Người Afghanistan học lập trình để đổi đời

Nghề lập trình là cơ hội đổi đời cho nhiều người trẻ dưới chế độ mới tại Afghanistan.

Bốn tháng sau khi chính phủ Afghanistan rơi vào tay Taliban, Asad Asadullah, 22 tuổi, đã phải dần ổn định với công việc mới.

Kể từ cuối tháng 10, Asadullah đã tham gia chương trình đào tạo lập trình do CodeWeekend, cộng đồng tình nguyện viên gồm những người đam mê công nghệ Afghanistan tổ chức. Nội dung chương trình do Scrimba, một công ty tại Na Uy tài trợ.

Asadullah cũng như hàng triệu thanh niên khác ở đất nước này, hoàn toàn mất phương hướng, mơ hồ về tương lai khi Taliban tái chiếm Afghanistan vào tháng 8/2021.

Trong hoàn cảnh tồi tệ như vậy, một khóa đào tạo lập trình sẽ mang lại hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không ai biết tương lai đó có thể thành sự thật hay không.

Học trực tuyến trở thành hình thức chính

Từ khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8, với những học sinh Afghanistan có điều kiện sử dụng Internet, đặc biệt là phụ nữ và các em gái, học trực tuyến đã trở thành một trong những nền tảng giáo dục chính. Các lớp học trực tuyến được triển khai theo mô hình tự học, tức là học qua video YouTube hoặc TEDTalk. Phần lớn lớp học sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến miễn phí.

 Phụ nữ Afghanistan tham dự một sự kiện năm 2018. Ảnh: CodeWeekend.

Phụ nữ Afghanistan tham dự một sự kiện năm 2018. Ảnh: CodeWeekend.

Khóa huấn luyện của CodeWeekend cũng đang áp dụng hình thức trực tuyến. 75 học viên sẽ tham gia một nhóm và tự học bằng chương trình của công ty Scrimba. Chương trình giảng dạy này bao gồm 13 video tương tác bao gồm các kiến thức từ cơ bản về HTML và CSS đến các mẹo xử lý các câu hỏi phỏng vấn xin việc về JavaScript hoặc GitHub.

Để giải quyết vấn đề về điện và đường truyền Internet cho các học viên ở Afghanistan, CodeWeekend đã cố gắng huy động vốn từ cộng đồng để chi trả phí 3G và điện dự phòng thông qua máy phát điện và bộ lưu trữ pin.

Nhưng có một vấn đề khác khiến các nhà tổ chức lo lắng. “Taliban sẽ nghĩ gì”, anh Jamshid Hashimi, kỹ sư phần mềm kiêm nhà sáng lập CodeWeekend, bày tỏ sự quan ngại.

CodeWeekend bằng một cách nào đó đã không bị Taliban chú ý tới. Điều này giúp phụ nữ dễ dàng tham gia các lớp học mà không cần rời khỏi nhà, hoặc thậm chí tương tác với những người tham gia là nam giới, điều có thể khiến Taliban tức giận.

Cho đến nay, chúng tôi vẫn luôn tránh tương tác với Taliban

Anh Jamshid Hashimi, nhà sáng lập CodeWeekend

Zarifa Sherzoy, 19 tuổi, là một trong những nữ học viên của chương trình đào tạo.

Với vấn đề về điện và đường truyền Internet, cô chỉ có thể dành 1-2 giờ mỗi ngày để học. Cô Sherzoy kể lại rằng từ sau khi Taliban đến, những ngày mắc kẹt ở nhà rất mệt mỏi và chán nản. Nhưng kể từ khi khóa huấn luyện bắt đầu vào cuối tháng 10, cuộc sống của cô trở nên thoải mái hơn nhiều.

Ngoài ra, việc tổ chức các khóa học trên nền tảng trực tuyến cũng giúp các lập trình viên bên ngoài thủ đô Kabul, như Asad Asadullah, dễ dàng tham gia.

Khóa đào tạo lập trình

CodeWeekend được thành lập vào tháng 6/2014. Đây là một phần trong một loạt các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự đổi mới, tinh thần kinh doanh, cũng như tinh thần chiến đấu và lãnh đạo của giới trẻ trong công cuộc xây dựng một Afghanistan tiến bộ hơn.

Một người tham gia CodeWeekend làm việc trên một ứng dụng tại sự kiện năm 2018. Ảnh: CodeWeekend

Trong 7 năm kể từ khi thành lập, chương trình này đã tổ chức khoảng 100 cuộc gặp gỡ trực tiếp tại các trường đại học và văn phòng của các công ty công nghệ nổi tiếng của Afghanistan.

Vào 2019 CodeWeekend đã quyết định mở rộng quy mô bằng cách tổ chức một khóa huấn luyện trực tiếp. Theo nhà sáng lập Jamshid Hashimi, một số ít đã tìm được việc qua khóa huấn luyện.

Sau khi thử nghiệm thành công, ban tổ chức CodeWeekend đã lên kế hoạch cho nhóm thứ hai, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến trình của họ. Vào cuối tháng 8/2021, chính phủ Afghanistan sụp đổ. Anh Jamshid Hashimi sau đó đã chuyển đến Vancouver, Canada.

Rất nhiều giấc mơ tan vỡ khi chính phủ sụp đổ

Anh Jamshid Hashimi

“Mục tiêu của chương trình đào tạo là cung cấp một lộ trình học bền vững hơn về các kỹ năng mới và định hướng thị trường cho thanh niên Afghanistan”, Hashimi viết trong một email trao đổi với MIT Technology Review.

“Tôi muốn học viên áp dụng những kỹ năng đó để bắt đầu kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình”, anh cho biết.

Ngoài CodeWeekend, anh Hashimi còn điều hành một công ty phát triển phần mềm hiện ký hợp đồng với hơn 20 lập trình viên người Afghanistan, cũng như một nền tảng làm việc trực tuyến mang tên Yagan dành cho những freelancer trong nước.

“Giấc mơ của tôi là có một công ty phần mềm lớn nhất ở Afghanistan”, anh nói.

Nhưng tất cả những điều này sẽ mất thời gian bởi đất nước đang phải đối mặt với những thách thức cấp bách hơn.

Tương lai nào cho các lập trình viên Afghanistan

Không có chính phủ nào chính thức công nhận chế độ mới, dẫn đến việc cộng đồng quốc tế đóng băng các tài khoản ngân hàng của nước này cũng như việc chuyển tiền viện trợ theo lịch trình trước đó, góp phần đẩy nền kinh tế quốc gia vốn đã bấp bênh đến bờ vực sụp đổ, khiến phần lớn dân số đối mặt với nạn đói.

Ngoài ra, thách thức kinh tế còn tiếp tục trở nên trầm trọng hơn do tình trạng bạo lực. Liên Hợp Quốc đã ghi nhận sự gia tăng các vụ giết người phi pháp nhằm chống lại các đồng minh của chính quyền cũ. Trong khi đó, các tổ chức cực đoan khác tiếp tục khủng bố người dân bằng các cuộc tấn công liều chết.

Người dân Afghanistan ngồi chờ rời sân bay Kabul ngày 16/8. Ảnh: Al Jazeera

Khi tình hình trở nên ổn định, các nhà tuyển dụng Afghanistan - bao gồm cả chính phủ Taliban - mới có thể thuê các lập trình viên người Afghanistan. “Suy cho cùng thì chính phủ Taliban cũng nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ”, Asad Asadullah, một thành viên của khóa đào tạo của CodeWeekend cho biết.

“Nhưng với những thách thức lớn hơn mà Afghanistan đang phải đối mặt, ngày đó vẫn còn rất xa, có thể phải mất 3-4 năm nữa”, anh dự đoán.

Nhưng anh Asadullah không ngồi yên và chờ đợi. Trong 4 ngày kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên của anh với MIT Technology Review, anh và gia đình đã lánh sang Pakistan, cùng với 2,6 triệu người Afghanistan đang sống tị nạn xa quê hương.

Asadullah dự định sẽ ở lại Pakistan cho đến khi tìm được cơ hội đến châu Âu hoặc Mỹ. Trong thời gian này, anh sẽ tiếp tục mong chờ đến ngày được quay trở lại lập trình.

Việt Anh

Theo MIT Technology Review

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoa-dao-tao-lap-trinh-tro-thanh-cuu-canh-cho-nguoi-afghanistan-post1289139.html