Ngược xuôi dòng Đà Giang

Sông Đà (Đà Giang) đoạn chảy trên nước ta dài 527km như một con trăn khổng lồ vắt ngang Tây Bắc. Đà Giang dữ dội, nguy hiểm nhưng cũng đầy cuốn hút, mê hoặc, cho đến nay con người vẫn chưa khám phá hết. Khi chảy qua miền rừng núi hoang sơ, tạo ra bức tranh đại cảnh sơn thủy hùng vĩ.

Chiêm ngưỡng “vịnh Hạ Long mới”

Từ Hà Nội, chúng tôi theo Quốc lộ 6 ngược lên Tây Bắc. Sau khoảng 110km, mọi người nghỉ chân bên đèo Đá Trắng (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Từ chân đèo bên Quốc lộ, chúng tôi men theo một con đường rẽ ngang rồi chạy thẳng qua vùng bình nguyên xứ Mường, lần lượt đi qua các địa danh Khan Thượng, Khan Hò, Khan Hạ như lạc vào miền cảnh sắc tươi đẹp với những âm thanh cuộc sống bình yên. Đến Thung Nang (xã Tân Mai, huyện Mai Châu) dòng sông Đà bắt đầu thấp thoáng sau những mỏm núi, rừng cây. Đà Giang cuồn cuộn chảy từ trên thượng nguồn đổ về lòng hồ thủy điện Hòa Bình rộng đến 208km2, dung tích chứa khoảng 9,45 tỷ m3 nước. Nhìn từ trên cao hồ thủy điện như một chiếc bình lớn và đoạn thuộc xã Tân Mai, Phúc Sạn (huyện Mai Châu) chúng tôi sắp tới như phần bầu, cổ và miệng của bình.

Từ Thung Nang, cả nhóm bắt đầu đi vào cung đường dích dắc lên đèo, xuống dốc men bờ sông. Đôi lúc, chúng tôi đi qua những tán rừng trúc xanh mát, rồi lại vượt lên con đèo dựng đứng xuyên qua vách núi đầy thách thức. Nhưng dù đến đoạn nào, màu xanh của dòng Đà Giang cũng chẳng thể lạc khỏi tầm mắt. Đặt chân tới địa danh Xóm Suối Lốn, mọi người đều thấy lạ mắt, thích thú khi nhìn thấy một dải đất đỏ, nhỏ hẹp chạy ra giữa lòng hồ thủy điện. Buổi sáng thức giấc ở một nơi xa lạ đầy mới mẻ, chúng tôi được hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ tinh khôi. Cảnh núi sông hiện ra trước mắt vô cùng ấn tượng, ngỡ như một bức tranh đại cảnh sơn thủy. Những đám mây trắng lững lờ đang đùa giỡn cùng núi non trùng điệp, hòa nhập với màu xanh bao la của Đà Giang. Khi mặt trời dần nhô khỏi núi, những con thuyền nhỏ bắt đầu nổ máy phành phạch rẽ nước ra xa.

Từ bến thuyền Xóm Suối Lốn, chúng tôi và các nhóm du khách bắt đầu lên những chiếc thuyền sơn xanh để bắt đầu hành trình vào miền sông Đà. Từ đây, du khách thường đi thuyền sang khu chợ Mó Rút ở bờ bên kia. Lênh đênh trên một vùng lòng hồ rộng lớn với những hòn đảo nhấp nhô giữa sóng, nước. Nhiều người đã ví đây như một “vịnh Hạ Long mới”, hay “vịnh Hạ Long nhân tạo” do được con người tạo ra.

Ngồi bên bờ sông, nhâm nhi cốc nước mát lạnh, tôi tiện miệng hỏi một bà mế xứ Mường về những ngọn núi nhấp nhô trên sóng nước Đà Giang từ đâu mà có. Mế cho biết vùng lòng hồ rộng lớn thuyền bè qua lại tấp nập hiện nay trước đây từng là một thị trấn mang tên Suối Rút của huyện Đà Mai (năm 1957 Đà Mai tách thành huyện Đà Bắc và Mai Châu). Thị trấn khi xưa vô cùng sầm uất, nhộn nhịp. Hồi còn bé, mế cùng gia đình cũng sống dưới đáy lòng hồ hiện nay… Thế rồi, đến thập niên 70-80 của thế kỷ trước, khi dự án hồ thủy điện Hòa Bình được xây dựng, nước sông Đà dâng lên đã nhấn chìm nhiều bản làng, nhà cửa… Chỉ còn những ngọn núi cao bị nước ngập lưng chừng, bỗng biến thành đảo như những “vịnh Hạ Long mới” ra đời. Người dân ở vùng đất trũng bị ngập nước đã phải di cư lên các điểm núi cao thuộc xã Phúc Sạn và Tân Mai để sinh sống, vẫn ghi nhớ tên vùng đất mình đã sinh sống, nên gọi khu định cư mới là Suối Rút.

Khi chiều về, để được thỏa niềm đam mê ngắm toàn cảnh “vịnh Hạ Long mới” từ trên cao, chúng tôi quyết định đi ngược con đường chạy dích dắc ven sông từ chợ Mó Rút về Phúc Sạn, Suối Rút, trở lại điểm xuất phát Xóm Suối Lốn ban sáng. Đi đường trong nắng chiều khá mệt mỏi, chúng tôi tìm đến thác Gò Lào (thôn Gò Mu, xã Phúc Sạn) để ngâm mình giải tỏa cơn nóng. Thác Gò Lào với những dải nước đổ ào ào từ trên núi xuống tạo thành một vũng nước trong vắt, mát lạnh. Được ví như mạch nguồn nuôi dưỡng các bản làng xứ Mường vùng đất Mai Châu. Thác nằm giữa rừng tre trúc, bốn mùa đổ nước không bao giờ khô cạn.

Khi hoàng hôn dần buông, chúng tôi tìm đến đỉnh dốc để ngắm cảnh. Từ trên cao, nhìn ra phía lòng hồ thủy điện, mọi người đều thốt lên: “Sao lại đẹp nao lòng đến thế”. Ánh hoàng hôn lấp lánh trên mặt nước cùng những hòn đảo, rặng núi xa xăm khiến ai đó lòng bồi hồi, xao xuyến, chẳng muốn rời bước. Những vuông nuôi cá lồng trên sông của bà con càng làm cho bức tranh thêm vẻ trù phú, sinh động. Khi vầng mặt trời dần xuống núi, cả một vùng nước mênh mông biến màu hồng đỏ đầy mê hoặc. Chiếc thuyền ngư phủ đơn côi, nhỏ bé giữa ánh hoàng hôn tạo ra bức tranh kỳ diệu, không lời nào tả xiết.

Ngược dòng ngã ba sông “huyền thoại”

Ngày thứ 2, đón ánh bình minh trên dòng sông Đà mang đến cho chúng tôi cảm giác mới, đầy hứng khởi. Hôm nay mọi người chuẩn bị hành lý để ra thuyền ngược sông Đà lên miền núi cao Sơn La. Đây là lần đầu tiên tôi được đi thuyền theo đường sông, lại là sông Đà nên cảm giác háo hức, bồi hồi. Rời lòng hồ thủy điện, thuyền dần dần đi vào đoạn sông Đà nhỏ hẹp thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Mai Châu. Qua xã Tân Dân, ngược lên phía Tây Bắc, sông Đà trở thành ranh giới tự nhiên của 2 huyện, thuộc 2 tỉnh. Một bên là huyện Đà Bắc (Hòa Bình) non xanh nước biếc nhấp nhô, còn bên kia là huyện Mộc Châu (Sơn La) với núi cao, rừng thẳm ngút ngàn.

Con thuyền máy bắt đầu tăng tốc rẽ nước ào ào, lướt nhanh qua quãng sông dài gần 100km. Càng lên phía thượng nguồn, sóng càng dữ dội. Những cơn gió vù vù mang theo tia nước mát rượi bắn thẳng vào mấy người đang ngồi sát mạn thuyền. Sau bữa trưa ăn nhẹ trên thuyền, chúng tôi tới địa phận xã Tân Phong (huyện Phù Yên) và xã Quy Hướng (Mộc Châu). Ở đây, Đà Giang lại bất ngờ phình ra, rồi tạo thành ngã ba sông rộng lớn. Từ đây một nhánh sông chính chạy lên thượng nguồn Tây Bắc, còn nhánh phụ lưu rẽ ngang, chảy song song với Quốc lộ 43 vào sâu đất Phù Yên. Ở ngã ba sông mênh mông, bát ngát có bến phà Vạn Yên. Đây chính là bến phà có lượng trung chuyển lớn nhất Sơn La do nằm trên trục đường giao thông, du lịch huyết mạch Mộc Châu đi Tà Xùa. Bến phà Vạn Yên ngày đêm đều vô cùng tấp nập. Phà lớn, thuyền máy rồi ca nô, thuyền buôn, thuyền đánh cá… chạy liên tục, không ngớt trên khu ngã ba sông. Bến Vạn Yên chẳng biết có từ bao giờ, chỉ thấy rằng đến hôm nay người dân quanh đây ai cũng thuộc câu ca: “Ai xuôi, ai ngược sông Đà / Nhớ về Bến Vạn xin đừng quên nhau”.

Chúng tôi đang định chạy tiếp vào nhánh phụ lưu sông Đà, anh chủ thuyền bảo: “Mấy anh, chị ngủ lại một đêm ở đây, mai đúng ngày chợ phiên bên sông đó”. Chúng tôi ngủ lại một đêm ở homestay ven bến Vạn Yên theo gợi ý của chủ thuyền. Sáng hôm sau, đúng ngày 16 dương lịch, chợ phiên Bến Vạn (xã Tân Phong) họp. Một tháng chợ phiên chỉ họp 3 lần vào các ngày 6, 16 và 26 lịch dương. Chợ Bến Vạn là nơi giao thương lớn nhất trên sông Đà, bởi đây là nơi giao thoa giữa tuyến đường sông và đường bộ huyết mạch. Hơn thế, Tân Phong còn là vùng nông thủy sản, gia súc lớn nhất trong vùng. Để tránh cái nắng hè, mọi người họp chợ từ rất sớm. Chúng tôi hòa mình vào dòng người dần dần đi xuống đoạn ven sông Đà.

Những chiếc thuyền buôn cỡ vài trăm tấn không biết đã neo đậu từ bao giờ, nhóm cửu vạn đang hối hả bốc hàng. Nghỉ tay đôi lát sau khi phụ chồng, con bốc hàng từ thuyền lên bờ bán, bà Nguyễn Thị Ánh (chủ nhà thuyền Lộc Ánh) tâm sự: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã cùng ông xã lập thuyền hàng đi dọc sông Đà buôn bán rồi. Chiếc thuyền của tôi có trọng tải hơn 200 tấn, buôn bán đủ các loại mặt hàng từ điện tử, điện lạnh cho đến vật liệu xây dựng”. Bà Ánh cho biết thêm thuyền có thể chở hàng chạy từ TP Hòa Bình lên tận mạn thượng nguồn sông Đà thuộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu trong cả tháng trời. Những thuyền buôn như nhà bà Ánh sẽ mang đồ lên bán cho người trên bờ, rồi mua lương thực phục vụ gia đình ăn uống, sinh hoạt trong chuyến đi dài ngày. Chợ phiên chính là nơi để người trên bờ và kẻ dưới sông gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với nhau. Có người chỉ đi mua đôi dép tổ ong, gói muối, lạng tép khô… nhưng họ không bỏ sót buổi chợ phiên nào.

Tạm biệt chợ phiên độc đáo của miền sông nước Tây Bắc, chúng tôi lại lênh đênh trên thuyền đi vào nhánh phụ lưu sông Đà. Đoạn nhánh phụ lưu của dòng sông Đà vô cùng trù phú, phì nhiêu. Đôi bờ sông ở đây là nơi định cư của nhiều đồng bào dân tộc anh em. Họ làm ruộng kết hợp với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đi dọc các xã Tân Phong, Tường Hạ, Tường Tiến, Gia Phù giữa mùa hè chúng tôi bắt gặp khung cảnh của mùa vàng bội thu trên bờ. Dưới sông là những vuông cá lồng san sát. Trong hành trình ngược xuôi Đà Giang lần này, chúng tôi đã bắt gặp hàng ngàn vuông cá lồng. Khi màn đêm buông xuống những vuông cá lại sáng đèn. Ánh đèn chiếu xuống làm cho khúc sông trở nên lung linh, huyền diệu.

Trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình hiện nay có nhiều bến thuyền phục vụ du khách tham quan. Đó là các bến thuyền Thung Nai, Thác Bờ, Xóm Suối Lốn… Du khách có thể thuê theo giờ, giá từ 300.000-400.000 đồng/thuyền/giờ, hoặc thỏa thuận thuê trọn gói theo ngày, hay mỗi chuyến 2-3 ngày (giá dao động từ 1-5 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn uống). Đây là những chiếc thuyền du lịch cỡ nhỏ chở tối đa được 12-14 người, đầy đủ mái che, áo phao cứu hộ… Với những thuyền du lịch cỡ lớn đang được các công ty ở Hòa Bình, Sơn La khai thác sẽ có giá tour khác.
Muốn trải nghiệm đường bộ ven bờ du khách có thể đi theo cung từ Đèo Đá Trắng-Ba Khan-Thung Nang-Xóm Suối Lốn-Phúc Sạn-Tân Mai rồi theo Quốc lộ 6 cũ lên Quy Hướng (Mộc Châu) qua Bến Vạn Yên chạy xe theo Quốc lộ 43 song song với sông Đà. Ven sông Đà có những homestay giá rẻ từ 100.000 đồng/người/đêm đến các nhà nghỉ, resort sang trọng phục vụ mọi nhu cầu. Các món ẩm thực như: Gỏi cá sông, cá sông nướng, măng ngâm, rau Dớn nấu canh, xôi ngũ sắc, rêu đá…mọi người có thể tìm thưởng thức.

Nguyễn Hường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/nguoc-xuoi-dong-da-giang-81922.html