Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 5: Xứ sở nghìn lẻ một đêm

Du khách có tiền nhưng đến được Iran cũng không dễ dàng gì. Ðất nước Hồi giáo dòng Shia này có diện tích rộng tới 1,7 triệu km2 với dân số khoảng 85 triệu người, vẫn luôn là một góc thế giới bí ẩn.

Khách Việt với ba ông râu dài ở quảng trường

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chưa thiết lập đường bay đến xứ sở Ba Tư. Đến như hãng du lịch nổi tiếng, Saigontourist, cũng chưa mở tour đến Teheran. Nước Mỹ thù ghét Iran đến mức, nếu visa của du khách có đóng dấu Iran, sẽ không được cấp thị thực vào bất cứ nơi nào của Hoa Kỳ. Riêng điều này đã làm những người sau này muốn đến Mỹ nản lòng. Biết nguyện vọng của nhóm người Việt muốn đến lập bia mộ cha Alexandre de Rhodes, chi nhánh Saigontourist ở Đà Nẵng đã nhanh nhạy hợp tác như một cơ hội mở một hành trình du lịch mới.

Tổng công ty ở Sài Gòn cử ngay hướng dẫn viên cừ khôi Nguyễn Trọng Tiến, người từng thông thạo thị trường Trung Đông và có vùng lãnh thổ kì bí và khốc liệt này làm hướng dẫn viên trưởng. (Thật đau xót và thương tiếc, chỉ sau chuyến đi này một tháng tám ngày, ngày 28 tháng 12 năm 2018, Nguyễn Trọng Tiến dẫn đầu đoàn du khách Việt Nam sang Ai Cập, trên đường đến tháp Ghiza, thủ đô Cai Rô, đoàn đã bị bọn khủng bố đánh bom, Tiến và hai người Việt Nam thiệt mạng. Một tổn thất lớn cho Saigontourist, cho những người thân. Tiến còn rất trẻ, chưa lập gia đình, còn nhiều dự định và hứa hẹn ở phía trước).

Ba thành viên trẻ tuổi nữa: Nguyễn Mai Phương, Hồ Vũ Hiếu và Trịnh Hoài Nguyên ở Đà Nẵng, ai cũng thành thạo tiếng Anh, từng một mình dẫn khách đi nhiều tour trên thế giới, và đặc biệt nhiệt tình năng động, thậm chí kiêm cửu vạn, shopper cho đoàn. Ngay từ mấy tháng trước, khi đoàn hành hương chuẩn bị thành lập, nhóm hướng dẫn viên Saigontourist đã trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội.

Phía Iran giang cả hai tay chào đón. Thì ra đất nước tưởng khép kín vì muốn quay lưng với thế giới, vì những khuôn phép của đạo Hồi, lại hồ hởi mở cửa đón bạn bè Việt Nam. Thay vì cấp thị thực vào hộ chiếu, nhà nước Iran có sáng kiến làm cho mỗi thành viên một tấm visa riêng biệt, chẳng có dấu tích gì khi mai kia anh muốn sang chơi hay làm ăn với ông kễnh phía bên kia Thái Bình Dương luôn kì thị và cấm vận họ.

Trên Quảng trường cố đô Isfahan

Có thể nói đây là tour khai mở. Bởi sau này, không nhất thiết phải mua đường (không) như thế. Có thể bay Việt Nam - Dubai, rồi tạt sang Teheran, hoặc đến thẳng Isfahan sẽ gần hơn, rút ngắn được vài ngàn cây số. Nhưng nhà tổ chức chuyến đi đã tính hết rồi. Hãng hàng không Turkish là một bạn hàng truyền thống, giá phải chăng và dịch vụ chẳng thể phàn nàn.

Được ngồi cạnh Nguyễn Đình Toán trên khoang máy bay xuất ngoại, tôi mừng quá. Chúng tôi từng công tác với nhau mười năm ở báo Văn Nghệ (1987 -1997). Nguyễn Đình Toán là phóng viên hợp đồng, lương 300.000 đồng một tháng. Ngày lễ, ngày Tết mọi cán bộ chúng tôi được thưởng 500.000 đồng, hoặc 1.000.000 đồng, ông vẫn 300.000 đồng. Để vợ khỏi nghĩ mình bất tài không được trọng dụng, ông lặng lẽ bỏ thêm 200.000 đồng, 700.000 đồng vào phong bì để bằng chúng tôi, rồi về đưa tặng vợ… Những nhà văn, nghệ sỹ được ông chụp chân dung, được ông in tráng ảnh và tận tay đem tặng, nhưng không bao giờ ông lấy tiền. Bao nhiêu tiền nhuận ảnh của các báo, ông đều dành để mua phim, mua giấy, trang bị cho phòng tối…, Công việc tái đầu tư ấy kết quả là cả một gian nhà phim ảnh chồng chất mấy mươi năm…

- Ông có biết không, đây là lần đầu tiên tôi xuất ngoại đấy - Ngồi yên vị cạnh tôi rồi, Toán mới thì thầm - Mà lại xuất ngoại bằng tiền 50 triệu đồng của một người bạn tài trợ mới oách chứ. Họ chuyển tiền qua tài khoản cho tôi, muốn đích thân tôi đi chuyến này…

Tôi biết, trong chuyến đi này, có hai người được nhận tiền tài trợ. Một nhà doanh nghiệp hảo tâm ở Vũng Tàu, yêu văn hóa, văn chương, mến tài danh những văn nghệ sỹ có tâm với đất nước, đã bỏ ra 75 triệu, 50 triệu tặng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, 25 triệu tặng nhà quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền, người cùng đi trong đoàn.

Tôi quay nhìn ông tròn mắt, tưởng nghe nhầm:

- Sao? Năm nay ông 72 tuổi rồi. Bây giờ mới ra nước ngoài?

- Thế đấy ông ạ. Gần hết cuộc đời mới được nhìn thấy thế giới. Vậy mà cách đây nửa tháng, tưởng không thể đi được, tôi đã hủy vé. Đầu tuần vừa rồi, quyết định đi, bị hãng hàng không phạt, bắt đóng thêm năm triệu.

- Đã có người tài trợ, mà sao cứ phải kéo pháo ra kéo pháo vào?

- Tôi ao ước được đi chuyến này, nên nhận lời, làm thủ tục xin visa và đóng tiền mua vé. Nhưng đúng lúc ấy, vợ tôi quyết định phá dỡ nhà cũ, xây lại. Một đại tá bác sỹ quân y cỡ như vợ tôi mà lúc nghỉ hưu rồi mới tích cóp đủ tiền xây nhà đấy ông ơi. Tôi chỉ suốt đời ăn bám vợ. Đúng lúc vợ con cần mình làm công việc thổ mộc, lại vác máy dong chơi, thì nhẫn tâm quá. Nhưng đáng lo nhất là cái kho phim ảnh. Mười bao tải. Đã lâu cất trong kho, bây giờ dở ra, nhiều cuộn phim và các tập ảnh đóng cục lại. Sợ khi mình rong chơi ở Iran thì vợ nó bực mình, vứt đi. Thế là lại không dám đi nữa…

- Nghe nói nhà tài trợ sẵn sàng bỏ mười triệu nữa để ông thuê nhà kho cất phim, ảnh, cho đến khi đi Iran về.

- Vâng. Mấy ông bạn văn chương đến ép mình như ép quân dịch. Họ bảo mình đi lần này như một sứ mệnh lịch sử…

Vui chuyện, Nguyễn Đình Toán kể: Thực ra đời ông đã có một lần ra nước ngoài. Đó là lần được đi cùng nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sang Lào cách đây gần hai mươi năm. Nhưng lần ấy hai đứa chỉ bước qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Phía bộ đội biên phòng nước bạn mời sang giao lưu văn nghệ một đêm... Rồi mười năm trước, năm 2008, một doanh nhân người Việt làm ăn ở Đức mời sang thủ đô Berlin dự lễ hội bia.

Đây, cuốn hộ chiếu này đây. Làm để đi Đức đấy. Ông mở cuốn sổ bìa xanh, vẫn còn như mới. Bức ảnh hộ chiếu trẻ trung, tóc đen ánh chứ không phải ông già tóc bạc bây giờ. Toán cười chua chát: Chuyến đi Đức ấy tôi háo hức lắm. Hộ chiếu, visa có rồi. Đã mua vé rồi, ba ngày nữa là bay. Vậy mà sáng hôm đó, đang đi xe máy đến nơi chụp ảnh, thì một thanh niên từ trong ngõ phóng ra, tông vào xe mình. Chiếc xe bị bẹp, còn mình gãy chân, phải vào viện ba tháng ông ạ… Cũng may mà cái sổ hộ chiếu này chưa hết hạn. Và lần này thì không ai làm mình gãy chân…

Nhiếp ảnh gia nghiêng sang tôi cả cười.

Tiếng cười hồn nhiên và vô tư khiến cô gái Thổ Nhĩ Kỳ ở hàng ghế bên khẽ liếc nhìn ông, như nhìn một chàng trai lần đầu trong đời được bay ra ngoài xứ sở.

(Còn nữa)

Hoàng Minh Tường

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nguoc-nguon-chu-viet-ky-5-xu-so-nghin-le-mot-dem-1364834.tpo