Người bắc nhịp cầu cổ tích Andersen đến Việt Nam

Đến bây giờ, dù đã 77 tuổi nhưng khi cầm trên tay cuốn 'Truyện cổ tích Andersen', nữ dịch giả Trần Minh Tâm vẫn nhớ như in hình ảnh hồi 5 tuổi được bố bế trong lòng và đọc cho nghe 'Cô bé bán diêm', 'Vịt con xấu xí'… bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.

Như lời bà nói, những câu chuyện đó đã gieo vào tâm hồn bà niềm tin vui sống dù có gặp khó khăn, cũng như cách học ngoại ngữ hữu hiệu, để sau này giấc mơ dịch sách, truyện của bà thành hiện thực.

Mặc chiếc áo kẻ đủ màu sắc, dịch giả Trần Minh Tâm thong dong đạp xe từ nhà ở phố Vạn Bảo đến Viện Nghiên cứu Người cao tuổi (thuộc Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam) tại phố Bà Huyện Thanh Quan để làm việc. Hỏi bà, tuổi cao rồi, sao không nghỉ ngơi? Bà cười bảo: “Ai bảo tôi già chứ, đầu óc tôi vẫn còn minh mẫn lắm, người vẫn còn dẻo dai! Tôi vẫn thích cái cảm giác sáng ngủ dậy mặc quần áo đẹp rồi đạp xe đến cơ quan làm việc”. Nghỉ hưu sau mấy chục năm làm phóng viên tại Báo Người Hà Nội, nhà báo Trần Minh Tâm vừa làm việc tại Viện Nghiên cứu Người cao tuổi, vừa làm công tác dịch thuật. Với bà, quãng thời gian được làm việc cùng các nhà văn tên tuổi như Kim Lân, Tô Hoài ở Báo Người Hà Nội tạo cơ hội lớn trong cuộc đời. Khi được các nhà văn-là cấp trên thời bấy giờ tạo điều kiện cho đi học, Minh Tâm bày tỏ nguyện vọng được đi học ngoại ngữ. Ngày làm báo ở nội thành Hà Nội, tối đến lại đạp xe lên Thanh Xuân để học. Kể cả có thời gian bà tham gia làm phóng viên ở chiến trường, trong ba lô luôn có những cuốn sách, vở để học ngoại ngữ.

Dịch giả Trần Minh Tâm say sưa bên những trang truyện dịch Andersen.

Được tiếp cận với những cuốn truyện tiếng Anh, tiếng Pháp từ nhỏ đã nuôi dưỡng giấc mơ dịch truyện của các tác giả nổi tiếng. Những truyện của Grim, Andersen... được Minh Tâm lần lượt dịch, các nhà xuất bản in sách 5-10 truyện, hoặc in chung với nhiều tác giả khác. Cơ duyên lớn lao đến với dịch giả Trần Minh Tâm, đó là năm 1999, bà được nhà văn hóa Hữu Ngọc-lúc đó là Chủ tịch Quỹ Đan Mạch phát triển, hợp tác và giao lưu văn hóa Việt Nam - Đan Mạch-mời tham gia là thành viên của quỹ. Trong quá trình hoạt động, Minh Tâm đã nhiều lần đi công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi chuyến đi, giao lưu, bà lại cất công tìm bằng được những cuốn sách bản ngữ của nhà văn nổi tiếng. Trong lời tựa cuốn “Truyện cổ Andersen” với 100 truyện do dịch giả Minh Tâm thực hiện, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã viết: “Hans Christian Andersen có lẽ là một hiện tượng văn học hiếm có trên thế giới. Thường thì các quốc gia đều chọn những công trình xây dựng đồ sộ, những anh hùng cái thế, những chính trị gia xuất sắc, những tướng tài ba để làm biểu trưng. Riêng Đan Mạch chọn cho mình là một nhà văn-Andersen, của “nàng tiên cá nhỏ”. Một nước chỉ có hơn 5 triệu dân, tự hào có một nhà văn mà những quốc gia có dân số hàng trăm triệu người, không có vinh dự có được”. Còn với Minh Tâm, bà có giảm giác vui khi kể lại những chuyến đi kể chuyện xuyên Việt cùng các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ của Việt Nam và Đan Mạch dọc đất nước Việt Nam thông qua quỹ tổ chức, đến bất cứ trường học nào từ địa đầu Tổ quốc-Lũng Cú (Hà Giang) đến Hà Tiên (Kiên Giang), hỏi các em học sinh biết gì về Đan Mạch, tất cả đều hô vang: Andersen!

Theo đánh giá của nhà văn hóa Hữu Ngọc, trên thế giới, nhiều dịch giả, độc giả cho rằng Andersen nổi tiếng là một nhà văn viết cho thiếu nhi, nhưng họ không biết ông còn là một nhà văn xuất sắc đối với cả người lớn. Cũng do thành kiến này mà trên thế giới hầu như các nhà xuất bản chỉ chọn tuyển tập Andersen cho thiếu nhi. Riêng “Truyện cổ Andersen” với 100 truyện của dịch giả Trần Minh Tâm lần này khá đầy đủ truyện cho cả trẻ con và người lớn.

Hơn 20 năm gắn bó với các tác phẩm văn học Andersen, dịch giả Minh Tâm đã cho ra đời một tuyển tập gồm 88 truyện cổ tích thiếu nhi vào năm 2003. Sau đó, bộ sách được tăng số lượng lên tới 100 truyện. Tuyển tập đã được tái bản 16 lần và một ấn bản nữa sẽ được phát hành vào giữa năm 2018. Tin vui đến với dịch giả Trần Minh Tâm khi bà vừa nhận được thư mời của Ủy ban Giải thưởng Andersen (Đan Mạch), vào ngày 3-4 tới để nhận Giải thưởng toàn cầu Hans Christian Andersen. Giải thưởng được trao tặng hằng năm nhằm tôn vinh những sứ giả văn học của đại văn hào người Đan Mạch-Andersen trên toàn cầu, cũng như các thành tựu xuất sắc liên quan đến tác phẩm của ông.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nguoi-bac-nhip-cau-co-tich-andersen-den-viet-nam-533094