Người bác sỹ nhân từ và những ca phẫu thuật 'lịch sử'

Tên của Ths.Bác sĩ Đinh Xuân Huy- Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em, BV Tim Hà Nội thường gắn với những ca phẫu thuật phức tạp, khó khăn, hy hữu trong lịch sử y khoa. Với trình độ tay nghề vừng vàng, anh đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh, mang lại cho người bệnh và các em nhỏ trái tim khỏe mạnh hơn.

Bác sỹ Đinh Xuân Huy đã công tác tại BV Tim Hà Nội từ ngày BV này mới thành lập. Cũng đã 15 năm trôi qua. 15 năm ấy, rất nhiều bệnh nhân đã vượt qua bệnh hiểm nghèo nhờ bàn tay vàng của bác sỹ Huy. Mới đây nhất, trong năm 2018, bác sỹ Đinh Xuân Huy cùng kíp phẫu thuật đã thực hiện ca phẫu thuật hy hữu cho bé Trần Gia Lộc, vừa mới sinh được một giờ đồng hồ, nặng 2,9 kg nhưng bé đã mắc bệnh tim bẩm sinh hiểm nghèo. Bệnh nhi được chẩn đoán từ trước sinh - bệnh tim bẩm sinh nặng, chuyển vị đại động mạch. Sau khi sinh tại BV Phụ sản Trung ương, bệnh nhi được chuyển sang BV Tim Hà Nội cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nong ống động mạch và truyền thuốc để duy trì ống động mạch. Tuy nhiên, hiệu quả của nong ống động mạch không đạt như mong muốn, dẫn tới trẻ suy tim nặng hơn và các biến loạn trong cơ thể rất nặng, toan chuyển hóa sâu. Trước lựa chọn sinh tử, Ban giám đốc BV chỉ đạo phẫu thuật đặt lại vị trí hai đại động mạch cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật có thể nói là hy hữu từ trước tới nay ở Việt Nam khi bệnh nhi còn quá nhỏ.

Bs Đinh Xuân Huy trong một ca phẫu thuật tim. Ảnh: M.Miên

Bs Đinh Xuân Huy trong một ca phẫu thuật tim. Ảnh: M.Miên

Lúc đó, gia đình của bé Trần Gia Lộc cũng đã xác định tinh thần về việc con mình bị mắc bệnh quá hiểm nghèo lại mới sinh chưa đầy một ngày tuổi.

Bác sỹ Đinh Xuân Huy nhớ lại: “Bé Gia Lộc được chẩn đoán từ trước sinh - bệnh tim bẩm sinh nặng, chuyển vị đại động mạch. Thông thường sẽ phải để chậm lại tránh một cuộc đại phẫu chờ cháu được 1-2 tuần tuổi thì mới phẫu thuật. Trường hợp bé Gia Lộc chúng tôi phải quyết định mổ bởi nếu để muộn bé sẽ không thể sống được”. Điều kỳ diệu đã đến, sau hơn 1 tháng được phẫu thuật bé Trần Gia Lộc đã được xuất viện về trong vòng tay của ông bà, bố mẹ.

Có lẽ, bác sỹ Huy vừa có duyên vừa là người mà lãnh đạo BV Tim Hà Nội gửi gắm sự tin tưởng vào trình độ chuyên môn nên nhiều ca bệnh hy hữu đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ “bàn tay vàng” của anh. Vào năm 2016, bác sỹ Huy cùng các đồng nghiệp cũng đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi 9 ngày tuổi, nặng 1,47kg, mắc bệnh còn ống động mạch. Đây là ca mổ cho bệnh nhi có cân nặng nhỏ nhất từ trước đến nay tại BV Tim Hà Nội. Bệnh nhi này là một trong hai bé sinh đôi sinh ở 37 tuần tuổi. Trong khi bé kia hoàn toàn khỏe mạnh thì bé còn lại không may mắc bệnh còn ống động mạch. Giữa năm 2016, bé được chuyển đến BV Tim Hà Nội trong tình trạng da tái xanh. Các bác sĩ ở đây đã hội chẩn, thống nhất phải mổ sớm và mổ bằng được để đóng ống động mạch, nếu không cháu bé sẽ gặp nguy hiểm. Ca mổ do bác sỹ Đinh Xuân Huy mổ chính.

Theo chia sẻ của bác sỹ Đinh Xuân Huy, khó khăn nhất khi thực hiện ca này là việc gây mê hồi sức, chứ kỹ thuật mổ thì các bác sĩ hoàn toàn tự tin. Lúc đó, do cháu bé có cân nặng thấp, nên các trang bị, dụng cụ mổ yêu cầu rất đặc biệt. Riêng việc chọc ven cho bé rất khó, đặt xông tiểu thì không đặt được... Sau khi lên các phương án, chuẩn bị rất công phu, bác sĩ mổ đã cắt khâu ống động mạch, đưa quả tim cháu bé trở về bình thường.

Không phải tới bây giờ, bác sỹ Huy mới cầm dao mổ chính những ca bệnh hy hữu và khó. Từ lúc còn là một bác sỹ trẻ, anh đã điều trị những ca bệnh rất khó. Có những trường hợp bệnh ngoài dự kiến mà chỉ tới khi “đụng dao mổ” mới biết. Ca phẫu thuật cho cháu Lãnh Quang Huy năm 2012 bị tim bẩm sinh là một trường hợp đặc biệt như vậy.

Năm 2005, khi bé Huy 4 tuổi, được gia đình đưa tới BV Tim Hà Nội khám và phát hiện bị hạch khít dưới van động mạch chủ (ĐMC) và van ĐMC bị dị dạng bẩm sinh. Khi đó, cháu được một giáo sư người Pháp, cũng là người thầy của bác sỹ Đinh Xuân Huy phẫu thuật cho. Vị giáo sư này đã cắt bỏ phần hẹp dưới van ĐMC, cháu bé quá không thể can thiệp được phần van ĐMC.

7 năm sau, bệnh nhi Huy được đưa vào cấp cứu tại BV Tim Hà Nội trong tình trạng suy tim độ 4, tim to bằng người trưởng thành, hẹp van 2 lá, chênh áp 125/70mmHg, nếu không mổ sẽ tử vong. Thế nhưng, bệnh tình của cháu hết sức nan giải ở chỗ cháu còn quá nhỏ, van ĐMC không sửa chữa được, nếu phải bỏ thì có hai tình huống đặt ra: Sửa chữa hở van 2 lá và giải quyết hẹp van động mạch chủ. Hở van hai lá thì tại BV đã làm nhiều ca nên không khó khăn gì, nhưng hẹp van ĐMC bẩm sinh, cháu chưa đến tuổi thay và cũng “bói” không ra van ĐMC thay thế (các van ĐMC của người trưởng thành nhỏ nhất cũng không vừa).

“Sau khi kết luận tình trạng của bệnh nhân, tôi vừa buồn vừa thương cháu tuổi còn quá nhỏ mà đã mang trọng bệnh. Tôi suy nghĩ rất nhiều vì nếu không mổ thì cháu sẽ chết, mà mổ rồi không có cái thay thì cháu cũng chết. Nếu bình thường có thể lấy van động mạch phổi (van ĐMP) ghép sang van ĐMC, nhưng ở bệnh nhân này lại không thể thực hiện được, vì van ĐMP hở ba phần tư, suy tim độ 4, lại đã từng mổ 7 năm trước nên rất khó khăn” – bác sỹ Đinh Xuân Huy nhớ lại.

Trước tình huống này, bác sỹ Đinh Xuân Huy vẫn quyết định mổ với một hy vọng mong manh là hở van ĐMC 2 cánh có thể sửa chữa được. Nhưng khi mở van ĐMC thì nó chỉ còn lại 2 cục xơ, không có khả năng sửa chữa. Thay van ĐMC đối với trẻ nhỏ là lần đầu tiên bác sỹ Huy thực hiện từ ngày ra trường và nó cũng là ca thay thế lần đầu tiên do BV Tim Hà Nội thực hiện. Cả kíp mổ ngày hôm ấy đã trải qua cuộc “vật lộn” kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ để giành lại sự sống cho cháu Huy. Sau hơn 1 tháng nằm tại khoa hồi sức, cháu Huy đã được xuất viện.

Năm 2018, với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, bác sỹ Đinh Xuân Huy đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Băng khen. Còn với bác sỹ Huy và tập thể cán bộ, bác sỹ BV Tim Hà Nội, món quà lớn nhất là sau phẫu thuật, các bệnh nhi sẽ trở thành đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, lớn lên không có di chứng của bệnh tim bẩm sinh…

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-bac-sy-nhan-tu-va-nhung-ca-phau-thuat-lich-su-140072.html