Ngược về miền biên viễn Tây Giang

Tôi chắc từ 'biên viễn' không phải cách nói mơ hồ hay hoa mỹ dành cho địa danh Tây Giang (Quảng Nam). Biên viễn là cảm xúc thật cho những ai đã đến đây dù một hay nhiều lần.

Toàn huyện có mười xã, trong đó hai xã A Nông và A Tiêng thuộc trung tâm huyện lỵ, còn lại tám xã đều có đường biên giới giáp Lào. Chính con đường quanh co từ miệt biển - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam lên Tây Giang như con rắn khổng lồ uốn mình hơn hai trăm cây số giữa đại ngàn xanh thẳm khiến Tây Giang thực sự xa mờ trong tâm tưởng rất nhiều người.

 Một góc xã ATiêng - trung tâm huyện Tây Giang. Ảnh: Thanh Ly

Một góc xã ATiêng - trung tâm huyện Tây Giang. Ảnh: Thanh Ly

Ngay cả khi chưa đặt chân đến tôi đã “phải lòng” Tây Giang. Bắt đầu từ thước phim của những phượt thủ khai phá vẻ đẹp trầm hùng nơi đây. Rồi đến những tấm hình mà bạn bè đưa lên Facebook sau những chuyến biệt phái công tác. Những mái nhà sàn thưa thớt như e ấp trong những vòm cây.

Những ánh mắt nồng ấm, biết cười của trẻ thơ chốn núi rừng giăng sương trắng xóa. Cơ hồ còn nghe được cả tiếng chim chao cánh giữa vệt nắng xế chiều xuyên qua làn khói lam chiều mông lung... Và rồi cuộc “ngoại tình” với Tây Giang không còn trong tư tưởng khi tôi quyết định xếp quần áo lên đường “chinh phục tình yêu”.

Đường xanh không mỏi gót chân

Trong cái nắng ngược miền, tôi nhìn thấy niềm tin về một cuộc hành trình thú vị từ ánh mắt người bạn đồng hành. Có hai con đường dẫn lên Tây Giang: một là ngang qua Đông Giang theo đường 14G, hai là đi từ Nam Giang với cung đường Hồ Chí Minh khúc khuỷu. Tôi đi từ ngã ba Hòa Cầm, trên cung đường 14G, lấy điểm xuất phát là Dốc Kiền (nơi giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng).

Những ki lô mét đầu tiên, xe băng qua khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi, núi Thần Tài, suối Hoa trong làn sương lành lạnh, rồi chúng tôi lên cao hơn, qua thị trấn Prao và thẳng tiến Tây Giang. Thời tiết mùa này thuận lợi nên thật thú vị khi phóng xe gắn máy bon bon trong màu xanh miên man. Rất lạ, núi rừng Tây Giang chập chùng uốn lượn, bất ngờ cao rồi bất ngờ thấp; lúc bên bờ vực thẳm, lúc cheo leo vách núi.

Rừng xanh thẳm hiện ra mỗi lúc một dày, trải dài ngút ngàn đến tận xã A Tiêng - trung tâm huyện Tây Giang. Không khí mát rượi làm lồng ngực căng tràn. Du khách có thể nghỉ lại trong nhà sàn của đồng bào dân tộc hoặc chọn cho mình một nhà nghỉ. Với bất kỳ sự lựa chọn nào bạn cũng đừng quên thức dậy thật sớm, nhâm nhi cà phê trong quán vắng và ngắm nhìn phố xanh khi sương còn lãng đãng.

Trải nghiệm thiên nhiên kỳ vĩ

Dân phượt thường bảo nhau phải chinh phục được đỉnh Quế và cổng Trời thì mới chứng tỏ được sức mạnh tình yêu dành cho Tây Giang - nơi được ưu ái gọi là “Đà Lạt thu nhỏ” của vùng đất Quảng Nam.

Nằm ở độ cao hơn 1.300 mét so với mặt nước biển, đỉnh Quế thuộc thôn Voòng, xã Tr’hy, được xem là đỉnh núi đẹp nhất xứ Quảng. Từ trên đỉnh Quế nhìn xuống, mây phủ trắng xóa như một tấm nệm màu đục khổng lồ. Khi ánh nắng vàng rực rỡ làm tan những áng mây thì vẫn là màu xanh mê hoặc của cây cối bạt ngàn. Một thế giới ôn hòa, biệt lập với sự náo nhiệt mà bất cứ cư dân chốn thị thành nào cũng mong muốn tìm về.

Từ đỉnh Quế, thật mạo hiểm khi băng qua con suối đá đầy rêu trơn trợt. Nhưng bù lại là đặt được chân đến cổng Trời Azứt - nơi được mệnh danh là điểm giao thoa giữa thiên đường với cõi trần gian. Những khối đá lớn cùng những hang động, thạch nhũ, những không gian “giếng trời” và các khu thác nước tắm mát đã khiến “cổng Trời” hệt chốn thiên đường bồng bềnh mây núi.

Đặc biệt nhất là được “lạc” vào thác Rơ Cung phía trên đỉnh Quế. Thác đổ từ đỉnh A Rùng (giáp Lào), nước quanh năm trong vắt, tung bọt trắng xóa. Thác Rơ Cung chính là hiện thân cho vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên và sự kỳ công của tạo hóa.

Và còn phải kể tới khu rừng nguyên sinh pơ mu. Nằm nép mình bên đỉnh Quế, khu rừng với 725 cây pơ mu vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Ở độ cao 1.500 mét, rừng pơ mu vẫn còn ít dấu chân người.

Trở về cội nguồn văn hóa

Gặp gỡ, sinh hoạt giao lưu với đồng bào vùng cao là một trải nghiệm thú vị.Ảnh: Thanh Ly

Ngoài thắng cảnh đẹp tuyệt vời không khác gì vùng núi rừng Tây Bắc, Tây Giang còn là nơi sinh sống của cộng đồng người Cơ Tu. Những ngôi nhà Gươi, nhà Moong, nhà Dài độc đáo với kiến trúc và chạm trổ đặc trưng chỉ có ở người Cơ Tu.

Trong nhà Gươi Tây Giang, xương đầu trâu được thấy ở nhiều vị trí, ngay cả ở bậu cửa ra vào. Trên các xà ngang là các tượng (gỗ) rắn, rùa, cá... mà không thấy hổ, báo, hươu, nai. Cảm giác như tổ tiên người Cơ Tu là dân nông nghiệp ở đồng bằng chứ không phải người xứ rừng thẳm núi cao như bây giờ.

Từ trung tâm huyện lỵ miền núi Tây Giang ngược về xã Lăng, du khách bắt gặp những ngôi nhà sàn san sát. Khi màn sương đêm vừa giăng xuống là cảnh sinh hoạt truyền thống lâu đời của đồng bào nơi đây. Bà con đến chật nhà sàn. Những cái nắm tay mừng rỡ, những tiếng cười nói, hỏi thăm rối rít...

Giữa ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, thiếu nữ Cơ Tu má đỏ hây hây rót từng ly rượu ba kích mời khách, rồi đi thành vòng tròn, nghiêng mình theo điệu múa truyền thống Tung tung - Za zá. Mùi thơm nồng của cơm lam, của thịt xông khói, của đĩa xôi sắn cùng men rượu ba kích đưa khách phương xa như lạc về thuở của tổ tiên ngày xưa. Phải chăng qua hàng ngàn năm, đồng bào Tây Giang vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc?

Tăng khách, tăng lo

Trời về khuya, đêm vùng cao thêm lạnh. Ánh lửa thiêng vẫn bập bùng, tiếng cồng chiêng vẫn rộn rã, giọng già làng vẫn vang vang những trang sử truyền thống... Không biết vì rượu khiến lời ra chân thực hay nhân tình đã thấm mà Bh’riu AGưm - một người trai bản xứ, nói như cởi tấm lòng: “Đồng bào mình mừng vì Tây Giang được kỳ vọng là điểm dừng chân hấp dẫn cho khách du lịch.

Địa phương cho biết lượng du khách đến thăm huyện đang tăng mạnh. Trước đây trung bình mỗi năm có gần 7.000 du khách ghé thăm. Năm 2016 lên 8.000 và năm 2017 lên tới gần 10.000. Nghe nói theo dự kiến phát triển du lịch của tỉnh, sẽ có 20 điểm du lịch miền núi được hỗ trợ kinh phí, trong đó có Tây Giang. Nhưng khi có vốn về rồi, hy vọng quê mình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của miền biên viễn. Đừng chưng diện kiểu “tô son trét phấn” hay “dao kéo” mà phá vỡ vẻ đẹp tự nhiên. Uổng lắm!”.

Có lẽ AGưm cũng như nhiều đồng bào nơi đây đang ngày đêm mong Tây Giang sớm nhận được sự quan tâm tương xứng với tiềm năng du lịch, bởi sản phẩm hẵng còn đơn điệu, dịch vụ hạn chế, hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực thiếu và yếu...

Nhưng như AGưm tâm sự, họ cũng đau đáu một nỗi niềm Tây Giang sẽ mất dần vẻ đẹp thuần khiết. Và biết đâu vài mươi năm sau, Tây Giang cũng sẽ “chìm” trong đủ loại công trình như bản sao một Đà Lạt miền Nam hay một Sa Pa miền Bắc hiện tại.

Phan Thị Thanh Ly

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288523/nguoc-ve-mien-bien-vien-tay-giang.html