Bác sĩ kể quyết định bước ngoặt trong ngày đầu chống dịch Covid-19

Bác sĩ Cấp gọi quyết định của ông và đồng nghiệp thời điểm đó là 'liều lĩnh' vì không đúng với sách vở và những khuyến cáo sẵn có. Tuy nhiên, sự mạo hiểm ấy đã đem lại những hiệu quả đáng kinh ngạc.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sinh năm 1970, là 1 trong 10 cá nhân được đề cử tặng thưởng danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô năm 2020. Ông cũng là đại diện duy nhất của ngành y tế có mặt trong danh sách này.

Ông Cấp cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đóng góp rất to lớn trong việc khống chế thành công dịch Covid-19, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch tại miền Bắc. Đến ngày 29/9, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 264 ca Covid-19, trong đó 258 trường hợp đã được chữa khỏi.

Những quyết định mang tính bước ngoặt

Cuối tháng 1, miền Bắc ghi nhận các ca Covid-19 đầu tiên, được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Lúc này, hiểu biết chung về Covid-19 trên thế giới chưa nhiều, kiến thức sẵn có chỉ là một số kinh nghiệm gom nhặt từ Vũ Hán (Trung Quốc). Hầu hết quan điểm, kỹ thuật, chiến lược điều trị ở các nơi đều dựa trên kiến thức của các bệnh lý tương tự Covid-19 như SARS, MERS-CoV, cúm…

Xác định phương án điều trị căn cứ trên hiểu biết về các bệnh cũ có thể không đúng khi áp sang bệnh mới, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp luôn cố gắng theo sát diễn tiến bệnh nhân, liên tục tìm hướng điều trị tốt nhất.

Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Đầu tháng 3, một bệnh nhân nam trung tuổi có diễn tiến nguy kịch, là một trong những ca nặng đầu tiên của cả nước. Nếu áp theo những kiến thức cũ của cúm hay SARS, trường hợp này phải đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO. Tuy nhiên, khi thăm khám trực tiếp, các bác sĩ quyết định có thể can thiệp cho bệnh nhân bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập.

Bác sĩ Cấp gọi quyết định của ông và cộng sự thời điểm đó là “liều lĩnh”, bởi nếu đối chiếu với sách vở, can thiệp trên chưa đúng. Tuy nhiên, kíp bác sĩ vẫn rất kiên định với chiến lược của mình. Sau một thời gian chăm sóc tích cực, bệnh nhân không cần đến thở máy hay chạy ECMO, đáp ứng điều trị và dần hồi phục.

“Ca bệnh này giúp chúng tôi vững tin trong việc thay đổi chiến lược điều trị, có ý nghĩa rất lớn nếu dịch bệnh lan rộng, máy thở và thiết bị ECMO không đủ để đáp ứng. Rất mừng là sau này, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng có quan điểm tương tự chúng tôi”, ông Cấp chia sẻ.

Giữa tháng 3, hai nhân viên y tế đầu tiên tại bệnh viện bị nhiễm chéo SARS-CoV-2 từ bệnh nhân dù tuân thủ rất tốt các quy định phòng hộ. Đó là lúc bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp phải lật ngược lại quan điểm về phòng hộ.

Các bác sĩ xác định, Covid-19 không lây truyền hạn chế mà lây truyền dễ dàng từ người sang người. Bên cạnh đó, đường lây truyền của virus trong phòng hồi sức cấp cứu, hay trong môi trường kín như máy bay không chỉ qua giọt bắn nhỏ mà còn qua khí dung.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Ngay lập tức, bệnh viện quyết định nâng nguy cơ lây nhiễm trong phòng hồi sức cấp cứu lên một bậc, thay vì nhân viên y tế chỉ sử dụng khẩu trang N95, mạng che mặt, găng tay, quần áo phòng hộ, cần có thêm mũ trùm đầu và máy lọc khí.

Thiết bị này không sẵn có, bởi vậy, các bác sĩ phải tìm cách thiết kế, sáng tạo trên những vật dụng đang có. May mắn, sau khi những thiết bị ấy được đưa vào sử dụng, bệnh viện không có thêm nhân viên y tế lây nhiễm chéo SARS-CoV-2.

Những thiết bị này cũng được các bác sĩ đem theo trong chuyến bay đón đoàn 219 công dân Việt về từ Guinea Xích Đạo hồi cuối tháng 7. Chuyến bay có nguy cơ lây nhiễm rất cao bởi không gian máy bay rất kín, hẹp, trong khi số lượng bệnh nhân dương tính lại chiếm tới hơn 50%.

“Thời điểm công bố toàn bộ tổ y tế, phi hành đoàn đều khỏe mạnh, an toàn, không ai bị lây nhiễm chéo sau chuyến đi, chúng tôi rất hạnh phúc, cảm thấy tất cả nỗ lực đã gặt hái được thành công”, bác sĩ Cấp nói.

Chiếc mũ trùm đầu các bác sĩ sáng tạo được đưa vào sử dụng trên chuyến bay đón đoàn 219 công dân Việt về từ Guinea Xích Đạo

Sau này, bác sĩ Cấp và bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, đã đem những kinh nghiệm có được để chia sẻ lại cho các đồng nghiệp tại tâm dịch miền Trung, giúp họ tự tin hơn trong điều trị.

Ký ức đáng nhớ những ngày “vật lộn” trong cuộc chiến chống Covid-19

Là một trong những “thuyền trưởng” của bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19, trực tiếp tham gia điều trị các ca đầu tiên cũng như bệnh nhân nặng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt trong suốt khoảng thời gian chống dịch. Những ký ức này, theo ông chẳng thể kể hết trong một sớm, một chiều.

Bác sĩ Cấp nhớ nhất câu chuyện về một nam bệnh nhân có thời gian dương tính SARS-CoV-2 khá dài. Ngày nào cũng vậy, anh đều hỏi bác sĩ: “Đến lúc nào em được đi chụp phim X-quang?” Lý do là bởi cách ly trong phòng lâu ngày quá, anh khao khát được ra ngoài, dù chỉ là ra khỏi buồng bệnh, được xuống đến phòng chụp X-quang.

“Bạn ấy từng ngại chuyện chụp X-quang vì lo sợ tia ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng lại vì khao khát được ra ngoài mà có mong ước như vậy. Tôi thấy rất cảm động.

Chúng tôi cũng có những lúc khao khát như vậy, dù đôi khi chỉ là xuống sân đi dạo một vòng hay được nhìn thấy đường phố có mọi người qua lại”, ông Cấp nói.

Một bệnh nhân Covid-19 trong thời gian cách ly sau khỏi bệnh

Khi bác sĩ Cấp hết thời hạn cách ly, được về nhà cũng là lúc Hà Nội dỡ bỏ phong tỏa. Cảm giác ngồi ngoài phố, uống một ly cà phê và ngắm người dân đi lại trên đường khiến ông vô cùng hạnh phúc. Bác sĩ Cấp bảo, sự bình yên ấy khiến ông thấy phấn đấu của mình và anh em có ý nghĩa.

Cái duyên đặc biệt với ngành truyền nhiễm

25 năm theo ngành hồi sức cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã có 24 năm gắn bó với bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm. Hàng ngày, công việc và vai trò của ông là đảm bảo việc cấp cứu, chẩn đoán, điều trị những bệnh nhân nặng, diễn biến phức tạp; vừa thực hiện công tác chống dịch.

Ông Cấp dùng hai chữ “duyên phận” để nói về lý do gắn bó với công việc này. “Cũng giống như suốt thời gian đi học, tôi thích môn Vật lý, nhưng tới khi thi đại học không hiểu sao lại quyết định chọn khối B và ngành Y. Sau khi ra trường, tôi về với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, làm bác sĩ cấp cứu trong ngành truyền nhiễm cũng là một cái duyên”, ông chia sẻ.

Bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp chẩn đoán, điều trị cho 1 ca viêm gan B nguy kịch

Truyền nhiễm và hồi sức là 2 chuyên ngành vô cùng vất vả, gian khổ, riêng truyền nhiễm còn gắn thêm sự nguy hiểm. Làm bác sĩ hồi sức trong ngành truyền nhiễm, mọi khó khăn nhân lên gấp đôi. Thế nhưng, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp có những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày là động lực phấn đấu. Đó, là sự tiến triển tốt của bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh khó.

Một điều mà bác sĩ Cấp luôn trăn trở là hiện nay, sinh viên y khoa sau tốt nghiệp lựa chọn về ngành truyền nhiễm không nhiều, đặc biệt là ở tuyến tỉnh, huyện. Đây có thể là thiệt thòi rất lớn cho địa phương. Bởi 1 bác sĩ ngoại khoa kém, bệnh nhân có thể chuyển tuyến Trung ương để phẫu thuật, nhưng nếu bác sĩ truyền nhiễm kém, dịch bệnh sẽ nhanh chóng bùng phát, khiến địa phương thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng.

“Tôi mong sẽ có nhiều hơn các giải pháp để thu hút bác sĩ giỏi đầu quân cho ngành truyền nhiễm, nhất là ở tuyến địa phương”, ông Cấp nói.

Chia sẻ cảm nghĩ khi được đề cử danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô, bác sĩ Cấp bày tỏ sự vinh dự và cho rằng bản thân rất may mắn: “Trong đợt dịch vừa qua, tất cả các nhân viên y tế ở mọi vị trí, mọi vai trò đều xuất sắc và hy sinh rất nhiều. Tôi chỉ là một trong số đó và là người may mắn được lựa chọn để đại diện cho đội ngũ y bác sĩ”.

Nguyễn Liên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/bac-si-nguyen-trung-cap-ke-quyet-dinh-buoc-ngoat-trong-ngay-dau-chong-dich-covid-19-677450.html