Người Anh đau đầu giữa bão giá: 'Tôi không biết nên ăn hay đổ xăng'

Khi giá cả liên tục leo thang, người Anh buộc phải cắt giảm chi tiêu, mua đồ cận date và xếp hàng đợi nhận đồ ăn miễn phí. Nhưng ngay cả các ngân hàng thực phẩm cũng đang cạn tiền.

Theo New York Times, vào một ngày giữa tuần, cô Stacey Smith đã lấy một vài hộp trà từ kệ của một siêu thị ở London. Sau đó, cô gọi cho người hàng xóm: "Giá đã tăng lên 0,2 bảng. Chị còn muốn mua không?".

Sau khi mua xong đồ cho hàng xóm, cô đi đến một siêu thị rẻ hơn. Cô Smith đã không thể mua được nhiều món đồ vì giá tăng nhanh.

Trong những tháng qua, cô Smith mua ít thịt hơn và thay bằng mì ống, nước sốt. Một mình cô phải nuôi 3 đứa con. Các con của cô Smith không còn được tham gia lớp học bơi, chơi bowling và bị giới hạn số bữa ăn vặt mỗi ngày.

"Chúng tôi cần dành tiền để mua đồ ăn", cô Smith chia sẻ. Cô kiếm được khoảng 1.200 bảng Anh mỗi tháng. "Tôi thấy mình như đang rơi xuống đáy sâu", người mẹ đơn thân tuyệt vọng.

 Người Anh buộc phải cắt giảm chi tiêu khi giá cả tăng cao. Ảnh: New York Times.

Người Anh buộc phải cắt giảm chi tiêu khi giá cả tăng cao. Ảnh: New York Times.

Giá cả trên trời

Tại Anh, lạm phát đã tăng lên 10,1% so với một năm trước đó trong tháng 7, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1982. Khi giá cả tăng cao, những đối tượng dễ tổn thương nhất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Họ phải nói "không" với những đứa trẻ, đi đến siêu thị nhiều hơn để săn lùng phiếu giảm giá, xếp hàng dài để được phát đồ ăn miễn phí, thậm chí mạo hiểm sức khỏe của mình.

Tại Iceland - một siêu thị giá rẻ chuyên bán đồ đông lạnh, bà Tainara Graciano, 51 tuổi, xách một giỏ hàng đựng 2 hộp trứng và một gà chiên cốm giảm giá. Cả 2 đều sắp hết hạn.

Bên kia đường, bà Arwen Joseph, 47 tuổi, đang mua sắm đồ gia dụng tại cửa hàng giá rẻ Poundland.

Lạm phát tháng 7 của Anh đã tăng lên 10,1% so với một năm trước đó. Ảnh: Reuters.

Bà Joseph đang được hưởng trợ cấp của chính phủ. Đôi khi, bà đến nơi phát thực phẩm miễn phí để nhận thức ăn.

Tuy nhiên, bà Joseph bị dị ứng với một số đồ ăn và buộc phải lựa chọn những thực phẩm lành mạnh. Do đó, bà cắt giảm chi tiêu cho các hạng mục khác để dành tiền cho thức ăn.

"Chúng cháu thường ăn kem hoặc uống trà sữa mỗi tuần một lần. Nhưng giờ không còn nữa", Georgia Gold, cô con gái 9 tuổi của bà Joseph, chia sẻ.

Một số người thậm chí đã vào cửa hàng để ăn trộm. Những người khác không biết nên lựa chọn giữa ăn hay đổ xăng

Ông Solomon Smith tại Brixton Soup Kitchen

Trong khi đó, các tình nguyện viên ở những ngân hàng thực phẩm - nơi phát đồ ăn miễn phí - cho biết đang quá tải vì ngày càng nhiều người cần sự giúp đỡ.

Ông Solomon Smith tại Brixton Soup Kitchen - nơi chuyên phân phát các bữa ăn nóng và những thực phẩm khác - cho biết trong vài tháng qua, số người có nhu cầu đã tăng lên gấp đôi.

"Mọi người nói với chúng tôi rằng họ đã không ăn uống tử tế trong nhiều ngày", ông chia sẻ.

"Một số người thậm chí đã vào cửa hàng để ăn trộm. Những người khác không biết nên lựa chọn giữa ăn hay đổ xăng", ông kể lại.

Ngay cả các ngân hàng thực phẩm cũng không thoát khỏi sức ép lạm phát. Theo ông Smith, họ đã phải cắt giảm số bữa ăn nóng và thực phẩm. Số tiền ủng hộ cũng đang giảm dần.

"Chúng tôi không còn đủ thức ăn để phân phát cho mọi người. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những tuần tới", anh nói trong tuyệt vọng.

Thay đổi thói quen

Cư dân trên khắp nước Anh đang gặp chung một vấn đề. Tại ngân hàng thực phẩm Blackburn, phía bắc nước Anh, ngay cả những người có việc làm toàn thời gian cũng tìm đến sự giúp đỡ.

Số lượng những khách hàng này ngày càng nhiều hơn do tiền lương không theo kịp lạm phát.

"Mọi người thấy sốc vì phải tìm tới đây", cô Gill Fourie - Giám đốc hoạt động của Blackburn - cho biết. "Họ thậm chí không có gas và điện để nấu ăn", cô chia sẻ. Giá nhiên liệu đã tăng mạnh trong năm nay.

Mọi người thấy sốc vì họ phải tìm tới đây

Cô Gill Fourie - Giám đốc hoạt động của ngân hàng thực phẩm Blackburn

Ngay cả những người vững vàng về tài chính cũng phải chi tiêu dè sẻn hơn.

"Tôi rất muốn mua một ít nước sốt Mutti nhưng không đủ tiền. Tôi sẽ mua một loại rẻ hơn", cô Melanie McHugh, một nữ diễn viên, chia sẻ. Cô dùng nước sốt để nấu sốt cà chua trứng chần, một món ăn có thể dùng trong nhiều ngày.

"Tôi biết mình vẫn còn may mắn. Nhưng tôi cũng hiểu rằng mình cần thay đổi thói quen", cô McHugh chia sẻ.

Chính phủ Anh phân bổ 15 tỷ bảng Anh (khoảng 18 tỷ USD) trợ cấp cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất. Cô Smith, mẹ đơn thân của 3 đứa trẻ, cho biết đã nhận được 300 bảng Anh trong tháng này.

Cô cũng tích trữ một số mặt hàng. Nhưng điều đó không giúp cô Smith cảm thấy yên tâm hơn. Cô bắt đầu nghĩ đến việc bán xe và làm dọn dẹp thuê vào cuối tuần.

"Tôi không định làm vậy, nhưng tôi phải làm để tiếp tục sống", cô than thở.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-anh-dau-dau-giua-bao-gia-toi-khong-biet-nen-an-hay-do-xang-post1347297.html