắp Việt Nam như Quảng Ninh, Tây Nguyên, Bình Phước, Cà Mau…để thực hiện những ca phẫu thuật mắt miễn phí nhằm đem lại thị lực cho người nghèo.

Câu chuyện về bác sỹ Tadashi Hattori đã từng được nhiều cơ quan truyền thông, báo chí của cả Nhật và Việt Nam đưa tin. Đầu năm 2016, đài truyền hình NHK của Nhật từng làm hẳn một phóng sự dài nói về những nỗ lực của bác sỹ Tadashi Hattori đối với các bệnh nhân mắt nghèo ở Việt Nam.

Theo số liệu mà NHK có được, bác sỹ Tadashi Hattori trong hơn 15 năm đã phẫu thuật mổ mắt thay thủy tinh thể cho khoảng 15 nghìn bệnh nhân nghèo tại Việt Nam.

Nhưng điều lớn hơn mà bác sỹ Tadashi Hattori làm được, theo chia sẻ của bác sỹ Hoàng Văn Chính, bệnh viện Quảng Yên – Quảng Ninh nơi bác sỹ Tadashi từng đến thăm khám và phẫu thuật mắt nhiều lần cho bệnh nhân, chính là việc bác sỹ truyền lại nhiều kinh nghiệm, kiến thức phẫu thuật mắt cho các bác sỹ địa phương.

Bệnh nhân nghèo hạnh phúc cám ơn bác sỹ khi nhìn lại được bình thường sau nhiều năm suy giảm thị lực do khó khăn không có tiền chữa bệnh. Ảnh: Ngọc Diệp

Quan trọng hơn nữa ở mỗi bệnh viện địa phương nơi bác sỹ Tadashi Hattori đến, khi nhận thấy trang thiết bị ở địa phương thiếu thốn, bác sỹ đã kêu gọi thêm các nguồn tài trợ trang thiết bị nhãn khoa cho bệnh viện địa phương.

Nhờ vậy, sau này kể cả khi bác sỹ Tadashi Hattori không có điều kiện đến địa phương đó nữa, địa phương sẽ vẫn duy trì được việc khám chữa bệnh với kỹ thuật cao hơn và thiết bị hiện đại hơn cho bệnh nhân nghèo ở địa phương.

Khi được hỏi tại sao ông lại làm như vậy, bác sỹ Tadashi Hattori trả lời: “Chính bố tôi đã truyền cảm hứng để tôi sống nhiều hơn cho các mục đích thiện nguyện. Trước khi ông chết, ông bảo tôi hãy luôn sống vì mọi người.

Sau này, một người thầy đã dậy tôi rằng: “Hãy luôn đối xử với bệnh nhân như cha mẹ của mình”.

Chính bố của bác sỹ Hattori đã qua đời vì sự tắc trách của bác sỹ điều trị bệnh, vì vậy ông đã quyết định học ngành y để cứu người.

Từ năm 2002, bác sỹ Hattori đã phẫu thuật miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời ông cũng đào tạo tay nghề cho nhiều bác sỹ khác. Bác sỹ Hattori tốt nghiệp ngành Y khoa tại Đại học Kyoto, một trong 8 trường đại học uy tín nhất tại Nhật. Sau đó ông làm việc tại nhiều bệnh viện ở Nhật. Gần nhất ông công tác tại viện Hamamatsu, tỉnh Shizuoka.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe đã không còn được tốt như mười mấy năm trước khi bắt đầu nghỉ việc để bắt đầu sang Việt Nam dài hạn thực hiện công việc thiện nguyện, ông đang cố gắng tạo nền móng để sau này hoạt động thiện nguyện vẫn tiếp tục ngay cả khi điều kiện sức khỏe của ông không còn cho phép.

Sự thành công của các chuyến đi từ thiện có được cũng là nhờ sự hỗ trợ rất nhiệt tình, không quản ngại đường sá xa xôi vất vả của nhiều bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Quốc tế Nhật, Bệnh viện Bưu điện và bệnh viện các địa phương nơi đoàn đến. Ngoài ra là sự hỗ trợ và ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.

Những tấm lòng của các bác sỹ Nhật, Việt Nam cũng như tinh thần vì cộng đồng của lãnh đạo các tỉnh thực sự đã mang đến thay đổi lớn trong cuộc sống của rất nhiều người nghèo tại Việt Nam.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/nguoi-bac-sy-nhat-dem-anh-sang-den-hang-chuc-nghin-nguoi-ngheo-khap-viet-nam-3450915.html