Người âm thầm ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam

Giáo sư người Pháp Odon Vallet là người đã âm thầm ươm mầm cho nhiều tài năng trẻ của Việt Nam thông qua Quỹ học bổng do chính ông sáng lập.

Giáo sư người Pháp Odon Vallet là người đã âm thầm ươm mầm cho nhiều tài năng trẻ của Việt Nam thông qua Quỹ học bổng do chính ông sáng lập.

Gần 20 năm qua, có 1 vị giáo sư (GS) người Pháp âm thầm ươm mầm cho nhiều tài năng trẻ của Việt Nam thông qua Quỹ học bổng do mình sáng lập mang tên Vallet. Đã có hơn 33.000 HS, SV Việt Nam vinh dự được nhận học bổng với tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng. Ông chính là GS Odon Vallet.

Ươm mầm tài năng Việt

Dù sở hữu khối tài sản trăm triệu Euro, nhưng nơi sinh sống của GS Odon Vallet chỉ là 1 căn phòng nhỏ xíu nằm trong tòa chung cư cũ, trên đường Rue D’Assas, Paris sôi động. Ông sống 1 mình (không lập gia đình) nên mọi vật dụng trong căn hộ ấy được giản tiện tối đa, nhiều nhất chỉ có sách. Trên những bức tường, giá sách, kệ tủ có rất nhiều những bức hình và kỷ vật đến từ Việt Nam – đất nước mà ông tự nhận là thuộc về 200%.

Người cha thương yêu đã ra đi khi ông còn rất nhỏ, người không chỉ để lại cho ông khối tài sản lớn (100 triệu euro) mà hơn cả là những lời dạy xuất phát từ trái tim yêu thương con người.

Vallet kể: “Bố tôi là một người thợ rất nghèo, từ khi 12 tuổi ông phải đi chăn dê nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân, ông đã xây dựng được sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của một hãng bảo hiểm quốc tế. Khi mất, ông trăng trối lại với tôi: “Con hãy giúp đỡ và thương yêu người nghèo, vì trong số họ có rất nhiều người thông minh, tài giỏi.” Tôi mong muốn dùng số tài sản thừa kế này để giúp đỡ những sinh viên trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn. Tôi đưa ra quyết định này cũng bởi tôi là một giáo viên. Tôi đã đem toàn bộ số tiền đó gửi ngân hàng dùng số lãi hàng năm để trao học bổng cho sinh viên nghèo ở Pháp và 1 số nước khác, trong đó có Việt Nam.”

Học qua nhiều trường ĐH, có bằng tiến sĩ về luật và tiến sĩ về tôn giáo, giảng dạy ở 1 số trường ĐH và nhiều năm qua là giảng viên trường ĐH Sorbonne, Paris, dù ở đâu, làm gì ông luôn canh cánh di nguyện của bố. Cuộc gặp gỡ với vợ chồng GS Trần Thanh Vân – nhà khoa học danh giá của Việt Nam sống tại Pháp như 1 cơ duyên đưa ông đến với đất nước mà ông rất am hiểu và yêu mến qua những đề tài nghiên cứu của mình.

Từ sự tin tưởng bởi nguồn kinh phí tài trợ cho việc tái thiết và xây dựng mới 1 số làng SOS do vợ chồng GS Trần Thanh Vân thực hiện ở Việt Nam rất hiệu quả nên bắt đầu từ năm 2000, GS Odon Vallet đã quyết định dành 1 phần lớn quỹ học bổng để trao cho những HS, SV nghèo học giỏi ở Việt Nam.

Đã có 17 mùa học bổng Vallet được trao ở Việt Nam với tổng số tiền lên tới gần 250 tỷ đồng. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, dù bận đến mấy 2 vị GS già lại rong ruổi trên nhiều cung đường của đất nước để tận tay trao những tấm học bổng có giá trị cả về tài chính và tinh thần cho những HS, SV xuất sắc của Việt Nam.

Giản dị mà giàu tình thương

Đời sống riêng tư của vị GS này lại hết sức khiêm nhường, thậm chí là tằn tiện, kham khổ. Không biệt thự, không xe hơi, hàng ngày ông đi làm bằng xe buýt, tàu điện ngầm. Mọi chi tiêu bản thân ông đều tiết kiệm tối đa để dành cho quỹ học bổng.

Một người thân cận kể lại với chúng tôi câu chuyện “Trong lúc đợi chuyến bay trễ về Việt Nam, thấy ông cứ ngồi ôm khư chiếc va li nhỏ ở sảnh khách sạn, nhiều người khuyên ông lên lấy 1 phòng nghỉ ngơi thì ông trả lời rằng: số tiền ấy đủ để tôi trao thêm 1 suất học bổng cho học sinh Việt Nam. Và ông từ chối mọi lời mời.”

Gần 20 năm đều đặn đi về giữa Pháp và Việt Nam, những câu chuyện rất có hậu về những trò nghèo học giỏi của đất nước mà ông đem lòng yêu mến vì thế cũng ngày càng đầy đặn. Đó thực sự là niềm vui lớn đối với GS Odon Vallet: “Chúng tôi có nhiều em nhận học bổng đến từ những gia đình rất nghèo khó, một số bị tàn tật. Thật ngạc nhiên là tất cả các em đều rất thành công. Có nhiều em đỗ vào trường đại học y, đại học quân sự ở Hà Nội. Cách đây 8 năm, có một em học sinh nữ rất giỏi sống trong làng SOS Đà Lạt. Em ấy đã thi đỗ vào trường đại học Y ở TP.HCM nhưng em ấy không có tiền và hiển nhiên là chúng tôi đã cố gắng giúp cho em ấy. Và bây giờ em ấy đang làm bác sỹ ở một bệnh viện tại TP HCM”- GS Odon Vallet chia sẻ.

Âm thầm, lặng lẽ, không khoác lên mình những hư danh, những trang phục hay những vật dụng đắt tiền nhưng xã hội Pháp lại yêu quí trao tặng cho ông những danh hiệu cao quý nhất như “Huy hiệu lòng vị tha” ; “Huy hiệu lòng thương người” nhờ vào hoạt động nhân đạo của tổ chức Vallet.

Trần Khanh

Trần Khanh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/nguoi-am-tham-uom-mam-tai-nang-tre-viet-nam-3937030-c.html